Khi nhập học, sinh viên đã trình đủ hồ sơ trong đó có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời - Ảnh: T. HUỲNH
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố danh sách gần 450 sinh viên bị buộc thôi học do không nộp bản chính bằng tốt nghiệp THPT đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau trong sinh viên và cả các nhà quản lý giáo dục.
Trong đó, nhiều sinh viên cho rằng cách làm của trường quá hình thức và không cần thiết.
Theo thông báo của trường, những sinh viên có tên trong danh sách buộc thôi học này do không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT để nhà trường kiểm tra và đối chiếu hồ sơ theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quy định.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường - lại cho biết số sinh viên có tên trong danh sách bị buộc thôi học do không nộp bằng tốt nghiệp THPT chỉ có 20 trường hợp. Còn lại đa phần đã nghỉ học do đi du học, học không nổi, chuyển sang học nghề... Việc trường thông báo buộc thôi học vì không nộp bản gốc bằng tốt nghiệp THPT chỉ là hình thức để trường xóa tên các sinh viên này.
Tuy khẳng định nhà trường thực hiện việc này theo quy chế của Bộ GD-ĐT nhưng ông Dũng cho rằng quy định này đến nay không còn phù hợp, đồng thời cho biết nhà trường đang đề xuất Bộ GD-ĐT bỏ quy định bắt buộc sinh viên phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp trung học để đối chiếu kiểm tra...
Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy hiện hành có quy định thí sinh trúng tuyển cần nộp bản sao hợp lệ nhiều giấy tờ, trong đó có "giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp, hoặc bằng tốt nghiệp trung học đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp trung học để đối chiếu kiểm tra".
Thực tế, hằng năm các trường ĐH đều thực hiện việc đối chiếu, kiểm tra thông tin sinh viên nhập học để đảm bảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Trong khi trên thực tế các trường đều có cách thực hiện quy định này khác nhau.
Nhiều trường hiện yêu cầu sinh viên chỉ nộp bằng tốt nghiệp THPT lúc làm hồ sơ xét tốt nghiệp ĐH. Những sinh viên không nộp đủ các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định sẽ không được xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế công tác tuyển sinh hiện nay cho thấy việc quy định sinh viên phải "xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp trung học để đối chiếu kiểm tra" là không cần thiết và cần thay đổi bằng cách làm khác.
Với kỳ thi THPT quốc gia, kết quả của tất cả thí sinh đều được công khai, các trường khi tuyển sinh cũng đã biết các thí sinh đã đậu tốt nghiệp nhờ phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Điều này có thể chứng minh thí sinh đã tốt nghiệp THPT rồi sau đó mới trúng tuyển ĐH nên việc phải nộp bằng tốt nghiệp THPT cho trường ĐH cũng không cần thiết.
Hơn nữa, khi thí sinh trúng tuyển đến làm thủ tục nhập học, các trường đã kiểm tra giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và đồng thời trong dữ liệu xét tuyển sinh đã không còn thí sinh bị rớt tốt nghiệp do còn dữ liệu. Việc kiểm tra lại cũng chỉ là hình thức.
Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng hiện nay rất nhiều trường xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ THPT, nhiều sinh viên trúng tuyển khi còn chưa dự thi THPT quốc gia nên cần phải kiểm tra các điều kiện để được học ĐH.
Tất nhiên, việc kiểm tra, đối chiếu lại thông tin khi sinh viên nhập học là yêu cầu bắt buộc không chỉ đối với những đối tượng này mà tất cả sinh viên. Khi trường ĐH chấp nhận cho thí sinh trúng tuyển, nhà trường cũng phải có trách nhiệm chủ động kiểm tra mọi điều kiện cần và đủ để được học ĐH.
Nếu nhà trường cho sinh viên vào học năm đầu, thậm chí đến năm cuối mới kiểm tra bằng tốt nghiệp THPT, khi đó mới phát hiện các trường hợp chưa tốt nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc nhà trường tuyển và đào tạo người không đủ điều kiện trúng tuyển.
Tại sao các trường không tra cứu dữ liệu từ Bộ GD-ĐT, từ các sở GD-ĐT là những nơi có nguồn thông tin vừa nhanh vừa chính xác ngay khi sinh viên nhập học?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận