Tình trạng khan hiếm nhân công đi biển khiến “cò” lao động lộng hành - Ảnh: KHOA NAM
Ngày 3-8, đại tá Đặng Văn Thống - chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BCHBĐBP) tỉnh Kiên Giang - cho biết ban điều tra phòng chống ma túy và tội phạm trực thuộc đơn vị này vừa giải cứu thành công 12 người bị ép đi biển.
Khống chế làm việc không lương
Trước mắt, đã làm rõ được 2 người có liên quan trực tiếp đến vụ việc là Lý Minh Trung (tự "Đen") và Huỳnh Thanh Vũ - thuyền trưởng tàu đánh cá.
Theo phản ảnh của người nhà các nạn nhân, lực lượng chức năng điều tra 2 tàu đánh cá số hiệu KG 92674 TS và KG 91834 TS do ông Trần Hon (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm chủ đang có 18 ngư dân.
Có 12/18 ngư dân phản ảnh họ phải ký giấy nhận nợ số tiền 13 triệu đồng/người với chủ tàu. Dù các đối tượng trung gian hứa hẹn việc làm có lương cao, gia đình các ngư dân sẽ nhận được khoảng 10 triệu đồng, nhưng trên thực tế các ngư dân bị chiếm đoạt toàn bộ 13 triệu đồng.
Khi trình báo với lực lượng chức năng, nhiều ngư dân phản ảnh do say sóng không làm việc được nên bị thuyền trưởng chửi mắng, đánh đập. Nhưng qua kiểm tra thân thể thì cả 18 thuyền viên đều khỏe mạnh, không có thương tích.
Ông Trương Văn Ngữ - chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá - cho hay với tình hình ngư trường cạn kiệt như hiện nay thì với số nợ 13 triệu đồng, mỗi ngư dân phải đi biển khoảng 40 ngày, tức 2 chuyến mới trừ hết nợ.
"Việc một số người mượn nợ lãi suất cao để cờ bạc, ăn nhậu rồi bị các đối tượng cho vay ép đi biển gần đây khá phổ biến. Hội nghề cá đã khuyến cáo các hội viên là chủ tàu cá không sử dụng lao động từ nguồn này, vì như vậy là vô tình tiếp tay cho tội phạm" - ông Ngữ nói.
Đại tá Thống cho biết thêm hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, vì đây là cả một đường dây môi giới lao động chứ không phải 1, 2 đối tượng hoạt động đơn lẻ.
Một chủ tàu cá ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho xem giấy tờ tùy thân các ngư dân được thuê qua các “cò” bỏ trốn sau khi để lại các khoản nợ cho chủ tàu - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Thiếu người, "cò" lộng hành
Đội tàu cá khổng lồ ở ngư trường phía Nam đang đứng trước nỗi khó là thiếu nhân công đi biển. Nhiều chủ tàu phải cho tàu nằm bờ vì thiếu người.
Trong tình cảnh đó, nhiều nơi đã xuất hiện các băng nhóm đứng ra khống chế người đi biển bằng nhiều thủ đoạn, từ cho mượn tiền, cho nhậu nhẹt để ép thiếu nợ... Để trả nợ, nhiều ngư dân phải đồng ý nghe theo lời các đầu nậu này.
Họ chấp nhận bị bán lên các tàu để làm việc trả nợ. Lương của họ đã được chủ tàu trả cho các đầu nậu này. Trường hợp các ngư dân trên tàu ông Trần Hon làm việc không lương cũng như thế.
Rất nhiều vụ, để tẩu thoát khỏi cảnh làm việc không lương, nhiều ngư dân đã chọn cách nhảy xuống biển mỗi khi tàu neo gần bờ hoặc khi đến gần các đảo.
Bà N.T.K.T. (40 tuổi, khóm 6, thị trấn Sông Đốc), một chủ tàu, thừa nhận rằng tất cả 22 người làm việc trên tàu của bà đều thông qua các "cò".
Các đầu mối này mở hẳn một quán nhậu để dụ dỗ thanh niên từ các nơi tới, hoặc lao động từ biển được phục vụ phủ phê đến khi không có tiền trả, những người này bị khống chế ép đi biển.
Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), nơi được ví như "thủ phủ tàu cá" ở ngư trường phía Nam với đội tàu trên 1.000 chiếc đủ năng lực đánh bắt xa bờ. Chưa kể đội tàu hùng hậu ở các tỉnh từ miền Trung trở vào ra vào đây trú đậu, mua bán hải sản, hậu cần nghề cá...
Vì vậy một lượng lớn lao động nghề biển đã đổ về đây, biến Sông Đốc trở thành "sàn giao dịch" ngư dân lớn.
Theo lệ, trước khi mướn được ngư dân lên tàu thì chủ phải ứng cho họ một số tiền nhất định từ 5-10 triệu đồng (tùy theo tàu ra khơi dài hay ngắn ngày). Sau chuyến biển, dựa vào số lượng hải sản đánh bắt được mới tính chuyện chia tiền công.
"Mướn người đi biển bây giờ mạo hiểm lắm vì khi mướn được thì quyền quyết định ứng tiền bao nhiêu là của họ chứ chủ tàu bây giờ không quyết được. Nhưng khi mượn tiền xong mà không đi hoặc đi ra tới biển rồi trốn thì mình mất luôn số tiền cho ứng trước. Chuyện này xảy ra thường xuyên" - một chủ tàu giải thích.
Tại Sông Đốc, có thời gian xảy ra tình trạng "cò" ngư dân lộng hành. Những đối tượng này dụ dỗ ngư dân ăn nhậu và bị chủ quán tính tiền với giá "cắt cổ" khiến ngư dân không có khả năng chi trả và bị giam lỏng.
Do không có tiền trả nên ngư dân phải làm theo lời "cò" là đi theo tàu đánh cá làm việc trừ nợ. Công an huyện Trần Văn Thời đã phá vụ án với thủ đoạn như thế này.
Lực lượng biên phòng nơi cửa biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng tiếp nhận nhiều trường hợp ngư dân ôm phao nhảy xuống biển trốn. Có trường hợp ngư dân bị chủ tàu bóc lột sức lao động chịu không nổi nên ôm phao nhảy xuống biển thoát thân, mong may mắn có tàu khác vớt được.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngư dân nhảy xuống biển với mục đích... trốn nợ.
Trưa 3-8, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Hon, chủ tàu cá bị cho là "cưỡng bức" các ngư dân làm việc trong vụ việc đề cập trên.
Ông Hon tỏ ra bất ngờ trước tin ông "nhốt, đánh đập ngư dân", dù rằng ông thừa nhận số ngư dân đi trên tàu ông tìm được qua môi giới.
"Tàu tôi hành nghề cào đôi, trung bình hơn 1 tháng mới vào bờ một lần. Tháng trước vào cửa biển Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), tài công báo về là ngư dân bỏ trốn gần hết. Tình thế để có người tiếp tục đi biển, tôi phải tìm người qua "dịch vụ".
Tôi chỉ trả tiền qua đầu mối đó, chứ đâu biết họ ăn hết, không trả cho ngư dân...".
Chủ tàu này nói rằng cho đến khi cơ quan biên phòng gọi vào để kiểm tra, ông mới hay vụ việc bị các ngư dân trình báo, nhưng vẫn phủ nhận tài công của mình nhốt hay hành hung ngư dân.
"Tôi bị mất hàng trăm triệu đồng từ vụ này. Chưa kể bị ngư dân tạm ứng rồi bỏ trốn không biết bao nhiêu. Nhưng do thiếu người nên tôi phải nhờ đến họ ("cò" ngư dân)" - ông Hon nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận