05/12/2016 06:01 GMT+7

Có nên dạy con đánh bạn để tự vệ?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN

TTO - Chia sẻ về chuyện con đi học bị bạn đánh, nhiều bố mẹ cho rằng trong nhiều trường hợp cần dạy trẻ cách tự vệ và đánh trả. Ý kiến của các chuyên gia tâm lý giáo dục xung quanh vấn đề này thế nào?

Nhiều phụ huynh cho rằng nên dạy con khi bị bạn đánh thì phải biết… đánh lại bạn. Đây phải chăng là cách tự vệ chính đáng hay lại càng làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bạo lực?

Cha mẹ “đổ thêm dầu vào lửa”?

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, những đứa trẻ học chung lớp, chơi chung với nhau luôn tìm thấy sự khác biệt, không đồng tình với nhau. Các em có nhiều cách để xử lý vấn đề này, nhiều em thích sử dụng bạo lực để bắt các bạn phải theo ý mình.

Tuy nhiên trong hầu hết các tình huống, việc đánh nhau giữa hai đứa trẻ chỉ như một phản xạ nhất thời chứ không mang tính thù hằn lâu dài. Nhiều trẻ chỉ đánh để giải tỏa cơn tức giận bộc phát, ngay sau đó lại quên và làm hòa với nhau.

Nhưng đôi khi thái độ tiêu cực của bố mẹ lại đẩy mâu thuẫn lên cao trào, làm trẻ nghĩ hành vi bạo lực của bạn là quá đáng hơn trên thực tế, gây cho trẻ cảm giác mong muốn được trả thù. Trong những lần mâu thuẫn tiếp theo, trẻ sẽ dễ tấn công bạn trước.

Đứa trẻ khi đã giải quyết được một vấn đề bằng bạo lực sẽ nghĩ rằng vấn đề nào cũng có thể giải quyết được bằng bạo lực, dần dần trẻ sẽ áp dụng vào mọi tình huống trong cuộc sống.

“Nhiều lần bạo lực dễ đẩy mâu thuẫn lên cao, bản thân đứa trẻ khi phải ghen ghét, thù hằn bạn khác sẽ không thoải mái khi đến trường. Phụ huynh vì thế hãy là người bình tĩnh để thấy được rằng còn nhiều cách giải quyết khác, nhẹ nhàng hơn, ít gây hậu quả hơn. Hãy dạy con cách ứng xử tốt để trẻ áp dụng không chỉ trong môi trường trường học mà kể cả khi đã vào đời”, ThS Minh Huệ nói.

Dạy con cách tự vệ như thế nào?

Ảnh minh họa

Theo thạc sĩ (ThS) tâm lý Tô Nhi A - giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM - dạy con cách tự vệ là việc làm rất quan trọng mà mỗi phụ huynh cần chuẩn bị để giúp con hòa nhập vào môi trường trường học. Tuy nhiên, vấn đề là dạy con cách tự vệ như thế nào.

“Tự vệ” không bao gồm việc “đánh lại bạn”. Tự vệ có rất nhiều hình thức như tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, của người lớn như thầy cô hoặc bác bảo vệ... Cần dạy con trong trường hợp xấu nhất, khi con đang bị bạn đe dọa, cần biết cách thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm.

Trước đó, phụ huynh cần trang bị cho con cách tránh xảy ra xung đột, trong đó bao gồm việc giao tiếp và hành xử đúng đắn với bạn bè. "Nên dạy con rằng đừng đẩy bạn vào tình huống mà bạn phải nghĩ đến việc đánh mình, ví dụ đừng nói xấu bạn, đừng gây hấn với bạn trước, trong tình huống căng thẳng không nên nói lời lẽ khó nghe", ThS Tô Nhi A đưa ra lời khuyên.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng khi thấy dấu hiệu con bị bạn đánh, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là tìm hiểu xem chuyện gì giữa con và bạn đã xảy ra trước đó dẫn đến tình huống đánh nhau, hành vi có lặp đi lặp lại hay không, con và bạn đã nói chuyện với người lớn về vấn đề này chưa… Khi trò chuyện với con cần có thái độ bình tĩnh để con yên tâm kể rõ ràng và chính xác sự việc đã xảy ra, cũng như nói lên được cảm xúc thực của chính mình.

Nếu đã nhìn thấy được vấn đề, phụ huynh cần phân tích để trẻ thấy được và chấp nhận sự khác biệt giữa mình và bạn. Khi đó trẻ sẽ nhẹ nhàng vượt qua được chuyện này mà không có tổn thương về mặt tâm lý.

Sau đó, nên hướng dẫn trẻ cách chủ động trò chuyện với bạn. Phụ huynh nên giáo dục trẻ cách tự giải quyết mâu thuẫn, khoan hãy xen vào.

Theo giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - nên dạy trẻ khi bị đối phương gây áp lực, phải biết cách thể hiện sức mạnh, nhưng không phải sức mạnh tấn công, mà là sức mạnh tự vệ.

Sức mạnh này không cần là sức mạnh cơ bắp, mà có thể là sức mạnh lời nói hoặc sức mạnh của số đông. “Đừng để trẻ cảm thấy sức mạnh cơ bắp có thể giải quyết mọi vấn đề mà ngược lại, chỉ nên dùng trong những trường hợp cấp bách nhất”, ông Kỳ Anh nói.

Tăng liên hệ giữa gia đình và nhà trường

Theo chuyên gia Võ Thị Minh Huệ, trong trường hợp chính trẻ không thể tự giải quyết mâu thuẫn, các phụ huynh cũng có thể gặp gỡ trên tinh thần cùng nhau giúp con giải quyết xích mích, chứ không phải để gây thêm mâu thuẫn giữa hai bên. Một cuộc nói chuyện thiện chí giữa các phụ huynh còn có thể tạo ra tình bạn giữa những đứa trẻ sau hiểu lầm với nhau.

Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng khi bố mẹ có thái độ tiêu cực thì chính con cái mới là người chịu thiệt thòi. Kẻ bắt nạt không đánh thì sẽ tìm những cách khác như kêu gọi bạn bè khác tẩy chay, hạ nhục tinh thần, nói xấu trên mạng xã hội,…

GS Kỳ Anh đưa ra một cách giải quyết rất hay đó là khuyến khích con đi gặp, hoặc chính phụ huynh đi gặp những người bạn tốt trong lớp để nhờ các bạn chung sức bảo vệ con khỏi kẻ bắt nạt. Vì trong đa số các trường hợp, số đông luôn thắng thế.

Về phía nhà trường, ông Kỳ Anh cho rằng các thầy cô giáo vừa đóng vai trò quản lý học sinh, vừa đóng vai trò hòa giải giữa các phụ huynh, vì vậy họ không được tránh né, không được thờ ơ, không được vô trách nhiệm trước chuyện học sinh gây thương tích cho nhau.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> GS Nguyễn Võ Kỳ Anh:

>> Chuyên gia Võ Thị Minh Huệ:

>> ThS Tô Nhi A:

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục