05/10/2019 14:33 GMT+7

Có nên bỏ xếp loại khá, giỏi trên bằng tốt nghiệp?

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Sinh viên cho rằng xếp loại thứ hạng bằng tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, khá hay trung bình dù áp lực nhưng cũng là động lực, mục tiêu phấn đấu. Còn doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng nhìn vào đó đánh giá chất lượng nguồn nhân lực.

Có nên bỏ xếp loại khá, giỏi trên bằng tốt nghiệp? - Ảnh 1.

Mỗi năm, thành phố Hà Nội đều tổ chức vinh danh các thủ khoa đầu ra xuất sắc của các trường đại học trên địa bàn. Các thủ khoa đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao được các doanh nghiệp, tổ chức "săn đón" - Ảnh: HÀ THANH

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đưa ra dự thảo lần 1 lấy ý kiến thông tư về ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự).

Bỏ xếp loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình

Cụ thể, dự thảo đưa ra nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, gồm:

1. Tiêu đề: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);

3. Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;

4. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;

5. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;

6. Quốc tịch của người được cấp văn bằng;

7. Ngành đào tạo;

8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;

9. Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;

10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Theo quy định cũ, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về mức độ: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình; phân biệt rõ hình thức đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm, học hệ từ xa.

Còn theo dự thảo này, cách ghi các nội dung trên bằng tốt nghiệp đại học sẽ có một số thay đổi. Cụ thể, tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học chỉ gọi chung là cử nhân, bỏ xếp loại (khá, giỏi, trung bình) cũng như bỏ phân loại chính quy hay tại chức.

Sinh viên: "Áp lực thứ hạng cũng là mục tiêu phấn đấu"

Xung quanh dự thảo quy định này, một số sinh viên trường đại học ở Hà Nội bày tỏ không đồng tình.

Sinh viên Phạm Thị Thu Trang (năm 3 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng không nên bỏ vì đó là kết quả cho sự phấn đấu 4 - 5 năm đại học.

"Nếu bỏ đi thì những người tốt nghiệp mức điểm vừa, điểm cao không cảm thấy sự phân biệt. Đầu vào tuyển dụng dù doanh nghiệp không để ý vấn đề này nhưng cũng là một yếu tố để đánh giá. Thứ hạng cũng là mục tiêu cho sinh viên phấn đấu rõ ràng hơn trong những năm đầu tiên", Trang chia sẻ.

Cùng quan điểm, Nguyễn Lê Quỳnh Trang (sinh viên năm 4 Học viện Tài chính Hà Nội) cho rằng việc xếp hạng thứ bậc là cách thức để đánh giá nỗ lực của sinh viên.

"Một người chăm học nhưng kết quả ra như nhau, một bạn xuất sắc, học khá mà chỉ ra bằng đạt thì không hợp lý lắm. Áp lực xếp hạng là có, nhưng tôi nghĩ áp lực cũng là động lực để phấn đấu, có áp lực cũng tốt mà", Quỳnh Trang bày tỏ.

Một vị đại diện doanh nghiệp cho rằng việc xếp hạng trong văn bằng tốt nghiệp là một phần để đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của sinh viên học tập ở trường đại học.

"Rõ ràng nếu như bỏ, ban đầu sẽ có khó khăn. Trước kia tuyển dụng, tôi xem bảng điểm, văn bằng khá giỏi để đánh giá ban đầu. Nhiều doanh nghiệp khi chọn nhân lực, họ chọn các trường đại học uy tín, văn bằng từ khá giỏi trở lên mới nhận sơ tuyển ban đầu. Văn bằng không thể đánh giá được 100% nhưng 60 - 70% là chính xác", vị này nêu ý kiến.

Không xếp loại, thay bằng bảng điểm

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc xếp loại là làm theo thông lệ quốc tế, quốc tế không ghi thì mình không nên ghi.

"Cứ đúng theo luật, bằng là chứng nhận để người ta đạt một trình độ nào đó như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…", ông Sơn nói. "Nhiều người nói bằng không quan trọng, tại sao phải hỏi xếp loại quan trọng, tôi thấy hơi mâu thuẫn".

Ông cho rằng bên cạnh bằng tốt nghiệp có thể yêu cầu bảng điểm, bảng điểm mới thể hiện được điểm ở các môn khác nhau. Doanh nghiệp muốn xem xét kỹ thì xem kỹ bảng điểm.

Đồng tình với quan điểm bên cạnh bằng tốt nghiệp cần có bảng điểm, GS.TS.BS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ qua bảng điểm có thể biết lực học của sinh viên. Nếu thông lệ quốc tế không ghi thì làm theo thông lệ quốc tế.

"Như trường tôi tỉ lệ giỏi, xuất sắc rất ít nhưng các trường khác nhiều hơn nhiều. Một bằng đại học loại giỏi, trung bình chỉ tương đối thôi, người ta phải xem học ở nơi nào, tốt nghiệp trường nào, lực học ra sao. Lực học hoặc ghi trên bằng hoặc ghi bảng điểm, nhưng doanh nghiệp phải biết điều đó, nơi tuyển dụng biết và đòi hỏi thì nhà trường sẽ cung cấp", ông Tú nói.

Thăm dò ý kiến

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xếp loại khá, giỏi trên bằng tốt nghiệp, đồng thời bỏ phân loại chính quy, tại chức... Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Không để tồn tại việc thầy cô xếp hạng học sinh Không để tồn tại việc thầy cô xếp hạng học sinh

TTO - Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục có chỉ đạo yêu cầu các sở GD-ĐT phổ biến quy định đến từng trường, từng giáo viên để thực hiện đúng việc đánh giá học sinh, không để tồn tại tình trạng xếp hạng học sinh.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên