24/05/2021 09:21 GMT+7

Có một văn bản Tây Tiến khác chép tay, Quang Dũng tặng Hải Bằng

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Có một văn bản khác của bài thơ Tây Tiến do chính nhà thơ Quang Dũng chép tay, vừa được công bố trên các trang báo văn nghệ trong tuần qua, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Có một văn bản Tây Tiến khác chép tay, Quang Dũng tặng Hải Bằng - Ảnh 1.

Bản chép tay của nhà thơ Quang Dũng tặng nhà thơ Hải Bằng - Ảnh do Nguyễn Phước Hải Trung cung cấp

Bản Tây Tiến này có một số chi tiết khác với tác phẩm đã xuất bản cũng như bài thơ đã đưa vào sách giáo khoa.

Đó là một bản chép tay của nhà thơ Quang Dũng tặng nhà thơ Hải Bằng, vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung (con trai của nhà thơ Hải Bằng, hiện ở Huế) công bố trên tạp chí Sông Hương tháng 5-2021 và báo Văn Nghệ ngày 22-5.

"Cọp trêu ngươi", "thơm nếp sôi", "dáng Kiều thơm"

Bản chép tặng này có nhan đề "Nhớ Tây Tiến - 1947", có ba chi tiết khác biệt lớn so với bản Tây Tiến đã in trong các sách của Quang Dũng và trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (tập 1, trang 88 - 89).

Nếu trong bản Tây Tiến đang lưu hành hiện nay có các câu thơ "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người", "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", thì trong bản chép tay này là "cọp trêu ngươi", "thơm nếp sôi", "dáng Kiều thơm".

Nhà nghiên cứu Hải Trung cho rằng đây là những điểm "khác biệt quan trọng", liên quan đến ngữ nghĩa câu thơ và ý tứ của tác giả. Nếu theo văn bản này thì ý của tác giả cũng như ý câu thơ sẽ khác với văn bản đang lưu hành.

Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng, đồng thời là người đại diện cho gia đình nhà thơ - khẳng định: văn bản bài thơ Tây Tiến đang lưu hành trong sách giáo khoa cũng như nhiều cuốn sách của Quang Dũng là bản chính thức và chính xác.

Đây là văn bản đã được chính nhà thơ Quang Dũng hoàn chỉnh và cho in trong tập thơ "Mây đầu ô" (NXB Tác Phẩm Mới, năm 1986).

Bà Phương Thảo cho hay khi làm tập thơ này, nhà thơ Quang Dũng đã trao đổi rất kỹ với nhà thơ Trần Lê Văn, người bạn thân thiết và cũng là người tổ chức bản thảo thơ Quang Dũng.

Từ đó về sau, các sách Tuyển tập Quang Dũng (NXB Văn Học 1988), Quang Dũng - tác phẩm văn học được Giải thưởng Nhà nước (NXB Hội Nhà Văn 2014), cũng như nhiều sách khác, trong đó có sách giáo khoa lớp 12, đã lấy văn bản thơ Quang Dũng từ một nguồn chính thức là tập "Mây đầu ô" (trong đó có bài Tây Tiến).

"Bản thảo đầu tiên khác với bản công bố chính thức là điều bình thường đối với người sáng tác, bởi sau đó tác giả còn chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Bút tích của bản đầu tiên đưa ra là để minh họa về quá trình sáng tác, không thể căn cứ vào đó để khẳng định "nếp sôi" mới đúng" - bà Thảo nói.

Có một văn bản Tây Tiến khác chép tay, Quang Dũng tặng Hải Bằng - Ảnh 2.

Nhà thơ Quang Dũng thời Tây Tiến

Làm phong phú cho "bảo tàng Quang Dũng"

Nhà thơ Mai Văn Hoan, nguyên là giáo viên môn văn Trường THPT Quốc Học - Huế, đã nhiều lần giảng bài thơ Tây Tiến cho học sinh lớp 12 nên ông rất quan tâm đến sự kiện này.

Ông cho rằng dù bài thơ do chính Quang Dũng chép tặng nhà thơ Hải Bằng từ trước năm 1975 thì cũng không thể xem là bản gốc.

Theo lời kể của Quang Dũng, bản thảo đầu tiên bài Tây Tiến có nhan đề là "Nhớ Tây Tiến", ông gửi cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và sau đó nhà thơ Xuân Diệu đã cho đăng ở tạp chí Văn Nghệ số 11 - 12 tháng 4 - 5 năm 1949.

Bài thơ hay nên nhiều người chép chuyền nhau. Năm 1957, bài thơ được in lại với nhan đề Tây Tiến do tác giả tự bỏ đi chữ "nhớ". Lần thứ ba, in lại trong tập "Mây đầu ô", xuất bản năm 1986, lúc này tác giả vẫn còn minh mẫn.

Mãi đến năm 1988, ông bị bệnh nặng và qua đời. Điều này chứng tỏ Quang Dũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉnh sửa văn bản bài thơ Tây Tiến.

"Nhưng dù không phải là bản gốc, và không phải là bản hoàn chỉnh, thì bản chép tay bài Tây Tiến mà Quang Dũng tặng Hải Bằng cũng là một tư liệu quý, bổ sung một hiện vật làm phong phú thêm "bảo tàng Quang Dũng"", ông Hoan nói.

100 năm Quang Dũng, 73 năm "Tây Tiến"

Quang Dũng sinh năm 1921, năm nay là kỷ niệm 100 năm sinh thành của ông. Bài thơ Tây Tiến cũng có tuổi đời 73 năm, với một hành trình rất đặc biệt.

Quang Dũng sáng tác bài này tại làng Phù Lưu Chanh (tỉnh Hà Nam) năm 1948, và in lần đầu tiên trên báo Quân Bạch Đằng của Liên khu 3 cũng vào năm 1948. Năm 1949, in trên tạp chí Văn Nghệ, do đây là cơ quan ngôn luận trung ương nên người ta xác định đó là lần đầu tiên công bố chính thức.

Năm 1957, in chung trong tập "Rừng biển quê hương", cùng nhà thơ Trần Lê Văn, với nhan đề Tây Tiến. Năm 1986, in trong tập "Mây đầu ô", tập thơ riêng đầu tiên của Quang Dũng. Năm 1990, Tây Tiến được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 và giảng dạy trong nhà trường từ đó đến nay.

Công bố hồi ký Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng Công bố hồi ký Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng

TTO - Những câu chuyện cũ đã trôi xa hơn nửa thế kỷ, ấy thế mà giờ đọc lại vẫn sống động và chân thực như vừa mới xảy ra đây thôi, gần lắm. Đó là cảm giác khi đọc tập hồi ký Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên