12/07/2019 20:07 GMT+7

Cơ may kỳ lạ của người đàn ông tay mọc nhánh tua tủa

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Tay mọc nhánh tua tủa, đau đớn, người đàn ông tội nghiệp không thể làm việc và luôn cảm thấy đau khổ khi không thể chơi với con mình... Các bác sĩ đề nghị cắt cụt tay, nhưng ông quyết không đầu hàng số phận.

Cơ may kỳ lạ của người đàn ông tay mọc nhánh tua tủa - Ảnh 1.

Bệnh nhân Mahmoud Taluli và bác sĩ ân nhân Michael Chernofsky - Ảnh: Trung tâm Y tế Hadassah

Ông Mahmoud Taluli, cư dân ở Gaza, Palestine, đang mang hi vọng sống mới sau khi được điều trị tại Trung tâm Y tế Hadassah Ein Kerem ở Jerusalem.

Cuộc phẫu thuật đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi. Tôi có thể chơi với các con của tôi. Tôi có thể đi đến các sự kiện gia đình. Tôi không còn cần phải che tay khi ra nơi công cộng.

Bệnh nhân Mahmoud Taluli

"Sau nhiều năm sống trong đau khổ và cô độc, cuối cùng tôi cũng có thể sống một cuộc sống bình thường". Taluli, 44 tuổi, thốt lên khi các bác sĩ ở Jerusalem loại bỏ hàng ngàn mảnh giống như vỏ cây trên đôi tay ông. 

Ông vẫn còn phải chiến đấu với căn bệnh về da hiếm gặp (cả thế giới chỉ khoảng 200 người mắc phải) và còn một cuộc phẫu thuật khác được lên kế hoạch vào cuối mùa hè này.

Đó sẽ là cuộc phẫu thuật thứ năm trong cuộc điều trị kéo dài hơn hai năm qua và mang tính tiên phong tại Trung tâm Y tế Hadassah. 

Ông Michael Chernofsky, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Trung tâm Y tế Hadassah, là người đang theo dõi quá trình điều trị cho Taluli. Trên tạp chí Newsweek, ông cũng thừa nhận rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên trông thấy các triệu chứng của bệnh nhân Taluli. 

"Trong suốt 30 năm chuyên về phẫu thuật bàn tay, tôi đã trải qua những trường hợp đầy thử thách. Tuy nhiên, trường hợp của Mahmoud Taluli là điều mà trước đây tôi chưa từng thấy", bác sĩ Chernofsky chia sẻ thật lòng. Nhưng ông đã quyết định lao vào ca khó này bởi hoàn cảnh của bệnh nhân.

"Mahmoud đến tìm gặp và kể về bệnh trạng với tôi khoảng 2 năm trước. Chúng tôi là niềm hi vọng cuối cùng của anh ấy. Anh ấy kể đã gặp các bác sĩ khắp khu vực Trung Đông và gần như ai cũng nói không thể làm gì để giúp anh ấy ngoài việc khuyên anh ấy cắt cụt tay" - bác sĩ Chernofsky nhớ lại.

Mahmoud Taluli không chấp nhận chuyện bị cắt đi đôi bàn tay dù đã phải chịu đựng tình trạng đôi tay mọc nhánh tua tủa trong hơn 10 năm. Ông ấy đã phải chịu đựng cơn đau mãn tính nghiêm trọng, không thể sử dụng tay trái của mình, và cử động bên tay phải cũng bị hạn chế. 

Ông không thể làm việc với đôi tay luôn đau đớn, rất ngại ngùng khi xuất hiện ở nơi công cộng và luôn cảm thấy đau khổ khi không thể chơi với con của mình.

Taluli, tuy vậy, đã không đầu hàng nhanh chóng số phận và quyết đi tìm kiếm mọi cơ hội chữa trị cho mình. Ngay cả việc xin phép chính quyền hai bên Palestine và Israel để được rời Gaza sang Jerusalem chữa bệnh cũng là một thách thức không nhỏ. Taluli đã vượt qua tất cả và gặp được vị bác sĩ sẵn lòng cứu ông.

Cơ may kỳ lạ của người đàn ông tay mọc nhánh tua tủa - Ảnh 3.

Bàn tay của Mahmoud Taluli bị mọc sừng tua tủa - Ảnh: Trung tâm Y tế Hadassah

"Cắt cụt chi là một biện pháp không thông minh vì nó sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn" - bác sĩ Chernofsky nhớ lại nhận định của mình hồi năm 2017 khi nghe Taluli kể chuyện gặp các bác sĩ Ai Cập và Jordan. 

Vị bác sĩ của Israel cho biết nếu bàn tay của bệnh nhân bị cắt, bệnh nhân có thể sẽ tiếp tục bị đau dữ dội do đứt dây thần kinh trong quá trình cắt cụt chi. Và tình trạng da sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phần còn lại của cơ thể bệnh nhân.

Bác sĩ Chernofsky cho biết nhóm của ông dự kiến thực hiện ca phẫu thuật thứ năm vào cuối mùa hè này để loại bỏ các tổn thương mới trên các vùng khác nhau trên cơ thể Taluli và mô sẹo từ các ca phẫu thuật trước đó.

Cho đến nay chỉ có khoảng 200 trường hợp mắc hội chứng "người cây" được báo cáo trong các tài liệu y khoa, và hiện cũng không có phác đồ điều trị rõ ràng cho căn bệnh này.

Taluli bị mắc phải hội chứng biểu bì (EV), còn được gọi là hội chứng "người cây". Đây là một chứng rối loạn da di truyền đặc biệt hiếm gặp ở da có liên quan đến nguy cơ ung thư da cao. Bệnh được các bác sĩ Felix Lewandowsky và Wilhelm Lutz phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920.

Nguyên nhân phát bệnh được xác định do virút HPV (Human Papilloma virus), loại virút có khả năng làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người. Chúng mang đặc tính đột biến di truyền, khiến việc điều trị rất khó khăn nếu không phát hiện kịp thời.

Trong thời gian đầu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các mụn cóc. Những mụn này sẽ phát triển dài ra và dần biến dạng trở nên khô ráp như vỏ cây. Hội chứng "người cây" khiến vùng da trên người bệnh nhân bị biến dạng, trở nên chai sần và nứt nẻ do tác dụng phụ của việc mọc nhiều khối u khác thường.

Trải qua 24 lần phẫu thuật, Trải qua 24 lần phẫu thuật, 'người cây' Ấn Độ lại tiếp tục mọc 'vỏ'

TTO - Sau 24 cuộc phẫu thuật, anh Abul Bajandar (Ấn Độ) tưởng như đã trở thành người thường. Nhưng mới đây anh đã phải quay trở lại viện vì hội chứng "người cây" tái phát.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ung thư da người cây