03/02/2015 08:04 GMT+7

​Có kẽ hở cho luật sư chạy án

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Muốn chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thì phải quan tâm tới hai khâu quan trọng nhất: con người và vấn đề kiểm soát tài sản...

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trao đổi với bà Lê Thị Thu Ba - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương - Ảnh: T.Long

Tiêu cực trong hoạt động tư pháp ngày càng tinh vi, việc xác định các hành vi như thế nào là tiêu cực, giải pháp nào hạn chế tiêu cực... là những vấn đề được nêu ra trong hội thảo “Thực trạng, giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp khu vực phía Nam”.

Hội thảo do Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương tổ chức ngày 2-2 tại TP.HCM.

Cán bộ mất phẩm chất chiếm số lượng không nhỏ

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Chính - nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp - khi nói về việc đảm bảo lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Theo ông Chính, muốn chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thì phải quan tâm tới hai khâu quan trọng nhất: con người và vấn đề kiểm soát tài sản. “Hai khâu này ảnh hưởng đến mọi công việc, từ chuyên môn đến chống tiêu cực” - ông Chính khẳng định.

Ông Chính cho rằng cán bộ mất phẩm chất đang chiếm một số lượng không nhỏ, nhưng ai kiểm soát những người này, bởi hoạt động tư pháp luôn luôn độc lập. “Người dân tìm đến cơ quan tư pháp gần như là nơi cuối cùng, là nơi họ ủy thác mọi niềm tin và sự trông cậy rồi, vậy mà các cơ quan này còn tiêu cực thì người dân còn biết trông cậy vào đâu?” - ông Chính nói.

Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thị Thu Ba - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương - cho rằng cán bộ tư pháp là chỗ dựa về mặt pháp lý của nhân dân, nhưng lâu nay có thật sự như vậy hay chưa?

Bà Thu Ba nói từ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên cấp huyện đều có được cái quyền mà không ai có, đó là quyền bắt tạm giam, tạm giữ hoặc thả người, hay quyền định đoạt tài sản có khi lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Nếu không có đội ngũ có trình độ chuyên sâu, có năng lực nghiệp vụ, dám đấu tranh bảo vệ công lý, có đạo đức, trách nhiệm... thì nhân dân biết dựa vào ai. 

Tiêu cực của luật sư xuất phát từ cơ quan tư pháp

Đây là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, thực tế mô hình tố tụng hiện nay chính là kẽ hở để luật sư chạy án do chưa kiểm soát chặt chẽ chức năng của những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tố tụng. Việc mất bình đẳng giữa luật sư với những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng là một vấn đề cần phải xem xét.

Luật sư Hậu lấy ví dụ: trong các vụ án hình sự, thân chủ của luật sư bị tạm giam, luật sư muốn tham gia các buổi hỏi cung đều không dễ dàng bởi các điều tra viên thường gây khó dễ, cản trở quyền hành nghề của luật sư, điều này có thể dẫn tới việc luật sư phải thỏa hiệp với các điều tra viên.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết lực lượng luật sư có không ít người chỉ chăm chăm móc nối để chạy án, vấn đề tiêu cực của cơ quan tư pháp chính là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

Nói đến chạy án, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi - phó viện trưởng Viện khoa học hình sự, Viện KSND tối cao - cho rằng thời gian qua, cơ quan này rất quyết liệt trong việc chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, có hàng chục cán bộ bị xử lý, trong đó có những người bị xử lý hình sự.

Bà Chi khẳng định xử lý tiêu cực trong tư pháp sẽ rất nghiêm, vì tiêu cực trong tư pháp ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Hòa Bình - chánh án TAND tối cao - khẳng định hoạt động tư pháp không như công chức bình thường. Mỗi thẩm phán phải có hàng trăm bộ luật trong đầu, điều hành phiên tòa cũng phải có kiến thức, trình độ để chịu trách nhiệm trước xã hội và tòa án lương tâm.

“Cần phải xây dựng hệ thống pháp luật cho hoàn chỉnh, rõ ràng, nghiêm minh. Đồng thời, chấm dứt tình trạng cùng một tranh chấp nơi xử thế này, nơi xử thế khác, cùng một hậu quả mà có nhiều bản án khác nhau” - ông Bình nhấn mạnh.

Đẩy mạnh thực hiện tranh tụng trong xét xử

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thu Ba nói: “Theo tôi, công tác phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu, dù công tác phòng chống có nhiều nỗ lực nhưng vấn đề tiêu cực trong hoạt động tư pháp chưa giảm. \

Chính vì vậy, mục tiêu chúng tôi nhắm đến việc phải nhận diện, làm rõ cho được các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp theo nghĩa rộng. Nghĩa là không chỉ gói trong việc phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực xét xử mà cả các chế định bổ trợ nữa.

Về giải pháp, thứ nhất chúng ta phải hoàn thiện về hệ thống tư pháp, nhất là giải pháp về đội ngũ cán bộ để những người này không chỉ giỏi mà còn phải có bản lĩnh để đấu tranh bảo vệ công lý.

Thứ hai, phải thực hiện khâu đột phá trong mô hình xét xử gắn liền với tranh tụng, trong đó đẩy mạnh việc tranh tụng, nếu thực hiện tốt việc này thì các cơ quan tư pháp không thể áp đặt những điều không đúng pháp luật, bị can hay bị cáo cũng được bình đẳng với các cơ quan tố tụng.

Thứ ba, hiện thực hóa tất cả chủ trương cải cách trong luật, trong đó phải làm rõ mô hình tố tụng.

Ngoài những giải pháp trọng yếu trên, tôi cho rằng phải đề cao vai trò giám sát của nhân dân và sự đóng góp tích cực của báo chí”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên