07/08/2014 20:20 GMT+7

Cơ hội từ làn sóng mua bán sáp nhập thứ hai

ĐÌNH DÂN - HỒNG QUÝ
ĐÌNH DÂN - HỒNG QUÝ

TTO - Các chuyên gia nhận định việc cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang tạo làn sóng mới cho thị trường mua bán sáp nhập (M&A) tại VN…

TVACjfrT.jpg
Các chuyên gia nhận định làn sóng mua bán sáp nhập tại VN sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội - Ảnh: Tiến Long

Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do báo Đầu Tư tổ chức ngày 7-8 ở TP.HCM, các chuyên gia cho rằng việc mua bán sáp nhập sẽ diễn ra sôi động giữa các doanh nghiệp trong nước từ ngân hàng, bất động sản đến mía đường… với quy mô mạnh hơn, lớn hơn.

M&A sẽ sôi động

“Chính phủ giảm đầu tư thì những tài sản này sẽ được tung ra và các thương vụ M&A quy mô lớn sẽ diễn ra. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được tác động từ những điều chỉnh về Luật doanh nghiệp, Luật chống tham nhũng nhằm lành mạnh hóa thị trường. Việc thay đổi hạn định sở hữu của người nước ngoài trong cổ phần, ngân hàng, bất động sản… sẽ thúc đẩy mua bán sáp nhập” - ông John Ditty, tổng giám đốc KPMG VN & Campuchia, nói.

Cũng theo ông John Ditty, VN đã trải qua một giai đoạn của M&A và đây là lúc đón làn sóng thứ hai. VN đang có nhiều công ty mạnh, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài. Tham gia mạnh nhất thời gian qua là nhà đầu tư tới từ Nhật, kế đến là Singapore và Mỹ.

Theo ông, sở dĩ sẽ có làn sóng M&A sắp tới là do việc đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, việc bán bớt cổ phần nhà nước tại các công ty niêm yết hoặc đã cổ phần hóa, việc tăng vốn ngoại ở các công ty, việc hợp nhất và sáp nhập giữa các công ty, số tài sản giảm giá xuất hiện nhiều theo đà giải quyết nợ xấu, các ngành xuất khẩu cần mở rộng sẽ cần nhiều vốn trong và ngoài nước.

Các chuyên gia nhận định việc VN tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ làm rào cản thương mại giảm và VN tăng được năng lực cạnh tranh của mình, đó là điều rất quan trọng. Khu vực tư nhân cũng sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, các cam kết như của Samsung cho thấy nhà đầu tư đang nhìn ra tiềm năng lớn tại VN.

Ngoài ra, với điều kiện dân số trẻ và giai cấp trung lưu ngày càng gia tăng những sự thay đổi nhân khẩu học này trở thành hấp lực cho các nhà đầu tư. Đây là những điểm tạo ra làn sóng M&A thứ hai.

Về lĩnh vực bất động sản, ông Marc Townsend, tổng giám đốc CBRE, cho rằng với khoản đầu tư khiêm tốn 73% là vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó hơn 37% là những nhà đầu tư mới, còn lại là hiện hữu, hầu hết giao dịch này là tái đầu tư cho thấy nhà đầu tư đang kén chọn. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới nguồn vốn lớn, có nhiều giao dịch lớn từ nước ngoài sẽ đến VN trong lĩnh vực này.

“GDP tăng tốt là tín hiệu tốt nhưng chưa đủ. Có thể có sóng lớn mới. Xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản từ cuối năm 2013 đến nay là có nhiều thay đổi các công ty nước ngoài nhắm vào những dự án, những công ty có tên tuổi và đã phát triển hoặc những công ty nợ nần không thể trả nổi nhà đầu tư nước ngoài bơm vốn vào cho họ”.

Với M&A nói chung, Việt Nam đã và đang đón nhận sự tham gia khá tích cực của nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông Masataka Sam Yoshida, giám đốc điều hành cấp cao Recof, cho rằng: “VN là thị trường M&A lớn nhất của Nhật hiện nay tại khu vực Đông Nam Á. Điểm mạnh để hút nhà đầu tư Nhật là 90 triệu dân và dân số trẻ và dân số sẽ tăng lên, chi phí lao động thấp chất lượng cao hơn Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN mới nổi khác".

Ông Masataka Sam Yoshida cũng cho rằng triển vọng cho làn sóng M&A thứ hai tại VN là rất lớn.

“Thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các giao dịch có quy mô lớn từ các công ty có thị phần cao trong các ngành công nghiệp chủ chốt sẽ diễn ra. Đây là cơ hội để nhà đầu tư ngoại tham gia vào các ngành công nghiệp các lĩnh vực lâu nay khó tiếp cận đầu tư” - ông Masataka Sam Yoshida nói.

Thay đổi để nắm cơ hội

Các chuyên gia cho rằng cơ hội đã rõ rệt nhưng để làn sóng thứ hai này không chỉ là “sóng lăn tăn” thì phải xử lý những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp, để mở lòng tin cho nhà đầu tư.

Với quan điểm này, ông John Ditty cho rằng phía đối tác VN cần tăng cường tính minh bạch và trung thực khi tham gia M&A.

“Ngoài ra, vấn đề thẩm định giá tồn tại trong nhiều năm qua, để có định giá tốt thì VN phải có hệ thống định giá hợp lý mang tính hỗ trợ. Chính phủ phải thực thi các công bố cải cách. Hiện nay, để thực hiện một giao dịch ở VN rất tốn kém thời gian vì thủ tục còn rườm rà", ông John Ditty nói.

Ông John Ditty bày tỏ: "Tôi tin Chính phủ đã nhận ra điều này và đang tích cực cải cách. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng cần hỗ trợ một cách phù hợp và đáng tin cậy cho hoạt động M&A".

Còn ông Marc Townsend lại cho rằng sẽ có làn sóng M&A lớn thực sự nhưng chúng ta phải chủ động để làm cho thị trường nóng hơn, chủ động hút làn sóng đó về.

Trong khi đó, ông Masataka Sam Yoshida cho rằng thị trường M&A tại VN còn tồn tại nhiều trở ngại khi giao dịch giữa hai bên. Chẳng hạn giai đoạn đầu của M&A, phía VN hay công bố rộng rãi trong khi người Nhật rất cẩn trọng lúc khởi tạo. Thông tin không đầy đủ trong giai đoạn tìm hiểu. Trong đàm phán, phía VN thường xuyên thay đổi nội dung trong khi phía Nhật lại không thay đổi khi đã nói. Về định giá, phía VN kỳ vọng quá cao về giá trị của mình trong khi Nhật căn cứ theo giá thị trường.

Lời khuyên của ông Masataka Sam Yoshida là phía VN cần kiên nhẫn, thông tin nên chính xác ngay từ đầu và hai bên nên tìm một nhà tư vấn có chất lượng và hiểu được cả Nhật lẫn VN để có thể theo được hai bên tới cùng. Phía Nhật cũng nên chuẩn bị nhiều hơn một phương án, qua đó rút ngắn khoảng cách để đi đến thỏa thuận, bởi cạnh tranh giữa phía Nhật và nhà đầu tư các nước khác tại VN cũng không hề nhỏ.

Hoạt động M&A đang không ngừng tăng, đạt 5 tỉ USD vào năm 2013, đây là hình thức đầu tư kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn.

Tuy nhiên tại VN còn mới mẻ, nhiều rào cản pháp lý và thực tiễn. Hệ thống luật đang hoàn thiện tạo điều kiện cho M&A tại thị trường này, VN tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

ĐÌNH DÂN - HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên