Xe buýt điện đang đông khách tại TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.
Được một quan chức đến từ đất nước chuộng phương tiện giao thông công cộng quảng bá có thể xem như một cơ hội tuyệt vời cho vận tải khách công cộng nâng cao hình ảnh của mình.
Thông điệp của vị đặc phái viên rất thiết thực: "Qua trải nghiệm này, tôi coi TP.HCM như thành phố dành để đạp xe". Chuyện đạp xe thường xuyên vốn là điều rất bình thường với ông khi ở London.
Lời khen của ông dành cho thành phố đông dân nhất nước về sự thú vị khi được đi xe đạp rất đáng để TP.HCM dành nhiều quan tâm, ưu tiên hơn trong việc phát huy thế mạnh của loại hình giao thông này.
Được thí điểm chưa đầy nửa năm, xe đạp công cộng đã gần gũi với người dùng. Từ 43 vị trí đậu đỗ chỉ trong phạm vi quận 1 với 500 xe, doanh nghiệp đã quyết định tăng số "đầu xe" và bãi đậu - điều tất yếu phải đến khi đã có hơn 100.000 người đã tải ứng dụng thuê xe. Vào những khung giờ cao điểm còn xảy ra tình trạng cầu vượt quá cung.
Thêm người sử dụng xe đạp công cộng, thêm số giờ xe hoạt động không chỉ giúp tăng doanh thu. Ý nghĩa lớn hơn nằm ở nhận thức của người dân thay đổi theo hướng tích cực, ủng hộ phương tiện giao thông công cộng với mong muốn giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm và nhân tiện còn rèn luyện thân thể.
Đây là thời cơ mới để vận tải khách công cộng khẳng định ưu thế của mình trong đời sống xã hội sau những ngày khó khăn bởi dịch bệnh.
Chính quyền thành phố đã duyệt chi hơn 93 tỉ đồng cho việc kết nối các tuyến xe buýt đến nhà ga của metro. Xe buýt đã có "bạn đồng hành" là buýt mui trần phục vụ khách du lịch, giờ lại được thêm xe buýt điện giúp sức, tăng khả năng phối hợp.
Vì vậy, đừng nên bỏ lỡ cơ hội "ghi bàn" quý giá này. Và hơi tiếc một chút khi chưa có ai mời vị khách nước Anh đi tàu buýt đường sông, sử dụng phương tiện "ba trong một" và được ngắm cảnh sông nước thì hẳn sẽ có thêm những kỷ niệm đáng nhớ.
Phương tiện giao thông công cộng là điều tất yếu trong sự phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại. Xu hướng phát triển xanh và bền vững sẽ đóng vai trò chủ đạo, trong đó nhất định phải hạn chế phương tiện cá nhân, giảm khí thải.
Chúng ta đang có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", cần khéo léo tận dụng những lợi thế để thay đổi.
Thành phố vừa phát động chiến dịch truyền thông "TP.HCM chào đón bạn" rất đúng lúc khi nâng vị thế của mình để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dịp lễ giỗ Tổ này, hình ảnh trên báo chí cho thấy nhiều bạn trẻ vui lễ với những chuyến đi buýt sông, buýt điện. Và đó cũng một tín hiệu tích cực, lạc quan, đầy hy vọng.
Đừng để buýt "hụt hơi"
Cũng phải nhìn nhận thực tế các tuyến xe hiện tại chưa đủ sức "phủ sóng" địa bàn TP.HCM. Một số tuyến đã ngưng hoạt động do ít khách, nay vẫn chưa thể khôi phục.
Chất lượng xe cũng chưa được cải thiện nhiều, nhất là những tuyến xe chạy liên tỉnh đường dài. Khẩn trương tăng thêm năng lực vận chuyển mới giúp xe buýt không bị "hụt hơi".
Hạ tầng cho xe buýt từ bến bãi, nhà chờ, điểm đón trả khách cần được đầu tư thêm để trong tương lai buýt có thêm từ 30 - 50% khách. Hầu hết trạm xe buýt dù rộng rãi (như trên xa lộ Hà Nội) cũng chỉ chứa tối đa 25 người cùng lúc. Khi đông hơn, khách sẽ không còn chỗ đứng lúc trời mưa.
Mô hình xe buýt điện xuất phát tại khu đô thị mới Vinhomes City ở TP Thủ Đức đi quận 1 thu hút đông khách nên cần nhân rộng với những địa bàn đông dân khác. Cung phải luôn trong tư thế sẵn sàng để thỏa mãn cầu.
Thăm dò ý kiến
Để việc hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy tại Việt Nam có hiệu quả, theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận