Ở nhiều nước, không chỉ giảng viên mà cả giáo sư trong các trường ĐH cũng không bao giờ là vị trí vĩnh cửu.
Giáo sư được bổ nhiệm trong một nhiệm kỳ xác định vài năm. Sau đó, nếu bản thân giáo sư không tiếp tục thể hiện được năng lực khoa học, không có công bố xứng tầm hoặc do chính ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đó không còn nhu cầu nữa thì trường có quyền từ chối ký tiếp hợp đồng.
Trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Chỉ cần trở thành viên chức, giảng viên trong trường ĐH công lập là yên tâm chắc suất biên chế, hợp đồng vô thời hạn, vững vàng cả về tâm lý và chế độ.
Câu chuyện nói trên đủ cho thấy sự khập khiễng trong cơ cấu tổ chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập dưới hình hài các trường ĐH.
Nhiều năm liền, biên chế đã trở thành chiếc vòng kim cô khiến nhiều trường ĐH an phận trong vòng tự chủ rất hẹp được ban phát qua cơ chế xin - cho; và nguồn thu từ ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò to lớn trong nguồn thu của các trường.
Hoạt động của trường ĐH thời hội nhập quốc tế khác xa thời kỳ bao cấp tập trung. Từ chỗ ung dung ổn định về chỉ tiêu, nhân sự... để đào tạo theo kế hoạch được giao, đến khi chuyển sang nền kinh tế thị trường phải đáp ứng đào tạo theo biến động của nhu cầu thực tế mà vẫn vướng víu với hai chữ "biên chế" thì làm sao thích ứng?
Cơ chế thị trường năng động tạo ra nhu cầu nhân lực luôn biến động, ngành năm nay "hot" năm sau đìu hiu là chuyện bình thường. Vì thế, cũng đừng ngạc nhiên có năm giảng viên ngành này thừa, ngành kia thiếu. Rồi đến lúc nào đó, giảng viên đang thiếu lại trở nên thừa, giảng viên đang thừa lại rơi vào cảnh thiếu. Biên chế ổn định sẽ dẫn đến tất yếu hụt hơi trước sự thay đổi này.
Ai cũng biên chế, ai cũng yên vị ấm chỗ thì việc gì lo phải xáo trộn, việc gì phải quan tâm đến chuyện trường thiếu hay thừa người?
Bốn năm nữa, năm 2021, sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Nghĩa là ở một số trường ĐH, người đứng đầu sắp tới sẽ không còn là công chức như hiện nay nữa...
Nghị quyết 19 Hội nghị trung ương 6 đã đặt ra mục tiêu cụ thể, với quyết tâm chính trị cao để hình thành một bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Và tinh giản biên chế ĐH nên được tiến hành trước các bậc học khác, trên nền tảng của ĐH tự chủ. Bớt phụ thuộc ngân sách không phải chỉ để giảm gánh nặng cho Nhà nước, mà còn để các trường phải năng động tự giải bài toán cho hoạt động của chính mình. Đó chính là động lực để nâng cao chất lượng ĐH.
Chủ trương này là thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để các trường ĐH trở lại chính mình, đứng vững và phát triển bằng nguồn lực tri thức, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận