09/08/2016 00:03 GMT+7

Cơ hội bị tước đoạt

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí cho biết rất bức xúc với yêu cầu dán nhãn năng lượng theo quy định của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) đối với động cơ servo nhập khẩu, nhưng “kêu trời không thấu”.

Là DN chuyên chế tạo các loại dây chuyền, thiết bị, hệ thống đóng gói và sản xuất thuốc trong lĩnh vực dược phẩm, ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH cơ khí Tiến Tuấn (KCN Tân Bình), cho biết mỗi năm DN này phải nhập hàng trăm động cơ servo từ các nước châu Âu để lắp đặt cho hệ thống điều khiển máy của mình.

Và với quy định “phải kiểm định để dán nhãn năng lượng”, khi động cơ servo được nhập về tại cảng VN ngay lập tức được chuyển tiếp ra Hà Nội để kiểm định và dán nhãn năng lượng trước khi được thông quan chính thức, giấy chứng nhận cũng chỉ có giá trị cho từng lô hàng nhập khẩu.

Theo ông Tuấn, việc kiểm định và dán nhãn cũng không cần thiết bởi các loại động cơ servo này đều được sản xuất theo tiêu chuẩn thế hệ mới của châu Âu, đã được kiểm định, chứng nhận và dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế Euro 4 hoặc Euro 5.

“Hơn nữa, VN cũng chưa có nơi nào có đủ thiết bị, phương tiện lẫn kỹ thuật để kiểm tra những loại động cơ như thế này nhưng chẳng hiểu sao DN cứ bị bắt phải gửi ra Hà Nội kiểm định và để dán cho bằng được cái nhãn năng lượng ấy” - ông Tuấn bức xúc.

Ông M., giám đốc Công ty cơ khí C (TP.HCM), cũng bức xúc cho biết quy định này không chỉ làm mất thời gian chờ đợi kiểm định của DN bởi “nhanh thì 5 tuần, chậm là 8 tuần”, mà còn làm mất điều lớn hơn là chi phí, cơ hội của DN. “Do phải chờ động cơ không biết khi nào được trả về để lắp đặt, chúng tôi hoàn toàn bị động dù kế hoạch sản xuất, thời gian nhận hợp đồng đã được tính toán chi tiết” - ông M. nói.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cho rằng trên lý thuyết, việc yêu cầu dán nhãn năng lượng là đúng bởi nhiều nước đã áp dụng từ hàng chục năm trước nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quy định này chỉ hợp lý khi áp dụng được vào trong thực tế nếu VN có đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật để đánh giá, kiểm tra, thậm chí “bắt bài” và phạt nặng những DN cố tình nhập khẩu rác công nghệ về VN để thu lợi bất chính.

Thế nhưng, với tư duy “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót” trong khi không thể phân biệt động cơ servo khác với động cơ thường là gì, cơ quan quản lý lại đang gây nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt là DN bị giảm khả năng cạnh tranh và mất cơ hội làm ăn do sản phẩm “bị ngâm” và tốn kém chi phí là điều không thể tránh khỏi.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên