Võ Thị Tuyết Ni cầm thau nhôm men theo bờ đê giữa hai đám ruộng rồi bì bõm lội xuống ruộng bắt cua - Ảnh: M.T. |
Mới sáng sớm, Võ Thị Tuyết Ni (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cầm thau nhôm men theo bờ đê giữa hai đám ruộng rồi bì bõm lội xuống ruộng.
Khum người xuống, một tay Ni đặt trên bờ, tay còn lại mò mẫm thọc vào hang bắt cua. Mặt Ni căng ra khi bàn tay trần đưa sâu vào hang nhưng rồi dần giãn ra, tươi rói khi Ni lôi một con cua ra khỏi hang bỏ vào thau.
Bắt xong hang này, Ni tìm hang cua khác. Đến gần 10 giờ, Ni bắt hơn 1kg cua. Nhìn những chú cua bò lổn nhổn trong thau, Ni cười vui: “Bấy nhiêu bán cũng mua được ít cá, tép về làm bữa cơm cho mẹ và hai em...”.
Mỗi bữa ăn Ni thường gắp đồ ăn cho người mẹ mù lòa của mình - Ảnh: M.T. |
Buổi chiều Ni đạp xe đến trường. Lo cơm nước xong xuôi, buổi tối Ni quay sang học bài. Đến sáng hôm sau lại tiếp tục với công việc mưu sinh mò ốc, bắt cua...
Cô học trò lớp 8 Trường THCS & THPT Hòa Bình đã quen với nhịp sống như thế từ 4 năm nay.
Trước đây, mẹ Ni đi làm công nhân ở xa, gói ghém từng đồng gửi về lo cho hai chị em Ni. Rồi chẳng may mẹ bị sốt nặng, dẫn đến mù lòa không còn khả năng làm việc. Cha thì bỏ đi biền biệt không về. Cảnh nhà khốn khó buộc Ni phải lao vào đời bươn chải bằng việc bắt cua, bắt ốc trên khắp cánh đồng.
Người ta bắt cua còn nhờ vào dụng cụ, còn Ni dùng không quen khiến cua bị gãy càng, hư hao. Sợ thương lái chê, bán không được giá nên Ni dùng đôi tay trần để mò bắt.
Rất nhiều lần, bàn tay của em bị cua kẹp trầy sướt, đau nhức. Ớn nhất là lúc mò đụng ngay da trơn nhơn nhớt, khi nắm lên em đã phải thất kinh hồn vía khi biết bắt phải rắn. “Cũng may gặp loài rắn hiền...”, Ni nói. Sợ lắm, nhưng Ni vẫn gắn với việc mưu sinh này bởi nhờ vậy mới có bữa cơm cho cả nhà.
Ni còn là gia sư dạy cho đứa em đang học lớp 1 - Ảnh: M.T. |
Mùa nước nổi cua nhiều, bắt được nhiều nhưng giá bán không cao. Mùa nước cạn thì ngược lại. Tiền kiếm được từ đó được Ni đổi lấy thịt, tép làm bữa cơm hằng ngày cho ba mẹ con. Hôm nào bắt ít cua, Ni hái rau mọc ven đồng nấu với cua làm bữa cho cả nhà.
Ông Trần Thanh Vũ - phó chủ tịch xã Hòa Bình, cho biết: “Thấy hoàn cảnh Ni đáng thương nên địa phương phối hợp với các ban ngành, mạnh thường quân hỗ trợ nhà tình thương, lúa gạo… nhưng hỗ trợ này chỉ giúp gia đình em phần nào. Điều đáng phục ở cô học trò lớp 8 này là hoàn cảnh dù khó khăn nhưng em rất siêng học, với ước mơ sau này trở thành cô giáo để lo cho mẹ và các em…”.
Chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... mà không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: nhipcaunhanai@tuoitre.com.vn hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. “Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ. Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39973838. Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054. Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 67, giúp đỡ gia đình em Võ Thị Tuyết Ni. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận