Cô Hoa - nghệ sĩ kể chuyện lịch sử

THANH TRẮC NGUYỄN VĂN
THANH TRẮC NGUYỄN VĂN

TT - Cô không phải là một người dạy sử bình thường, cô là một người nghệ sĩ kể chuyện lịch sử. Các bài giảng của cô rất phong phú luôn thu hút học sinh.

Bác Định cấp dưỡng ở trường mầm nonNhững lá thư gửi cô

4k3XOgmP.jpg
Cô Văn Thị Hoa và bộ sưu tập ảnh phục vụ việc dạy và học sử do cô sưu tầm và soạn - Ảnh: N.V.

Khi còn là một nữ sinh lớp 10 đi học tại huyện Bình Chánh, cô Văn Thị Hoa đã may mắn được cô giáo dạy sử Cảnh Tâm truyền cho niềm yêu thích môn sử. Khi tốt nghiệp lớp 12, dù gia đình không mấy đồng tình, cô vẫn quyết định thi vào khoa sử Đại học Sư phạm để theo đuổi ước mơ của mình.

Bộ sưu tập ảnh đồ sộ

Tâm phục khẩu phục

Tại Trường Võ Thị Sáu, cô Văn Thị Hoa có hai đồng nghiệp đặc biệt: cô Nguyễn Thị Ngọc Giang dạy địa và thầy Nguyễn Thành Trung dạy sinh. Cả hai đều là học trò cũ của cô Hoa. Khi được hỏi về cô giáo chủ nhiệm cũ của mình, thầy Trung tỏ ra rất xúc động: “Cô Hoa rất yêu thương học sinh nhưng cũng rất nghiêm khắc. Mỗi khi học sinh phạm lỗi, cô phân tích lỗi của các bạn rất chính xác và có những lời khuyên hợp lý nên các bạn trong lớp đều tâm phục khẩu phục. Cô dạy môn sử cũng rất tận tâm và thường khéo léo nên luôn tạo được sự hứng thú trong học tập”.

Tôi gặp cô Văn Thị Hoa lần đầu khi cô chuyển về Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khoảng năm 1990 (trước đó cô dạy ở Bình Chánh). Không chỉ là một giáo viên dạy sử giỏi, cô Hoa cũng là một giáo viên chủ nhiệm giỏi. Tôi còn nhớ trong những năm ấy, chỉ riêng về công tác chủ nhiệm, tôi đã phải học hỏi cô rất nhiều.

Thông thường khi còn học ở Đại học Sư phạm rồi đi thực tập, các giáo sinh rất thích thú với công tác chủ nhiệm vì luôn nhận được cảm tình của các em học sinh. Nhưng khi ra trường, đã trở thành giáo viên chủ nhiệm thực thụ với trách nhiệm thật nặng nề của nhà trường giao phó, người giáo viên chủ nhiệm nếu không khéo sẽ rất lúng túng vì bị áp lực từ nhiều phía. Cô Văn Thị Hoa thì khác, cô luôn sống có trách nhiệm, luôn yêu thương hòa đồng với học sinh, luôn thuyết phục các em bằng những lời lẽ chân tình.

Trước những năm 2000, khi chưa có đèn chiếu và chưa có giáo án điện tử, các giáo viên sử gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu tranh ảnh minh họa. Cô Văn Thị Hoa đã sưu tầm nhiều tranh ảnh có liên quan đến bài học, phóng thật lớn rồi đóng thành một bộ sưu tập ảnh đem vào lớp cho học sinh xem mỗi khi lên lớp giảng dạy. Qua nhiều năm, bộ sưu tập ảnh của cô Văn Thị Hoa ngày càng dày cộm.

Bộ ảnh của cô rất phong phú, góc ảnh chụp trong các tấm ảnh của cô sưu tầm thường khác trong sách giáo khoa, nào là ảnh của đền Parthenon (Hi Lạp cổ), ảnh đấu trường La Mã, nào là ảnh của nghĩa quân Đề Thám, ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc trẻ, ảnh trận đánh Mậu Thân 1968... Số ảnh quý của cô lên đến con số ngót nghét năm sáu trăm ảnh. Tôi nhẩm tính số tiền để hoàn thành quyển sách ảnh của cô không phải nhỏ, nhất là những năm trước 2000, đời sống của một giáo viên dạy sử như cô khi đó còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều thế hệ học trò Trường Võ Thị Sáu thường kể rất nhiều về cô giáo dạy sử của mình. Khi cô Hoa giảng bài, các em có những tiểu phẩm tham gia minh họa cho bài học. Ai cũng biết trang phục lịch sử không phải dễ tìm, nhất là trước những năm 2000, cô Hoa đã phải tự đi tìm trang phục cho các em. Có khi không mượn được trang phục cần thiết, cô Hoa phải tự tìm qua sách vở, tự thiết kế trang phục rồi đem đến tiệm may nhờ họ đo cắt giùm. Một tiết dạy trên lớp để cho học trò dễ hiểu được bài và yêu thích môn sử, cô Hoa đã phải đầu tư và đánh đổi rất nhiều thời gian cũng như sức lực.

Nỗi lòng cô giáo về hưu

Năm 2011, cô Văn Thị Hoa vinh dự đoạt được giải thưởng Võ Trường Toản, một giải thưởng dành riêng cho những nhà giáo tiêu biểu, có những đóng góp rất nhiều cho ngành giáo dục. Năm nay cô Hoa về hưu. Bộ Giáo dục - đào tạo có nhiều thay đổi về phương thức thi tốt nghiệp lớp 12. Các thí sinh được quyền chọn môn thi tốt nghiệp và nhiều em không chọn môn sử.

Cô Hoa rất buồn.

Tôi hỏi cô Hoa có phải các em không còn yêu thích môn sử nữa, cô Hoa khẳng định các em vẫn còn yêu thích môn này. Nhưng do sự chi phối của ngành học, do hướng phát triển của nghề nghiệp tương lai ở thế kỷ 21 này, các em rất khó chọn môn sử. Ngay cả hậu duệ của những nhà sử học, của những giáo viên dạy sử giỏi nổi tiếng cũng rất ít người chọn môn sử để hướng nghiệp.

Không chọn môn sử để thi không phải là các em không yêu thích môn sử. Môn sử vẫn luôn là môn học quan trọng dù chúng ta đang sống ở thời đại nào. Nhờ có môn sử, chúng ta hiểu được chân lý chính nghĩa luôn luôn thắng, hiểu được ý nghĩa đúng đắn của đường lối chiến tranh nhân dân. Môn sử còn giúp chúng ta hướng về nguồn cội, tự hào về quá khứ vẻ vang của dân tộc, rút ra được những bài học cần thiết cho tương lai...

Theo cô Văn Thị Hoa, muốn các em chọn môn sử để thi, Nhà nước cần có những đãi ngộ xứng đáng hơn cho các nghề nghiệp liên quan đến sử học. Kiến thức sử trong sách giáo khoa không nên quá ôm đồm, có quá nhiều con số cần phải nhớ thuộc lòng như hiện nay. Các giáo viên dạy sử không nên chỉ biết đọc chép một chiều, cần tìm tòi và đầu tư nhiều hơn để kết hợp với những phương pháp giảng dạy mới như ngoại khóa, kể chuyện, giới thiệu hình ảnh... Có như thế người giáo viên đứng lớp mới tạo được sự hứng thú học tập cho các em. Nếu được như vậy, cô Hoa tin tưởng môn sử sẽ lại là một trong những môn học mà các học sinh yêu thích nhất.

Lan tỏa “dạy học bằng cả yêu thương”

Tuần qua chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” nhận được nhiều câu chuyện ý nghĩa, thú vị từ bạn đọc khắp cả nước và ở nước ngoài. Đó là chuyện ngôi trường mầm non không chỉ có những giáo viên yêu nghề, mến trẻ mà còn có chú bảo vệ, cô tạp vụ trách nhiệm với công việc của mình; là chuyện về những cô giáo kiên cường vượt qua khó khăn trong cuộc sống, bám trụ việc dạy học ở trường giáo dục chuyên biệt...

Những câu chuyện ấy được nhắc đến trong bài viết của các tác giả: Noah Nguyễn (định cư tại Mỹ), Đoàn Trung Thành (Khánh Hòa), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Trần Ngọc Dung, Nguyễn Văn Tạo, Lê Thị Bảo Yến, Phan Thị Hồng Phượng, Phan Thị Hương Xuân, Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyễn Thị Thu Vân, Lê Thị Phương Thiên Kim, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Bông, Trần Thị Lệ Thanh, Trần Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Lan Hương, Trương Thị Thanh Diệu (TP.HCM), phụ huynh bé Nhật Minh lớp Gấu Bông 1, phụ huynh bé Bội Ngọc lớp chồi 2 (Trường mầm non Lê Thị Riêng, TP.HCM)...

“Dạy học bằng cả yêu thương” là chuyên mục do báo Tuổi Trẻ cùng Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp thực hiện. Chuyên mục tôn vinh những nhà giáo giỏi, tận tâm với học trò nhằm khẳng định hình ảnh đẹp, mẫu mực của nghề giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Kính mời bạn đọc tham gia chuyên mục bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”, bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng).

TUỔI TRẺ

THANH TRẮC NGUYỄN VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên