26/05/2014 04:15 GMT+7

Bác Định cấp dưỡng ở trường mầm non

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Ông đi bộ đội, rồi học sĩ quan ngành công binh. Sau 14 năm quân ngũ khó ai nghĩ ông lại đi làm cấp dưỡng ở một trường mầm non.

Đứng lớp giữa cơn bệnh hiểm nghèo“Hay em sẽ thành giáo viên như thầy?”Dạy học trên đỉnh mây mù

b9j024Uf.jpg
Bác Phạm Văn Định đi thăm các lớp giờ ăn trưa - Ảnh: H.HG

... 4g sáng, cảnh vật vẫn còn chìm trong màn đêm tĩnh mịch, bác Phạm Văn Định - cấp dưỡng của Trường mầm non Lê Thị Riêng, quận 1, TP.HCM - đã ra khỏi nhà. Cuốc bộ mất 15 phút từ nhà riêng (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) ra bến xe, ông vội vàng đón chuyến xe buýt sớm nhất cho kịp 5g15 có mặt tại trường. 23 năm nay, hành trình đi làm của người cấp dưỡng già luôn đúng từng phút như thế.

5g30, khi các cháu mầm non vẫn còn chìm trong giấc ngủ say, ông và các cấp dưỡng của trường đã hối hả bắt tay vào công việc của mình. Sáng nay, các cháu sẽ ăn món cháo gà với tôm. Vệ sinh bếp và tiếp nhận thực phẩm xong xuôi, các cấp dưỡng thoăn thoắt người xắt thịt, người bóc tôm, người rửa hành... Khi kim giờ đồng hồ chỉ đến số 7, dưới sân trường phụ huynh bắt đầu đưa con em vào lớp, thì trên bếp ăn bác Định đã bắt đầu múc cháo chia phần cho các lớp...

Từ chú bộ đội thành cấp dưỡng

“Tôi nghĩ việc nấu bếp là của các cô, vậy mà bác Định là một cấp dưỡng luôn nhanh nhẹn, linh hoạt thực hiện các thao tác chế biến thức ăn cho trẻ. Khi tiếp xúc với bác, tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng vì bác luôn cởi mở, hòa nhã, gần gũi. Ngày nào cũng vậy, bác thường hỏi thăm các cô: thức ăn hôm nay thế nào? Các bé ăn có ngon miệng không? Các bé thích ăn món nào nhất? Khi nghe các bé bảo thức ăn rất ngon bác vui, lắm. Mỗi lần bác ghé thăm lớp, các bé chạy ra ôm lấy bác hỏi thăm đủ điều”.

Nguyễn Thị Hoài Thu (Trường mầm non Lê Thị Riêng)

... Chúng tôi bắt chuyện với ông trong tiếng ầm ầm của hệ thống máy hút khói, tiềng rè rè của máy xay thịt, tiềng ồ ồ của máy hấp cơm: “Nóng quá bác nhỉ. Sao nhà bếp không mở quạt vậy bác?”. “Các bếp đang nấu như thế này thì không được mở quạt. Với lại càng mở quạt thì càng nóng...”. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tay vẫn hoạt động liên tục với các nồi thức ăn khổng lồ trên bếp, ông vừa cười vừa giải thích: “Hồi mới vào làm ở đây, tôi cũng cảm thấy mệt và khó chịu với những tiếng ồn không dứt như thế này. Riết rồi quen, bây giờ không nghe tiếng các máy kêu lại thấy thiếu thiếu...”.

Rồi ông kể về thời trai trẻ: đi bộ đội, học sĩ quan ngành công binh, phục vụ trong quân ngũ 14 năm thì ra quân. Bắt đầu cuộc sống mới với nhiều công việc khác nhau, trong đó ông nhớ nhất là: “Người ta cho tôi làm trưởng phòng kinh doanh một công ty cơ khí. Làm được một thời gian tôi phải xin nghỉ ngay vì thấy nếu cứ tiếp tục, chắc có ngày sẽ phải đi tù...”. Sau đó, ông được người quen giới thiệu vào làm ở nhà bếp Trường mầm non Lê Thị Riêng đến bây giờ.

“Có nịnh bác không đấy?”

10g30 ngày 15-5, mùi thức ăn đã tỏa ra thơm phức khắp các phòng học của Trường Lê Thị Riêng. Nghe một cô cấp dưỡng nhắc: “Đến giờ xuống lớp rồi đó bác” (đã thành nếp, tổ cấp dưỡng luân phiên nhau xuống thăm lớp xem tình hình học sinh ăn trưa để điều chỉnh cho phù hợp - PV), ông Định cởi khẩu trang ra và đi thăm các lớp. Tại lớp lá 3, một cô giáo bận đi họp, cô giáo còn lại nhờ ông Định đẩy xe thức ăn vào lớp (công việc này thường ngày do giáo viên hoặc bảo mẫu thực hiện -PV), nhiều học sinh vội vàng chạy lại vây xung quanh ông: “A, bác Định, bác Định, bữa nay ăn món gì vậy bác Định?”. Ông cấp dưỡng già vội vàng mở nắp đậy thức ăn ra giới thiệu: “Hôm nay các cháu sẽ ăn trứng chiên cà chua với thịt, canh rau xà lách xoong nấu với thịt bò...”. “Bác Định ơi, bác Định đậy vào đi, đợi cô giáo con vào chia thức ăn chứ mở ra là nguội hết”. “Ừ! Bác đậy lại nhé”.

Tại lớp chồi 1, mới thấy dáng ông cấp dưỡng già, cả lớp đã đồng thanh: “Chúng con chào bác Định”. “Hôm nay các cháu ăn có ngon không?”. “Dạ, có!”. “Bác Định ơi, sao bác nấu ngon thế?”. “Thật không? Thế món nào ngon nào?”. “Món trứng ngon”.

Tại lớp lá 1, khi ông cấp dưỡng già còn chưa kịp mở lời, các học sinh đã giành nhau nói: “Con chào bác Định, bác Định nấu ngon quá!”, “Bác Định ơi, hôm nay bác Định nấu ngon lắm!”. Ông cười hiền: “Thật không? Có nịnh bác không đấy”. “Con nói thật đó bác Định, ngon thật mà!”.

Quay sang chúng tôi ông tâm sự: “Hồi đầu tôi vào làm ở đây là do nhu cầu miếng cơm manh áo. Công việc vất vả suốt từ sáng sớm đến 16g30 với ba bữa ăn cho trẻ (sáng - trưa - xế), chưa kể nấu ăn cho các cô giáo nữa. Khi tôi về đến nhà đồng hồ đã chỉ 17g30, vợ tôi cứ bảo tôi làm việc không bao giờ thấy mặt trời. Nhưng theo thời gian, tôi cảm thấy gắn bó với ngôi trường này: ở đây có các cháu học sinh ngây thơ, hồn nhiên, mọi người yêu thương, giúp đỡ nhau chứ không nhiều tị hiềm, ganh ghét nhau như một số công việc khác. Ngày ngày, giờ sảng khoái nhất là giờ tôi được đi thăm lớp, hỏi các cháu ăn có vừa miệng không. Chẳng biết mấy đứa nhỏ có nịnh bác không nhưng nghe chúng khen tôi rất vui...”.

Nhà xa nhưng chưa một ngày đi trễ

“Chú Định là người rất nghiêm túc. Mặc dù nhà rất xa trường nhưng từ hồi tôi làm hiệu trưởng trường này tới giờ, chưa ngày nào chú đi trễ. Đặc biệt chú rất ít khi nghỉ, cả năm có khi chú chỉ nghỉ nửa ngày để đi khám bệnh. Tôi được biết chú từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ. Có lẽ vì thế mà trong công việc chú luôn thể hiện cái “chất” của một người lính: dứt khoát, cương trực, nhiệt tình, năng nổ, dám làm dám chịu trách nhiệm. Có khi được góp ý, chú nhận trách nhiệm ngay. Là nam cấp dưỡng duy nhất trong trường, chú luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Đáng kể nhất là lần chú theo dõi và phát hiện nhân viên giao gas ăn cắp gas của trường. Không chỉ cá nhân chú mà cả tổ cấp dưỡng của trường rất chịu khó. Những ngày lễ trường tổ chức cho các cháu ăn buffet, một tuần vào ngày thứ sáu học sinh khối lá sẽ được tổ chức ăn theo bữa ăn gia đình... nhà bếp đều phục vụ đúng như yêu cầu và làm rất tốt. Tôi rất mong chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương” biểu dương những người làm công việc thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng trong việc chăm sóc - giáo dục trẻ như chú Định.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên