"Hay em sẽ thành giáo viên như thầy?"

TRƯƠNG HOÀNG MI
TRƯƠNG HOÀNG MI

TT - Em ngưỡng mộ thầy! Đơn giản lắm, vì thầy dạy môn hóa - môn học khó đã khiến em hoang mang biết chừng nào.

Lớp học không có bàn ghế giáo viênCon muốn làm tổ trưởngChuyện người thầy từng bị chôn sống

vJeIL1nr.jpgPhóng to
Một buổi dạy thực hành môn hóa của thầy Toàn với học sinh lớp 11A1 Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Vậy mà thầy có thể viết mọi phương trình phản ứng, giải thích mọi hiện tượng hóa học xảy ra nhanh và dễ dàng như đang chơi một trò chơi trẻ con.

Thầy không phải là người thầy đầu tiên của em, cũng không phải là giáo viên chủ nhiệm. Thầy chỉ là một giáo viên bộ môn, trong số các môn học em phải học ở trường cấp II. Một tuần thầy có hai giờ lên lớp, nhưng những ấn tượng và tình cảm thầy để lại trong em không hề nhỏ.

Phải lòng nghề giáo

"Những câu chuyện hài hước không đầu không cuối hay những phút tự sướng pha trò của thầy đã thêm một gam màu tươi tắn vào mỗi tiết học hóa tưởng như khô khốc đến mức đáng sợ"

Đối với một đứa không nhạy bén lắm về những môn học tự nhiên, đặc biệt là môn hóa như em, tất cả sự hiểu biết và kiến thức của thầy trở nên quá vĩ đại. Thế nhưng đó không phải là lý do duy nhất, chính tình cảm thầy dành cho học sinh và thái độ thầy dành cho công việc giảng dạy mới thật sự làm em hoàn toàn bị chinh phục. Thầy từng chia sẻ rằng trở thành một giáo viên không phải là công việc đầu tiên thầy chọn sẽ theo đuổi, nhưng “hình như ông trời cố tình sắp đặt thế”, thầy vẫn thường đùa như vậy. Trước là nghề, còn bây giờ là nghiệp, trường lớp và học trò giờ đã là “cái nghiệp” sẽ gắn bó cùng thầy trên suốt những chặng đường đời.

Là một giáo viên trẻ, cả tuổi đời và tuổi nghề của thầy đều còn rất trẻ, có thể thầy không dạn dày kinh nghiệm như nhiều giáo viên lâu năm đi trước. Nhưng ở thầy em nhìn thấy được một điều, đó là ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, hết lòng vì công việc, vì học sinh. Tuy nghề giáo không hẳn là ước mơ của thầy nhưng khi quyết định bước đi trên con đường ấy, thầy đã đặt trọn vào tất cả tấm lòng của mình. Em cảm nhận được điều ấy khi nhìn thầy đứng trên bục giảng, thầy của em dường như đã “phải lòng và yêu đến say đắm” công việc này rồi. Thầy và phép tiên của thầy đã khiến môn hóa bỗng dưng trở nên hiền lành và đáng yêu hơn rất nhiều. Thầy nhẫn nại nhắc đi nhắc lại cả trăm lần công thức mà em không tài nào nhớ nổi, buộc em phải tự nhủ với mình rằng không thể vì chút khó khăn, lười biếng mà từ bỏ. Thầy đã hết lòng vì em như thế, ít ra em cũng nên hết sức học tốt như một sự đáp trả xứng đáng cho công sức của thầy.

Tên của thầy là Thanh Toàn (giáo viên bộ môn hóa, hiện đang công tác tại Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Có lẽ vì thế nên thầy cầu toàn lắm, thầy luôn đòi hỏi sự tuyệt đối, hoàn hảo trong mỗi bài giảng và thường rất khó chịu trước những việc bị bỏ dở. Khi em không hiểu bài, thầy nhất định phải giảng lại cho đến khi em có thể hiểu rõ không sót một chi tiết nào. Nếu em là thầy, em hẳn sẽ phát điên lên được với đứa học trò vừa chậm hiểu vừa hay thắc mắc như em. Nhưng thầy không như vậy, thầy vẫn sẽ nổi nóng với em, nhưng sẽ lại nhẫn nại như thế, bắt đầu bài giảng thêm một lần nữa. “Cảm ơn thầy vì thầy đã luôn dành sự nhẫn nại ấy cho em!”.

Nụ cười thân thiện

Thầy của em cũng chỉ là một người bình thường giữa muôn triệu con người với cái lý thuyết bất thành văn “nhân vô thập toàn”, nhưng riêng trong mắt em, trên bục giảng thầy luôn là một giáo viên hoàn hảo.

Không những thế, thầy còn là một người bạn lớn của em. Có lẽ vì thầy là một giáo viên trẻ nên việc thân thiết và gần gũi với học trò trở nên dễ dàng hơn. Thầy kiên nhẫn đến mức kinh ngạc khi có thể ngồi im lặng, mỉm cười và lắng nghe mọi câu chuyện vụn vặt, linh tinh do em bày ra. Thầy rất vui tính và cũng cười rất nhiều. Chính nụ cười thân thiện ấy đã làm mọi học sinh đều yêu quý và cảm thấy khoảng cách giữa thầy và trò thật gần, việc dạy và học cũng nhờ đó mà hiệu quả hơn. Thầy không chỉ tập trung hết mình trong mỗi bài tập nhận biết hay chuỗi phương trình phản ứng trên bục giảng mà thầy còn là một cầu thủ cháy hết mình trong mỗi cú sút trên sân cỏ, hay cực kỳ máu lửa, hăng say trong những điệu nhảy flashmob sôi nổi cùng học trò. Thầy từng rất hạnh phúc nói rằng nhờ học sinh mà thầy mỗi ngày đều như trẻ hơn, yêu hơn công việc của mình. Và trong suốt những năm qua, dù có mệt mỏi, phiền lòng, chưa một phút giây nào thầy cảm thấy hối hận vì đã chọn trở thành một người thầy.

Thầy của em chỉ là một giáo viên bình thường, nhưng đối với em, thầy là thần tượng và thầy đặc biệt theo một cách rất riêng. Một vài năm học tuy không nhiều nhưng đủ để những dấu ấn, những kỷ niệm về thầy ở lại mãi trong em. Thời gian sẽ trôi qua, em rồi sẽ trưởng thành, nhiều lớp đàn em nữa sẽ lại đi qua cuộc đời thầy. Có thể khi ấy thầy sẽ không còn nhớ tên em, nhưng em mong thầy đừng quên có một đứa học trò đã từng thần tượng thầy như thế nào. Giờ đây, em đang đứng trước một ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời và một suy nghĩ chợt xuất hiện: hay là em sẽ trở thành một giáo viên như thầy của em?

Giản dị - năng động

Theo thầy Nguyễn Hữu Diệu - hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM, thấy Võ Thanh Toàn trước đây công tác tại Trường THCS Hoa Lư, Q.9, TP.HCM, mới chuyển về trường được hai năm nay. Với bản tính giản dị và năng động, thầy Toàn rất được các em học sinh yêu mến. Trong giảng dạy thầy Toàn rất tận tụy với nghề và với cả học sinh, thầy luôn sẵn sàng giúp đỡ học trò khi gặp khó khăn. Vì còn trẻ nên thầy nắm bắt được tâm lý học sinh của mình rất nhanh, qua đó tiếp cận rất dễ dàng với các em. Đặc biệt thầy Toàn có khả năng cảm hóa những học sinh học lực yếu, có cá tính mạnh. Thầy thường thuyết phục học sinh bằng lời nói của mình, bằng sự giản dị và hòa nhập với học sinh. Ngoài ra thầy Toàn cũng được các đồng nghiệp và phụ huynh yêu mến bởi tính cách giản dị, hiền lành và năng nổ.

Mỗi thầy cô đều đặc biệt

Những thầy cô được độc giả chia sẻ với “Dạy học bằng cả yêu thương” đều có những nét đặc biệt, ấn tượng rất riêng. Có thầy cô đặc biệt trong cách giảng dạy, truyền đạt kiến thức. Có thầy cô dành sự quan tâm, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống với học trò, hay sở hữu cá tính không giống với bất kỳ khuôn mẫu nào khi giảng dạy nhưng lại hết mực yêu thương học trò. Tất cả đã đọng lại trong tâm trí của biết bao thế hệ học sinh khiến họ cảm kích và ghi nhớ dù bao năm tháng đi qua.

Những câu chuyện ấy được nhắc đến trong bài viết của các tác giả: Minh Nguyệt (Thanh Hóa), Lý Thị Thủy (Phú Yên), Hà Thiên (Đà Nẵng), Dương Thị Hạnh (Đồng Nai), Trần Văn Tám, Trương Hoàng Mi, Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Minh Châu (TP.HCM), Đặng Quốc Hoàng (Kiên Giang) cùng các tác giả Ân Điền, Nguyễn Ngọc Trang, Long Hải...

“Dạy học bằng cả yêu thương” là chuyên mục do báo Tuổi Trẻ cùng Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp thực hiện. Chuyên mục tôn vinh những nhà giáo giỏi, tận tâm với học trò nhằm khẳng định hình ảnh đẹp, mẫu mực của nghề giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo.

Kính mời bạn đọc tham gia chuyên mục bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư xin ghi rõ chuyên mục “Dạy học bằng cả yêu thương”, bài tham gia xin vui lòng ghi rõ địa chỉ tác giả, tài khoản ngân hàng.

TRƯƠNG HOÀNG MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên