Lớp học không có bàn ghế giáo viên

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Trường xây dựng bên bến cá Thuận Phước cũ. Học sinh của trường là con em những gia đình ngư dân, công nhân, xe thồ... Chính nơi này các cô giáo đang viết nên câu chuyện thật đẹp về tình thương.

Chuyện người thầy từng bị chôn sốngChân trời mới từ những giờ học sửGiản dị và hồn hậu

Dt6qvBrd.jpgPhóng to
Cô giáo Nguyễn Thị Công Chính hướng dẫn học sinh trong tiết học yêu thương - Ảnh: Đoàn Cường

Đó là Trường tiểu học Võ Thị Sáu, dù đứng chân ở quận trung tâm của TP Đà Nẵng là quận Hải Châu nhưng ngôi trường này được xem là trường nghèo so với các trường bạn.

Lớp học đặc biệt

"Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là các em vốn bị thiệt thòi hơn bạn bè nên cố gắng bù đắp bằng những yêu thương của mình. Mong các em sẽ vững vàng, tự tin khi lên học cấp II”

NGUYỄN THỊ CÔNG CHÍNH

Chiều 11-3, trong khi các lớp học bình thường khác của Trường tiểu học Võ Thị Sáu ê a tiếng học bài như bao ngôi trường khác thì ở một phòng học trên tầng hai, cô giáo Nguyễn Thị Công Chính (chủ nhiệm lớp 5/1) vẫn cặm cụi bên bốn học sinh bị khuyết tật, thiểu năng. Phòng học đặc biệt này có sách truyện, máy vi tính, các loại hình ảnh của trò chơi ghép hình... Điều ngạc nhiên là lớp không có bàn ghế của giáo viên. Cô Chính chia sẻ: “Vì lớp học dành cho các em khuyết tật nên giáo viên phải ngồi cùng với các em, như vậy mới có thể hòa đồng được. Chúng tôi luôn ý thức rằng phải đặt địa vị của mình vào hoàn cảnh của các em mới hiểu tâm tư, tình cảm của học trò mà dạy dỗ”.

Cô Chính tâm sự: “Tiết học hôm nay có bốn em, trước khi lên lớp mình phải tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh, sở thích của các em và soạn giáo án riêng cho từng em”. Nhìn cậu học trò Phan Lê Viết Quang (lớp 5/1), cô Chính tâm sự: “Bản thân bị thiểu năng trí tuệ nhưng em rất hiền và chăm ngoan. Cách đây mấy hôm ba em mất vì bệnh ung thư. Khi chị gái lên lớp báo tin, Quang nước mắt giàn giụa nhưng em vẫn đứng thẳng thắn xin phép cô giáo cho về. Sau tang của ba, Quang trở lại lớp và lễ phép nói: Thưa cô, hôm nay em mới đi học được ạ”.

Cô Chính cũng cho biết thêm dù Quang bị thiểu năng trí tuệ nhưng em rất ham học vi tính và các cô giáo luôn tạo mọi điều kiện cho em được tiếp cận với máy tính. “Quang học máy tính rất tốt rồi còn dạy lại cho các bạn nữa, mỗi lần như vậy em vui hẳn lên. Gia đình em cũng vui vì thấy Quang phát triển như những bạn bè bình thường khác. Dạy các em theo sở thích chứ không phải chạy theo kiến thức” - cô Chính vui vẻ nói.

Cô Chính cho biết khi nhà trường tổ chức lớp học này và kêu gọi giáo viên tham gia thì tất cả mọi người đều ủng hộ, dù dạy lớp học này vất vả hơn rất nhiều so với lớp học sinh bình thường. Những giáo viên này ngoài đứng dạy trên lớp chính khóa thì tận dụng những giờ trống, vắng tiết để dạy tiết học yêu thương.

Trường nghèo nhưng “giàu” tình thương

Cô Huỳnh Thị Thanh Hòe - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu - cho biết từ năm học 2011-2012 trường đã có tiết học yêu thương, lúc đó có 20 học sinh khuyết tật tham gia lớp học này. Năm học 2012-2013 có 18 em, và nay lớp học có 11 em. Theo cô Hòe, các học sinh khuyết tật ngoài thời gian học chính khóa như những học sinh bình thường khác, các em được phụ đạo thêm kiến thức về văn hóa, kỹ năng giao tiếp thông qua các trò chơi, kỹ năng tin học... Tham gia đứng lớp dạy có 12 giáo viên trong trường. “Tất cả giáo viên dạy lớp học này với tinh thần tự nguyện, không hưởng bất cứ khoản tiền nào. Nhiều giáo viên thay vì dạy một buổi trên trường, một buổi nghỉ ở nhà nhưng các cô vẫn xung phong dạy tiết học yêu thương” - cô Hòe cho hay.

Cô Hòe cho biết thêm những học sinh khuyết tật tại đây không phải bị quá nặng để đưa vào các trường chuyên biệt. “Nếu đưa các em vào trường chuyên biệt sẽ khiến các em bị phân biệt, không thể hòa nhập, suy nghĩ lệch lạc. Ở trường này các em được học, chơi cùng các bạn bình thường khác. Chính điều đó giúp các em phát triển tốt hơn” - cô Hòe cho hay.

Cũng theo phó hiệu trưởng Trường Võ Thị Sáu, trường có tổng số 574 học sinh. Trong đó phần lớn là con ngư dân, lao động phổ thông. “Nhiều em ba mẹ đi biển lúc 3 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau mới về. Ở cùng nhà mà cả tuần mới gặp nhau được vài lần nên các em rất thiếu thốn tình cảm. Vì thế, chúng tôi luôn chia sẻ tình cảm với các em” - cô Hòe tâm sự.

Tiết học yêu thương

Các giáo viên Trường Võ Thị Sáu đã đặt tên cho buổi học này là Tiết học yêu thương. Bước vào tiết học, cô Chính khuấy động lớp bằng những trò chơi vận động như ghép bạn, vỗ tay hát... Bốn học sinh lúc này đã vui vẻ, hoạt bát hẳn lên. Cô giáo ngồi quây quần bên các em rồi hỏi: “Các em muốn học môn gì nào?”. Trần Văn Khánh (lớp 3/1) nhanh nhảu đáp: “Em muốn học máy tính để tự viết tên mình trên máy”. Cô Chính nhẹ nhàng khởi động chiếc máy tính, cô mở Word, sau đó hướng dẫn Khánh cách viết có dấu tên mình. Khánh cứ cặm cụi gõ trên bàn phím mãi, một lúc sau cậu học trò này la lên: “Cô ơi mỏi tay quá, em nghỉ tí đã nghe”. Cô Chính lại ân cần cho Khánh và các bạn trò chơi ghép hình. Một giờ trôi qua, Khánh cũng viết được tên mình trên máy tính. Cậu bé reo hò mừng rỡ... Cô Chính cũng vui lây với niềm vui của những đứa học trò đặc biệt.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên