10/07/2019 10:07 GMT+7

Có hai vợ vì sai sót của… tòa án

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Vụ án ly hôn đã xử xong, người chồng lập gia đình mới. Bỗng dưng, bản án ly hôn với người vợ cũ bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy, người chồng rơi vào cảnh có hai cuộc hôn nhân hợp pháp.

Có hai vợ vì sai sót của… tòa án - Ảnh 1.

Ông làm đơn gửi tòa án đề nghị xem xét trách nhiệm vì làm xáo trộn cuộc sống của ông.

Trong cả hai lần thụ lý, xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông P.L. (ngụ huyện Củ Chi) với bà M.C. (ngụ Q.1, TP.HCM), TAND Q.1 đều có những sai sót không đáng có.

Xáo trộn vì tòa án

Ông L. và bà C. kết hôn hợp pháp năm 2003 và có hai con chung. Năm 2010, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên ông L. nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Năm 2013, TAND Q.1 đã có quyết định công nhận thuận tình ly hôn. 

Bà C. được trực tiếp nuôi con, ông L. có nghĩa vụ cấp dưỡng. Vợ chồng có tài sản chung là căn nhà tại huyện Củ Chi. Căn nhà này được tòa án định giá 200 triệu đồng. Ông L. được ưu tiên mua nhà nên có trách nhiệm phải thanh toán lại cho bà C. 100 triệu đồng.

Sau khi ly hôn, ông L. kết hôn với người phụ nữ khác, có thêm hai con và sinh sống ổn định tại căn nhà ở huyện Củ Chi. Bỗng một ngày, Ủy ban thẩm phán TAND TP.HCM có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy quyết định thuận tình ly hôn giữa ông L. và bà C., giao hồ sơ vụ án về cho TAND Q.1 xét xử lại. 

Lý do vì khi xử sơ thẩm, tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thiếu điều luật áp dụng, thiếu phần nghĩa vụ chậm thực hiện cấp dưỡng, thông báo sửa chữa bổ sung không đúng quy định...

Quá trình TAND Q.1 thụ lý lại vụ án, ông L. được triệu tập nhiều lần nhưng không đến tòa. Lý do vì lúc này ông đã có gia đình mới. Trong khi đó, bà C. tiếp tục có đơn phản tố đề nghị tòa án chia tài sản chung là căn nhà tại Củ Chi vì trước đây tòa án định giá trị quá thấp. 

Quá trình giải quyết lại vụ án tiếp tục bị kéo dài bởi đương sự không hợp tác, còn tòa án lại có những quyết định... khó hiểu. Cụ thể, TAND Q.1 chuyển hồ sơ về cho TAND huyện Củ Chi giải quyết. Tuy nhiên, TAND huyện Củ Chi không thụ lý vụ án mà chuyển trả hồ sơ về lại cho TAND Q.1.

Đến năm 2015, TAND Q.1 thụ lý vụ án nhưng lại ra thông báo xác định lại tư cách tố tụng. Theo đó, bà C. từ bị đơn chuyển thành nguyên đơn, ông L. từ nguyên đơn lại trở thành bị đơn. Sau đó, vụ án bị tạm đình chỉ chờ kết quả xác minh. 

Riêng ông L. có đơn yêu cầu tòa án ngừng việc xét xử vụ án, xin vắng mặt tại các phiên tòa bởi ông đã sinh sống ổn định với gia đình mới trên căn nhà cũ, ông và vợ mới cũng đã bỏ tiền ra sửa chữa căn nhà đang tranh chấp. 

Tuy nhiên, do tòa án vẫn tiếp tục xét xử nên ông L. đã phản ứng bằng cách gửi bản khai đến tòa không đồng ý ly hôn với bà C. Đồng thời, ông đề nghị xem xét trách nhiệm của tòa án trong việc hủy quyết định về quan hệ hôn nhân của ông, khiến ông lâm vào cảnh khóc dở khi tồn tại hai quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Tháng 6-2018, TAND Q.1 đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, tòa không xử được mà phải dừng để thu thập chứng cứ. Tiếp sau đó là rất nhiều lần phiên tòa bị tạm ngừng rồi lại tiếp tục, nghị án rồi lại quay về xét hỏi. 

Mặc dù tại tòa ông L. có quan điểm rút đơn xin ly hôn nhưng tòa án vẫn xác định ông L. là nguyên đơn, bà C. là bị đơn và tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông L., giao hai con chung cho bà C. nuôi dưỡng. 

Bên cạnh đó, tòa án vẫn định giá căn nhà chỉ 200 triệu đồng như cách đó 6 năm, giao cho bà C. sở hữu nhà, đồng thời có trách nhiệm thanh toán lại cho ông L. 100 triệu đồng.

Vụ án đơn giản nhưng...

Sau khi có bản án sơ thẩm, ông L. kháng cáo. Phiên xử phúc thẩm vừa được TAND TP.HCM mở vào cuối tháng 6-2019. Tại tòa, vị chủ tọa đã bày tỏ sự ngán ngẩm đối với cách xử lý vụ án của TAND Q.1. 

Theo hội đồng xét xử, vụ án ly hôn quá đơn giản, tài sản tranh chấp có giá trị nhỏ nhưng lại kéo dài trong 7 năm qua. Nguyên nhân là do những vi phạm không đáng có trong quá trình tố tụng của thẩm phán thụ lý giải quyết. 

Từ năm 2012, căn nhà tranh chấp được định giá 200 triệu đồng nhưng đến năm 2018, TAND Q.1 tiếp tục định giá căn nhà chỉ bằng giá cũ, trong khi giá trị căn nhà hiện đã lên gần 1 tỉ đồng.

Hậu quả của vụ án là ông L. tồn tại hai quan hệ hôn nhân, tài sản chung chưa chia, ông L. không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con từ năm 2012 khi quyết định ly hôn bị hủy, bà C. cũng không thể lập gia đình mới vì vướng hôn nhân với chồng cũ, cuộc sống của đương sự rơi vào khó khăn, không ổn định. 

Vị chủ tọa phiên tòa cho biết dù bản án có nhiều sai sót nhưng nếu tiếp tục hủy án thì chỉ làm vụ án bị kéo dài, không có lợi cho các đương sự. Trong khi đó, mấu chốt vấn đề là tình cảm các bên không còn nên cần giải quyết ly hôn, chia tài sản chung để các bên ổn định cuộc sống.

Sau khi hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát thay nhau động viên, phân tích, ông L. và bà C. đã đồng ý thỏa thuận. Theo đó, ông L. tiếp tục được ở tại căn nhà ở Củ Chi, đồng thời có nghĩa vụ thanh toán cho bà C. 600 triệu đồng tiền tài sản và cấp dưỡng nuôi con một lần.

"Tôi đã quá mệt mỏi với vụ ly hôn kéo dài và chỉ mong vụ án chấm dứt, sớm được thi hành án để nuôi dạy các con" - bà C. nói sau khi tòa tuyên án.

Hàng loạt sai sót từ đơn giản đến nghiêm trọng

Ngay trong bản án, HĐXX đã đề nghị TAND Q.1 cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Hàng loạt sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng từ đơn giản đến nghiêm trọng của TAND Q.1 trong quá trình thụ lý vụ án đã được cấp phúc thẩm chỉ ra. Theo đó, cấp sơ thẩm đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định; tòa trở lại xét hỏi, sau đó vào nghị án luôn mà không qua tranh luận; các lần nghị án dừng phiên tòa, không mở lại phiên tòa...

Trong đó có những vi phạm nghiêm trọng hơn trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng và sai lầm về đường lối giải quyết vụ án, như tòa tự thay đổi bà C. là nguyên đơn, biến ông L. thành bị đơn; ông L. rút đơn khởi kiện, đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án nhưng tòa án lại tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông; tòa án không xác định giá đất theo giá thị trường mà lại xác định giá đất theo giá nhà nước.

Bên cạnh đó, tòa án lấy giá đất do nguyên đơn đưa ra để giải quyết vụ án là không có căn cứ pháp luật...

Việc xử lý của TAND Q.1 khiến ông L. lâm vào tình cảnh khóc dở mếu dở khi ông đồng thời tồn tại hai quan hệ hôn nhân hợp pháp. Bà C. cũng không thể lập gia đình mới vì vướng hôn nhân với chồng cũ, cuộc sống của đương sự rơi vào khó khăn, không ổn định.

Ly hôn nhưng vẫn sống chung vì… giá nhà quá đắt Ly hôn nhưng vẫn sống chung vì… giá nhà quá đắt

TTO - Nhiều cặp vợ chồng ở các thành phố lớn của Trung Quốc vẫn phải sống chung dưới một mái nhà sau khi ly hôn vì mua được một căn nhà mới không phải là chuyện dễ.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên