30/03/2019 09:58 GMT+7

Ly hôn, đâu phải cứ đứng dậy là bước đi khỏe khoắn

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Cuộc sống hiện đại, ly hôn không còn là chuyện xưa nay hiếm. Với phụ nữ, dù bị động hay chủ động, dù có che giấu thì những “chấn thương” về tâm lý luôn âm ỉ dai dẳng và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sức khỏe, công việc...

Ly hôn, đâu phải cứ đứng dậy là bước đi khỏe khoắn  - Ảnh 1.

Những tháng ngày tạo năng lượng tích cực - Ảnh: CTV

Cách chữa lành "vết thương" để ổn định tinh thần luôn là mối quan tâm của không ít người trong cuộc...

“Ba năm qua kể từ ngày ly hôn, tôi hay cáu gắt nổi nóng vô tội vạ, tôi không vừa lòng những thứ xung quanh mình, biết là không nên nhưng suy nghĩ đó không thoát khỏi đầu tôi được.

K.T.Hương (TP Pleiku, Gia Lai)

"Đêm về, vết thương hiện... nguyên hình!"

Kết hôn là bước ngoặt của cuộc đời. Ly hôn cũng là dấu mốc lớn. Chuyện hợp tan vốn như "cơm bữa" trong xã hội hiện đại, nhưng càng hiện đại thì ẩn sau luôn là câu chuyện nhói lòng.

Chị N.T.Chinh (quận Tân Phú, TP.HCM) kết hôn anh Đ.H.S. lúc 25 tuổi, nhưng tình yêu thời non trẻ chưa phải là sợi dây dựng xây khi anh chị về chung một nhà. 

Con lên 5, cũng là lúc vợ chồng tự giải phóng cho nhau. Ngày ra tòa, anh chị ai cũng ở tư thế chủ động vui vẻ. 

Thế mà, sau hai năm, câu chuyện vẫn đau đáu. "Tôi nghĩ sống không hợp được nữa thì chia tay, tài sản chung vợ chồng thuận tình chia nhau, con thì mẹ chăm và ba chu cấp. 

Gia đình hai bên không can thiệp sâu. Ngày nhận quyết định, cả hai còn chào nhau như những người chia tay văn minh. Vậy mà không ngờ hai năm nay, đêm về vết thương hiện nguyên hình", chị Chinh tâm sự.

Những lần mất ngủ, những lần giật mình thức dậy giữa đêm rồi thức đến sáng, suốt thời gian dài. Chị luôn dùng thuốc ngủ để "cứu" mình. 

Những lần chạy xe trên đường muốn thả trôi tay lái, luôn nghĩ đến tự tử, thậm chí stress nặng vì mọi thứ trong cuộc sống chỉ mình mình đối diện.

Và dù mạnh mẽ như chị T.T.X. (32 tuổi, TP Đà Nẵng) như người ta vẫn gọi tếu táo là cưới chồng về để... làm chồng, nhưng sau ly hôn, tưởng rằng mình chủ động và chuẩn bị hết tâm lý, mà chính chị cũng không ngờ mình lại "thất bại thảm hại" như vậy. 

Chị X. tâm tư: "Thời gian đầu tôi thấy ổn, bắt đầu những tháng ngày sau, khi ra đường, khi vui chơi, gặp lại bạn bè... thì những điều tưởng chừng là "muỗi" so với suy nghĩ lại khiến mình tổn thương, đau xé. 

Công việc không sao tập trung được, tâm lý không ổn nhưng tôi cố giấu. Đêm về đối diện với chính mình, tôi thấy cuộc sống tan vỡ khủng khiếp thật".

Nếu đã không thể hàn gắn, hoặc khi quyết định ly hôn là đúng thì phải chấp nhận xem ly hôn là lựa chọn phù hợp thay vì tiếc nuối, nếu không sẽ mãi rơi vào bất hạnh.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân

Ly hôn, đâu phải cứ đứng dậy là bước đi khỏe khoắn  - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Thanh Hiển - bác sĩ chuyên khoa cấp II Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - khám, tư vấn điều trị rối loạn lo âu sau ly hôn cho chị N.T.H. (quận 10, TP.HCM) - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Chữa sao cho lành?

Những "chấn thương" để lại những ảnh hưởng không hề nhỏ. Cách chữa lành "vết thương" để ổn định tinh thần luôn là mối quan tâm của không ít người trong cuộc.

Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (TP.HCM) cho rằng: "Khi ly hôn đã là sự lựa chọn cuối cùng, bởi khi kết hôn không ai nghĩ ngày nào đó mình sẽ ly hôn và dẫn đến tổn thương tâm lý. 

Có hai trường hợp xảy ra sau ly hôn: nếu vội vàng ly hôn vì sĩ diện, vì cái tôi cá nhân thì bao giờ cũng có xu hướng nhìn nhận lại quá trình chung sống, rồi tiếc nuối, ân hận với những tổn thương cụ thể như đánh mất người bạn, nhận ra vai trò của người còn lại, một mình trống trải, cô đơn, hụt hẫng... 

Ở trường hợp thứ hai, nếu ly hôn là quyết định đúng đắn, thì sau ly hôn vẫn sẽ còn nhìn nhận đó là sai lầm, người trong cuộc tiếc nuối thời gian trước là lãng phí... dẫn tới những "chấn thương" khác nhau, đó là chưa kể ảnh hưởng con cái. 

Nếu có con, mọi tổn thương sẽ gieo rắc lên con, ảnh hưởng rất lớn khi trẻ phát triển nhân cách".

Và cũng theo chuyên gia Hồng Quân, nếu vội vàng ly hôn mà trải qua tâm lý như vậy thì cách vượt qua là vợ chồng ngồi lại với nhau, giải hòa, dẹp bỏ cái tôi cá nhân để về lại một nhà. Nếu được như vậy, câu chuyện hôn nhân về sau sẽ rất bền. 

"Nếu đã không thể hàn gắn, hoặc khi quyết định ly hôn là đúng thì phải chấp nhận xem ly hôn là lựa chọn phù hợp thay vì tiếc nuối, nếu không sẽ mãi rơi vào bất hạnh" - ông Quân nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với việc sau ly hôn sẽ có những chấn thương tinh thần, BS CKII Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - cho rằng sau tan vỡ, phụ nữ luôn là người nhận những gánh nặng như gánh nặng về tài chính, trách nhiệm, trách nhiệm nuôi dạy con... tất cả dẫn đến trầm cảm, stress.

BS Hiển phân tích: "Ly hôn là một biến cố. Thường ngay lúc đó người phụ nữ không nhận thấy những tổn thương, mà phải sau 6 tháng đến 1 năm mới thấy stress. 

Có người lại dùng "sức mạnh" để che đậy, nhưng dần dà như giọt nước tràn ly dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó mất ngủ là triệu chứng xuất hiện đầu tiên, rồi rối loạn lo âu, thay đổi cảm xúc, dễ bùng nổ tức giận, quát mắng con cái... 

Về lâu dài thì stress, trầm cảm dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, họ thấy mặc cảm, bế tắc, thấy vô dụng, có lỗi, tự buộc tội... từ đó xuất hiện ý định tự sát, thậm chí nặng hơn là cho con cùng chết, là điều hết sức kinh khủng. 

Nếu để đến như thế phải đi khám ngay tại các bệnh viện tâm thần để can thiệp kịp thời".

Tạo năng lượng tích cực

Theo BS CKII Huỳnh Thanh Hiển, hầu hết bệnh nhân nữ mà ông gặp, tư vấn và chữa về những rối loạn lo âu, thì khi hỏi về tình trạng gia đình đều có chung câu trả lời là: Ly hôn!

"Để vượt qua điều này không dễ, ngoài việc tìm bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn những liệu pháp, người phụ nữ còn bản lĩnh tự mình vượt qua như vùi vào công việc, làm cho mình bận rộn... để lãng quên và tạo năng lượng tích cực", bác sĩ khuyên.

Bà Diệp Thảo rơi nước mắt sau phiên tòa ly hôn Bà Diệp Thảo rơi nước mắt sau phiên tòa ly hôn

TTO - Hội đồng xét xử TAND TP.HCM đã tuyên đọc phán quyết, chấp nhận yêu cầu ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần trong các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo buồn bã rời tòa.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên