13/12/2018 19:58 GMT+7

Co giật do sốt

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Sốt co giật thường là nỗi ám ảnh đối với người chăm sóc trẻ, nhưng đa phần co giật do sốt không gây nguy hiểm cho trẻ.

Co giật do sốt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: babydoctor.com

Cơn co giật ở trẻ gây ra bởi một cơn sốt trên 102°F (38,9°C) được gọi là co giật do sốt. Co giật do sốt có thể xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ từ 12 tháng đến 18 tháng tuổi.

Sốt co giật thường là nỗi ám ảnh đối với người chăm sóc trẻ, nhưng đa phần co giật do sốt không gây nguy hiểm cho trẻ.

Co giật do sốt nguy hiểm như thế nào?

Nói chung, co giật do sốt hầu như ít khi gây hại cho trẻ. Một cơn co giật do sốt không gây tổn thương não cho trẻ. Trẻ cũng không thể "nuốt lưỡi" của mình trong cơn co giật ("nuốt lưỡi" là tình trạng phần đáy lưỡi di chuyển về sau gây cản trở hô hấp, thông thường thì không ai có thể "nuốt lưỡi" của mình). Co giật do sốt thường kéo dài trong vài phút. Một cơn co giật kèm sốt kéo dài hơn 5 phút được xem là bất thường. Thông thường, trẻ bị co giật do sốt không cần phải nhập viện và không cần phải chụp X-quang hoặc kiểm tra điện não đồ. Trẻ có thể chỉ cần được thăm khám bởi bác sĩ gia đình để tìm nguyên nhân gây sốt. Tuy nhiên, nếu bạn không có bác sĩ gia đình hoặc trẻ co giật lần đầu, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xác định nguyên nhân gây co giật kèm sốt.

Làm thế nào để tôi biết con tôi bị co giật do sốt?

Trong cơn co giật do sốt, trẻ có thể bị mất ý thức, mắt trợn ngược, tay chân co cứng hoặc co giật. Trẻ cũng có thể nôn mửa. Sau cơn co giật, trẻ có thể mệt mỏi, buồn ngủ và lú lẫn trong một khoảng thời gian ngắn.

Tôi nên làm gì nếu con tôi bị co giật do sốt?

- Đặt trẻ nằm nghiêng về một bên để tránh cho trẻ bị nghẹt thở bởi nước bọt hoặc chất nôn;

- Không đặt bất cứ vật gì vào trong miệng của trẻ;

- Không cố gắng làm trẻ ngừng co giật bằng cách giữ chặt tay, chân của trẻ trong khi trẻ đang lên cơn co giật;

- Cố gắng giữ bình tĩnh. Hầu hết các cơn co giật đều tự ngưng trong vòng vài phút, vì vậy bạn hãy quan sát đồng hồ;

- Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc có kèm theo triệu chứng cứng cổ, nôn mửa hoặc có vấn đề về hô hấp;

- Đừng cố gắng hạ nhiệt cho con bạn bằng cách đặt trẻ vào trong bồn tắm chứa nước lạnh trong khi trẻ đang co giật.

Tôi nên làm gì sau khi cơn co giật đã dừng lại?

Gọi cho bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ khám cho con của bạn để tìm ra nguyên nhân gây sốt. Hoặc nếu bạn không có bác sĩ gia đình, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong các điều sau:

- Trẻ co giật lần đầu;

- Nếu cơn co giật lần này kéo dài hơn 5 phút;

- Trẻ không nằm trong lứa tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi;

- Trẻ lơ mơ kéo dài sau co giật;

- Trẻ có kèm với các bất thường khác như cổ cứng, nôn mửa nhiều lần hoặc bất cứ triệu chứng nào khiến bạn không thấy an tâm;

- Cơn co giật lần này không giống với những lần co giật do sốt trước đây (đối với trẻ đã hơn một lần co giật do sốt).

Con tôi có bị co giật lại không?

Hầu hết trẻ sẽ không có thêm cơn co giật nào khác. Nhưng nguy cơ xuất hiện một cơn co giật do sốt khác sẽ cao hơn một chút nếu:

- Con của bạn nhỏ hơn 18 tháng tuổi;

- Tiền sử gia đình có co giật do sốt;

- Trẻ bị co giật khi sốt của trẻ không quá cao.

Nếu con tôi bị co giật do sốt, thì có đồng nghĩa với con tôi bị bệnh động kinh hay không?

Câu trả lời là "Không". Khi trẻ bị một cơn co giật duy nhất không có nghĩa là trẻ bị bệnh động kinh. Thậm chí, khi con bạn bị co giật do sốt lặp đi lặp lại thì cũng không có nghĩa là trẻ bị bệnh động kinh, vì co giật do sốt sẽ mất đi khi trẻ lớn lên. Một đứa trẻ bị động kinh thường có 2 hoặc nhiều hơn cơn co giật không gây ra bởi sốt.

Co giật do sốt không gây ra bệnh động kinh. Nhưng nguy cơ bệnh động kinh phát triển ở trẻ bị co giật do sốt một vài lần sẽ cao hơn so với trẻ không bị co giật do sốt. Tỷ lệ bệnh động kinh phát triển ở trẻ bị co giật do sốt là khoảng 2% đến 4%. Không có bằng chứng nào cho thấy việc điều trị  thuốc chống co giật do sốt cho trẻ sẽ ngăn chặn được bệnh động kinh.

Sốt co giật có thể được phòng ngừa bằng thuốc?

Câu trả lời là "Có thể", nhưng nhiều bác sĩ cho rằng nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc chống co giật nguy hiểm hơn so với việc để trẻ bị co giật do sốt. Ngay cả khi các thuốc này được sử dụng, cũng không chắc chắn rằng thuốc có thể ngăn chặn cơn co giật khác xuất hiện./.

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên