23/10/2012 09:59 GMT+7

Có giải pháp, cần bắt tay làm ngay

 TS TRẦN ĐÌNH THIÊN(viện trưởng Viện Kinh tế VN)CẦM VĂN KÌNH ghi
 TS TRẦN ĐÌNH THIÊN(viện trưởng Viện Kinh tế VN)CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - Báo cáo của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội hôm qua đã đưa ra hàng loạt giải pháp cho tình hình kinh tế đang khó khăn. Việc thực hiện tốt các giải pháp đó chắc chắn sẽ giúp kinh tế VN khởi sắc hơn.

Thủ tướng nhận lỗi trước Quốc hội

Tuy nhiên, để các giải pháp nhanh phát huy tác dụng trên thực tế, cần xác định rõ đâu là giải pháp cốt lõi cần ưu tiên, xác định nguồn lực cho nó, cùng đó là quyết tâm bắt tay vào làm ngay, chứ cứ chờ tất cả thông suốt, đồng thuận mới làm thì chi phí có thể sẽ lớn hơn rất nhiều...

Kinh tế VN đang ở tình thế khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Để giải quyết cần giải pháp đồng bộ. Nhưng để giải quyết bài toán, các giải pháp như “hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý”, ”thực hiện các giải pháp phù hợp để giải quyết hàng tồn kho”... sẽ rất khó đem lại hiệu quả nhanh bởi đầu tư nhà nước yếu, cầu tiêu dùng cũng yếu, nhiều doanh nghiệp có thể vay vốn cũng không dám vay bởi càng sản xuất càng tồn kho, càng lỗ... Vì vậy, giải pháp quan trọng hàng đầu phải là xử lý nợ xấu. Và muốn xử lý câu chuyện này, cần rà soát, phân loại rõ xem nợ xấu đang nằm ở đâu, nguyên do nào.

Thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang bị chính Nhà nước nợ tiền đầu tư xây dựng cơ bản, cả ở cấp trung ương và địa phương. Số tiền ngân sách nợ đã lên tới cả trăm ngàn tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã phải đi vay ngân hàng lãi suất cao làm dự án, nhưng khi làm xong không thanh toán được tiền nên khó khăn, dồn nợ xấu vào ngân hàng. Nếu Nhà nước quyết tâm dành vốn trả nợ, tôi cho rằng sẽ kích hoạt, giúp được một số lượng không nhỏ doanh nghiệp có vốn, vượt qua khó khăn.

Với nhóm nợ xấu còn lại, cần xác định cho đúng thực chất là bao nhiêu để chuẩn bị đủ nguồn lực xử lý. Xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ tốn kém, Nhật Bản từng mất 5% GDP để xử lý. Tại VN, việc tốn kém bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào tổng mức nợ xấu thật và tốc độ xử lý của chúng ta. Nếu cứ ngồi chờ tất cả thông suốt, e là chi phí và thiệt hại sẽ tăng lên rất lớn theo thời gian... Theo báo cáo của Thủ tướng, giải pháp được nêu là “nghiên cứu thành lập công ty mua bán nợ”. Cần đẩy nhanh việc nghiên cứu và thực hiện, bởi nợ xấu tháng 3-2012 công bố là 202 ngàn tỉ, đến nay chắc chắn không còn ở con số đó nữa, vì số doanh nghiệp phá sản đã nhiều hơn, nguồn lực cần thiết để xử lý cũng sẽ nhiều lên...

Chúng ta đang đứng trước áp lực của thời gian, của các khó khăn ngắn hạn. Tuy nhiên, cùng các giải pháp ngắn hạn, giải quyết các tình thế như xử lý hàng tồn kho, nợ xấu... cần đồng thời thúc đẩy các giải pháp dài hạn như tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công... với những bước đi vững chắc để người dân có thể cảm nhận được. Chúng ta đang trong giai đoạn nhạy cảm, và các vấn đề về lòng tin, cảm nhận thị trường rất quan trọng. Trong khó khăn hiện nay, không nên chỉ tập trung nguồn lực vào các vấn đề ngắn hạn như tăng trưởng GDP, mà nên tập trung nguồn lực vào tái cơ cấu, bởi đơn cử nếu tái cơ cấu tốt đầu tư công, nền kinh tế cũng sẽ tăng được hiệu quả và sẽ có ngay một nguồn lực dôi ra từ những dự án chưa hiệu quả.

 TS TRẦN ĐÌNH THIÊN(viện trưởng Viện Kinh tế VN)CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên