Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc này, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu.
"Thời gian gần đây, tôi thấy tất cả các phụ huynh đều khoe con em mình nhận thưởng trên facebook ở bậc Mầm Non, kể cả những bé "siêu quậy".
Nhìn chung lại, các bé đến trường thì cuối năm đều có phần thưởng như nhau. Nhìn bé nào lên nhận thưởng, gương mặt cũng tươi như hoa, có những bé thậm chí còn ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra nữa kia vì bé còn quá nhỏ.
Bé nào cũng phần thưởng, giấy khen. Nhưng xét về ý nghĩa thì lại khác. Điều này vô tình chúng ta đánh đồng giữa các bé chăm ngoan và chưa ngoan trong một thời gian dài là cả một năm học.
Như thế, giáo dục ngay từ bước đầu đã thấy không công bằng và thiếu hợp lí. Mà trong giáo dục cần có quy chế thưởng phạt rạch ròi, khen chê minh bạch mới có tính răn đe, dạy bảo ngay từ khi còn "trứng nước" mới tạo ra những nhân cách tốt chứ.
Liệu có phải bệnh thành tích cũng bắt nguồn từ bậc Mầm Non?
Riêng bậc THCS, giấy khen được phát cho học sinh còn nhiều hơn. Một đồng nghiệp tôi chia sẻ "Trường mình có gần 600 học sinh, cuối năm học này, cần đến 400 tờ giấy khen, một sự bội thu giấy khen kinh khủng". Nói xong, bạn tôi mỉm cười chua chát.
Ai làm trong nghề mới biết vì sao giấy khen vào dịp cuối năm lại cần nhiều đến như thế?
Đáng lí ra, những người như giáo viên chúng tôi cảm thấy vui mới đúng nhưng đằng này, nghe thông tin và làm công tác phát thưởng cho học sinh mới thấy "mệt mỏi" với thành tích có gì đó "sai sai" trong công tác giáo dục ngày nay.
Những năm trở lại đây, nơi tôi công tác cũng vậy, phần thưởng cùng với giấy khen cuối năm luôn luôn là con "số khủng", phải cần đến một đội ngũ nhiều giáo viên để phân chia phần thưởng, giấy khen cho hợp lí.
Năm nay cũng như mọi năm, trường tôi có đến 650 học sinh, giấy khen loại giỏi lên đến con số 200, 300 giấy khen thuộc loại tiến tiến.
Tuy một tờ giấy khen không đáng là bao nhưng ý nghĩa của nó không hề nhỏ.
Khen thưởng đúng thực chất sẽ là lời động viên với học sinh này, nhưng sẽ tạo nên tâm lý ỷ lại với những học sinh chưa nỗ lực hết mình. Liệu từ đây, giáo dục có đi chệch hướng?
Hiện tượng giấy khen tăng một cách đột biến ở các trường học cuối năm đồng nghĩa với thực trạng học sinh xếp loại Trung bình, yếu, kém giảm một cách đáng kể.
Hiện nay, tỉ lệ học sinh lưu ban, học sinh thi lại ở các trường THCS chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí, nhiều trường không tìm đâu ra học sinh lưu ban.
Có những câu chuyện vui, tưởng đùa mà như thật. Có nhiều phụ huynh đến tận nhà cô giáo chủ nhiệm của con xin được cho con mình được lưu ban vì bàn thân làm cha làm mẹ biết sức học của con như thế nào.
Thế mà cô giáo lại lắc đầu từ chối vì bảo rằng điểm bộ môn và điểm tổng phẩy đã đủ lên lớp. Qua đó, mới thấy, việc học sinh lưu ban hay thi lại trong thời đại ngày nay là một điều khá xa xỉ.
Quay lại thời xưa, tôi vẫn thích học thật sự để có thành tích thật sự. Cuối kì hay cuối năm, học sinh giỏi chỉ " lèo tèo" vài đứa, học sinh tiên tiến cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Và cảm giác đi nhận thưởng hay nhận được một tờ giấy khen với danh hiệu học sinh tiên tiến sao mà tự hào, sung sướng đến thế.
Và có những lúc, thế hệ chúng tôi nghĩ rằng "Để có được tờ giấy khen hay cao hơn là phần thưởng cuối năm, bản thân cần nỗ lực không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi để xứng đáng với danh hiệu mà trường tặng khen"
Giấy khen đã lên ngôi trong những năm trở lại đây, điều này làm trăn trở những người làm trong công tác giáo dục. Sự trăn trở này xin được gửi lại cho gia đình, nhà trường và xã hội.
'Cào bằng' việc khen thưởng có khuyến khích học sinh nỗ lực hơn hay tạo nên tâm lý ỷ lại? Bạn nghĩ gì về việc khen thưởng tràn lan như hiện nay? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận