18/12/2017 12:56 GMT+7

Có gì lạ khi Bộ trưởng đặt mua một cây xoài Cao Lãnh?

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Khi nghe trình bày về mô hình 'Cây xoài nhà tôi" tại một hội nghị ở Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đặt mua ngay một cây xoài cho riêng mình.

Có gì lạ khi Bộ trưởng đặt mua một cây xoài Cao Lãnh? - Ảnh 1.

Xoài là một trong 5 ngành hàng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: THÀNH NHƠN

Hội nghị đó có tên "Sơ kết 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp", và người mua cây xoài chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sau khi nghhe đại diện Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) thuyết trình vào sáng 18-12 tại Đồng Tháp.

"Tôi rất ấn tượng với mô hình "Cây xoài nhà tôi" khi đến Đồng Tháp. Đây là một mô hình hay, cần được nhân rộng trên cả nước. Tôi xin đặt mua một cây xoài cho mình" ông Cường nói.

Mô hình "Cây xoài nhà tôi" được Hợp tác xã xoài Mỹ Xương triển khai vào tháng 9-2016 với mong muốn người dân ở nơi xa vẫn có thể thưởng thức được hương vị xoài Cao Lãnh thơm ngon. 

Người mua chỉ cần đặt mua cây xoài thông qua website, việc còn lại đã có hợp tác xã lo. Cây xoài sẽ vẫn ở tại vườn và người bán sẽ đảm trách công việc chăm sóc. 

Hàng tháng, Hợp tác xã sẽ thông báo quá trình sinh trưởng, ra hoa, thời điểm thu hoạch trái cho người mua. Sau khi thu hoạch, những trái xoài sẽ được gửi tận đến địa chỉ của người mua.

"Từ khi ra đời đến thới điểm hiện tại, mô hình "Cây xoài nhà tôi" đã bán được hơn 96 cây xoài, mang lại thu nhập hơn 360 triệu đồng cho nông dân trồng xoài trong Hợp tác xã." ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết.

Bên cạnh mô hình "Cây xoài nhà tôi", thành tựu về các ngành hàng tái cơ cấu như vịt, hoa kiểng, cá tra, lúa cũng được đại diện các công ty, HTX, ban ngành chia sẻ tại hội nghị.

Theo đó qua 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nông sản của Đồng Tháp như nhãn, xoài, quýt đã có mặt tại hệ thống các siêu thị lớn cũng như xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc… 

Ngoài ra nhiều mô hình nông nghiệp mới xuất hiện cũng góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm để từ đó giải quyết tốt hơn bài toán cung cầu trên thị trường.

Ông Trần Tấn Đức, Giám đốc công ty lương thực Đồng Tháp, trăn trở với việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh khi bỏ thầu thấp để trúng thầu rồi sau đó đấu trộn các loại gạo lại, làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam.

"Tôi đề nghị Bộ nên ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo để tạo uy tín với khách hành nước ngoài, tránh tình trạng pha trộn giảm giá thành ảnh hưởng đến tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam, cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác tốt hơn" ông Đức bức xúc nói.

Ngoài ra, ông Đức cũng đề nghị phục tráng các giống lúa thơm cho chất lượng gạo thơm ngon như Jasmine 85, VD20 vì các giống trên đã thoái hóa.

"Khi tôi hỏi doanh nghiệp sao đấu trộn thì họ nói đối tác kêu vậy. Chúng ta cần hướng đến thị trường lâu dài", ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp cần hướng tới làm ăn lâu dài, xây dựng thương hiệu gạo Việt. 

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên