28/04/2019 21:31 GMT+7

Cô gái người Dao làm du lịch cộng đồng

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
HÀ THANH - MAI THƯƠNG

TTO - Học xong đại học, cô gái người Dao quyết định về quê hương cùng bà con dân bản làm du lịch, nơi bao đời nay nổi tiếng với giống lê đặc sản, là tiềm năng sẵn có để bà con thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Cô gái người Dao làm du lịch cộng đồng - Ảnh 1.

Đặng Thị Dương (trái) cùng với bà mặc trang phục dân tộc Dao Tiền độc đáo của mình. Đến với homestay của Dương, du khách được chiêm ngưỡng bộ váy áo đặc biệt này - Ảnh: HÀ THANH

26 tuổi, Đặng Thị Dương làm chủ một homestay có tiếng ở thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang - mảnh đất nổi tiếng khí hậu quanh năm mát mẻ này được ví như Sa Pa thứ hai của Việt Nam.

Ở đâu cũng được, miễn là kiếm ra thu nhập, nhưng về phục vụ bà con, quê hương mình được thì tốt hơn.

ĐẶNG THỊ DƯƠNG

Từ giống lê Hồng Thái

Dương tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Về quê nhà, Dương làm cán bộ văn hóa xã, chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng và trồng giống lê đặc sản, rau sạch chuẩn VietGAP ngay trên bản làng của mình. 

Những nếp nhà của bà con Dao Tiền ở Hồng Thái - quê hương của Dương - nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển. 

Cô gái trẻ giới thiệu, hiện Hồng Thái đang là điểm du lịch mới của huyện Na Hang với nhiều dự án trồng rau sạch hướng đến chuẩn VietGAP đã được chỉ dẫn địa lý, đặc biệt nhất phải kể đến giống lê đặc sản. "Chỉ có khí hậu Hồng Thái mới trồng được giống lê này" - Dương quả quyết.

Trên mảnh đất của gia đình, Dương phát triển giống lê đặc sản từ 100 gốc ban đầu. Thấy cây lê cho hiệu quả kinh tế cao, Dương bàn với mẹ mở rộng thêm diện tích, trồng thêm 100 gốc lê đặc sản nữa. 

Cô cho biết chăm sóc lê không khó, mỗi năm chỉ bón gốc 3 lần, đến tháng 9, tháng 10 là cho thu quả. 

Đặc biệt, địa phương cũng thường tổ chức các buổi tập huấn trồng, chăm sóc loài cây này cho bà con và thanh niên địa phương để họ biết cách phát triển giống cây.

Dương tìm thị trường xa thành phố, đến các khu chợ, trung tâm thị trấn, liên kết với người quen ở Hà Nội để mang sản phẩm lê đặc sản về thủ đô tiêu thụ.

Cùng nhau làm du lịch bền vững

Không chỉ trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, từ tiềm năng của địa phương, Dương còn bàn với gia đình cải tạo, sửa sang lại nếp nhà bao đời nay, đóng thêm những chiếc giường mới tinh, cơi nới đất vườn, làm mô hình VAC tự cung tự cấp. 

Tháng 10-2018, cơ sở homestay của cô gái trẻ này bắt đầu mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trùng với thời điểm diễn ra lễ hội ruộng bậc thang và cũng là lúc lê Hồng Thái vào chính vụ.

"Du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở địa phương, vừa có thể trải nghiệm hái quả trên những đồi lê sum sê. Họ có thể mặc những bộ váy người Dao Tiền, gùi chiếc gùi trên lưng và lên đồi hái quả" - Dương hào hứng.

Là địa điểm du lịch mới mẻ ở tỉnh Tuyên Quang, những cô gái trẻ như Dương được coi là những người tiên phong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. 

Hiện nay cả xã Hồng Thái có 5 homestay mở cửa đón khách, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Cô gái trẻ người dân tộc chia sẻ, làm homestay ở địa phương không khó vì tận dụng tiềm năng sẵn có. 

"Chúng tôi tận dụng quỹ đất sẵn có của gia đình nên không mất tiền thuê đất đai, tiết kiệm khá nhiều chi phí ban đầu" - Dương nói.

May mắn của cô gái trẻ là được gia đình ủng hộ. Từ ngày biết hướng đi của con, bà Đặng Thị Cục (mẹ của Dương) luôn động viên con. 

Chồng bà trước là lao động chính trong nhà nhưng năm ngoái bị ngã khi đi chặt cây, từ đó Dương thay cha làm việc. 

Con gái đón khách du lịch từ khắp nơi đến tham quan, còn người mẹ giúp đỡ con chuẩn bị các bữa cơm, món ăn đặc sản đãi khách.

"Mình nhờ anh em, bạn bè đón khách để mọi người quen với môi trường du lịch. Là du lịch cộng đồng mà, mọi người trong bản cùng làm thì mới làm bền vững được" - Dương cho biết. Mới đây, Dương kêu gọi thêm hai thành viên cùng tham gia với mong muốn phát triển thành hợp tác xã.

Không bỏ lỡ mùa lúa chín vàng hay hoa lê nở trắng

Từ Hà Nội đến Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) khoảng hơn 250km với chừng 6 tiếng di chuyển bằng ôtô. Nếu đi xe khách từ Hà Nội đến huyện Na Hang, đi xe buýt đến Hồng Thái hoặc thuê xe máy khám phá cảnh đẹp trên chặng đường này.

Đến Hồng Thái, có thể chọn mùa lúa chín vàng tháng 9, tháng 10 hay xem cách hái chè, làm chè shan tuyết - đặc sản vùng, hái quả chín như lê, mận, bưởi... Vào tháng 1, tháng 2 âm lịch, bạn không nên bỏ lỡ mùa hoa lê trắng nở rộ.

Ngoài ra, du khách cũng kết hợp tham quan những cảnh đẹp Na Hang như lòng thủy điện Tuyên Quang, trải nghiệm chèo thuyền kayak, thác Mơ, cọc Vài Bạ, khu 99 ngọn núi, hang Nậm Trang, thác Khuẩy Sung...

Bản Tày làm du lịch cộng đồng Bản Tày làm du lịch cộng đồng

TTO -Không chỉ được trải nghiệm các ngôi nhà sàn của người dân bản Tày, du khách đến với Bắc Sơn còn được chiêm ngưỡng thung lũng lúa tuyệt đẹp, các mái nhà lợp ngói âm dương thanh bình và hòa mình vào những đêm nhạc hội cộng đồng sôi động.

HÀ THANH - MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên