Một chiều tháng 4, trong căn nhà nhỏ ở P.5, Q.4, TP.HCM, bên chiếc bàn gỗ thấp, cô gái 34 tuổi này đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rất nhiều dự định và ước mơ từ nghề giấy xoắn.
Phóng to |
Trần Thụy Thúy Vi tặng bức tranh giấy xoắn do cô làm đến ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - trong ễ trao giải chương trình Online cùng tết Việt năm thứ 10 sáng 7-4-2013 - Ảnh: Thanh Đạm |
Phóng to |
Người làm tranh giấy xoắn không thể thiếu sự tỉ mỉ, nhẫn nại, sáng tạo - Ảnh: Trung Uyên |
Clip "Những khoảng trời riêng" của Trần Thụy Thúy Vi đoạt giải nhất cuộc thi clip "Tết trong mắt tôi" trong khuôn khổ chương trình Online cùng tết Việt 2013 |
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Suốt bốn năm nay, từ đôi tay khéo léo và nhẫn nại ấy, những tấm thiệp, kẹp sách, bức tranh… làm từ giấy xoắn thành hình và khiến không ít người thích thú. Với Thúy Vi, những sản phẩm làm từ giấy xoắn không chỉ chứa đựng ước mơ vượt lên số phận tật nguyền đôi chân từ năm 3 tuổi sau một cơn sốt mà còn là khát khao giúp những người khuyết tật khác có được công việc tốt.
34 tuổi, Thúy Vi vừa làm xong đồ án tốt nghiệp ngành đồ họa quảng cáo, khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Hồng Bàng.
Con đường học hành của Vi cũng quanh co như những vòng giấy xoắn: tốt nghiệp THPT, Vi đi làm công nhân; tiền để dành trong bốn năm đi làm được dùng làm học phí học trung cấp đồ họa vi tính tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Đi làm đồ họa cho một doanh nghiệp, thấy mình nhận lương thấp hơn so với những người có bằng đại học dù Vi làm việc không hề kém hơn, cô quyết định nghỉ việc và trở thành sinh viên lớn tuổi nhất khoa mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Hồng Bàng từ năm 2008 đến nay.
Thấu hiểu những khó khăn về kinh tế của bố mẹ nên Thúy Vi sớm xác định phải tự lực cánh sinh. Không thể sử dụng xe máy vì vấn đề sức khỏe, từ đi học đến đi làm, cô gái ấy hầu như chỉ dùng xe buýt.
Thời điểm hết sức đặc biệt với Thúy Vi chính là một ngày giữa năm 2009, khi Vi được một người bạn sinh viên trong CLB Ý tưởng sáng tạo của Trường ĐH Hồng Bàng hướng dẫn làm tranh giấy xoắn để tham gia một triển lãm trong trường. “Lần đầu chạm đến những sợi giấy đủ màu sắc, biến chúng thành hoa lá, mình đã cảm thấy bị cuốn hút mãnh liệt. Càng làm, mình càng thấy môn này thật hay, càng mong muốn sáng tạo thêm để bức tranh thêm hấp dẫn”.
Miệt mài cùng giấy xoắn
Niềm yêu thích giấy xoắn thôi thúc Thúy Vi mở shop quà tặng nghệ thuật Regalo (tiếng Ý: quà tặng) tại nhà của bà nội ở D24 cư xá Vĩnh Hội, P.5, Q.4, TP.HCM. Dụng cụ làm có cái Vi mua, có cái tự chế để tiết kiệm, phần giấy thì đặt mua qua mạng, chủ yếu là giấy từ Hàn Quốc vì vừa bền vừa có màu sắc đẹp.
Thời gian đầu, Thúy Vi mất 2 ngày để hoàn tất một bức tranh, 3-4 tiếng để xong một tấm thiệp, bây giờ chỉ mất một nửa thời gian ấy.
“Tôi muốn tạo ra một nơi chuyên nghiệp để những người bạn khuyết tật của tôi cùng làm việc và tìm thấy niềm vui trong sản phẩm từ giấy xoắn. Tôi vốn thích những người lạc quan, tự tin. Nếu chẳng may có khuyết đi một chút thì hãy biết lấy điều đó để cố gắng hơn nữa" - Trần Thụy Thúy Vi |
Nghệ thuật giấy xoắn (paper quilling) vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Thúy Vi từng học kỹ thuật giấy xoắn qua bạn học và vài người đi trước, rồi sau đó mày mò học hỏi qua Internet rồi tự sáng tạo thêm.
Bức tranh đầu tiên bán được với giá 350.000đ là niềm vui vỡ òa với Vi. “Điều đó khẳng định sản phẩm mình làm ra có người thích, có người muốn mua và nó xứng đáng với giá ấy. Mình cũng bắt đầu hi vọng công việc này có thể mở ra một tương lai, không chỉ cho mình mà còn cho cả những người khuyết tật khác”.
Đến nay, Thúy Vi đã dạy nghề tranh giấy xoắn cho khoảng 10 người khuyết tật, song việc ấy cũng không ít gian nan. Cô chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại rất cao, và tất nhiên cũng cần lắm sự sáng tạo. Nhiều người đã không thể theo đuổi dài lâu vì không đủ kiên trì”.
Những ngày giữa tháng 4-2013, Thúy Vi có thêm niềm vui lớn khi có được số tiền 10 triệu đồng từ giải nhất cuộc thi clip Tết trong mắt tôi (do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Eximbank tổ chức). Số tiền ấy được Vi dùng để mua thêm tủ, thêm gỗ để đóng kệ, xây dựng trang web cho cửa hàng… Những khó khăn trong hiện tại hoặc có thể xuất hiện trong tương lai không làm cô gái ấy nản lòng, bởi lý do giản dị: "Sản phẩm mình làm ít khi nào bị chê lắm!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận