06/02/2023 10:26 GMT+7

Cô gái boxing và khoản vay 2 triệu đồng

16 tuổi, Nguyễn Thị Tâm đã hỏi vay HLV 2 triệu đồng để mua lợn giống cho mẹ. Từ con lợn giống cách đây 13 năm, Tâm đã giúp gia đình thoát nghèo, còn cô vươn lên trở thành võ sĩ boxing số 1 Việt Nam.

Cô gái boxing và khoản vay 2 triệu đồng - Ảnh 1.

Là võ sĩ số 1của boxing Việt Nam, mục tiêu củaTâm là giànhvé dự OlympicParis 2024 - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Năm 2022 là một năm thành công với Nguyễn Thị Tâm khi cô giành HCV Đại hội thể thao toàn quốc, HCV SEA Games 31, HCV Giải vô địch châu Á và lần đầu tiên vào tốp 10 VĐV xuất sắc nhất cả nước.

Bỏ điền kinh để chơi boxing

* Tâm đã đến với boxing như thế nào?

- Gia đình tôi làm nông ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tôi là con thứ hai, không có ai trong gia đình từng tập luyện thể thao.

Khi học tiểu học, tôi đã chơi bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh, bóng bàn... ở trường và có đi thi các cuộc thi ở huyện. Tôi được HLV đội Công An Nhân Dân tuyển chọn theo tập điền kinh trong 2 năm.

Năm 2009, tôi từ bỏ điền kinh vì thấy khắc nghiệt quá. Tình cờ tôi được các thầy ở đội boxing Hà Nội đưa vào đội tập luyện. Lúc đầu đến đội, thấy các anh chị tập luyện cực khổ, đấm đá kinh quá nên tôi rất sợ và tưởng đã bỏ cuộc.

Thế nhưng các HLV đã động viên nên tôi ở lại và gắn bó luôn đến nay.

Từng nghĩ đến chuyện chia tay boxing

* Boxing so với điền kinh và các môn khác thì thế nào?

- Boxing tập rất cực khổ nhưng được tập ở trong nhà, không chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt. Dù vậy, tôi từng có ý định nghỉ tập vì vào giải vô địch quốc gia đến trận chung kết lại bị xử thua dù đánh tốt hơn đối thủ. Năm 2016, tôi dự giải boxing Let's Việt và bị xử thua rất oan ức ở trận chung kết.

Rời nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, thầy Nguyễn Như Cường dắt tôi về, cả hai thầy trò đều rơi nước mắt. Sau hôm đó, tôi viết đơn gửi thầy xin chia tay boxing.

Các thầy khi đó động viên tôi cố tập thêm một năm, nếu tôi vẫn bị xử thua thì rời đội cũng chưa muộn. Tôi vô địch hạng cân 51kg Giải vô địch quốc gia từ năm 2017 đến nay. Cũng trong năm 2017, tôi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia.

* Thành công của Tâm như thế nào?

- Năm 2017, tôi giành HCV châu Á nhưng có người nói tôi may mắn. Tại SEA Games 30 ở Philippines, tôi lần đầu dự SEA Games và đối thủ trong trận chung kết của tôi là VĐV nước chủ nhà.

Trước giờ thi đấu, ban tổ chức không có xe đến đón thầy trò tôi ra nhà thi đấu khiến thầy phải chạy đi thuê xe. Ở trên xe, thầy Cường và chuyên gia cuốn băng tay cho tôi, lúc đến nhà thi đấu chỉ kịp đeo găng là lên đài.

Vượt qua áp lực của khán giả nhà, tôi đã giành HCV. Lúc ấy, tôi đã khóc vì sung sướng, nghĩ đến những ngày "cơm chan nước mắt" khi tập luyện và bao áp lực tôi phải vượt qua.

* Là võ sĩ boxing số 1 Việt Nam, chuyện lương bổng của Tâm thế nào?

Nếu được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, tôi sẽ được hưởng 270.000 đồng/ngày. Giai đoạn này, do đội tuyển quốc gia chưa tập trung, tôi trở về Hà Nội tập luyện và tiền công là 180.000 đồng/ngày, một tháng được khoảng 5 triệu tiền lương.

Cô gái boxing và khoản vay 2 triệu đồng - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Tâm (thứ hai từ trái sang) tập thể lực cùng đội nữ boxing Hà Nội - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Tâm và chuyện con lợn giống thoát nghèo

* Có bao giờ Tâm từng nghĩ mình sẽ trở thành một võ sĩ boxing nổi tiếng?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình trở thành VĐV boxing nổi tiếng. Tôi chỉ nghĩ làm cái gì thì cũng phải nỗ lực hết sức để có tiền lo cho bản thân và gia đình.

Khi xưa nhà tôi rất nghèo, có thời gian bố mẹ phải ly tán và anh em mỗi đứa một nơi. Tôi lúc đó chỉ ước mình đi làm kiếm được tiền, lo được cho cha mẹ. Bao năm qua tôi đi tập khi có tiền lương, thưởng huy chương là tôi đưa hết cho bố mẹ để lo liệu cuộc sống.

Sau SEA Games 31, có được ít tiền, tôi đã sửa nhà cho bố mẹ, đó là món quà lớn nhất tôi đã làm.

* Cái nghèo có khiến Tâm nản chí?

- Ở giai đoạn đầu đi tập boxing, lương của tôi chỉ có vài trăm ngàn mỗi tháng. Năm 2010, tôi đánh liều hỏi HLV để xin vay thầy 2 triệu đồng để lấy tiền mua con lợn giống về cho bố mẹ nuôi.

Khoản tiền quý giá đó của thầy đã giúp gia đình tôi có được một con lợn giống, sau này nó đẻ ra một đàn con nhỏ. Bố mẹ tôi gây giống và giờ đã có 7-8 con lợn giống để phát triển chăn nuôi. Bố tôi từ ngày nuôi lợn không còn phải đi phụ hồ, mẹ tôi cũng không phải đi cấy thuê nữa.

Sợ nhất bị thương ở mặt!

* Lúc lên sàn đấu, Tâm có tâm lý căm ghét và muốn hạ gục đối thủ hay không?

- Không. Mục tiêu của tôi là đánh bại đối thủ để chiến thắng. Rời sàn đấu, chúng tôi là bạn của nhau. Tôi không bao giờ mang cảm xúc cá nhân lên sàn đấu.

* Là con gái, chơi môn thể thao "bạo lực" như boxing, bị đánh đấm liên tục vào mặt vào người, Tâm có sợ không?

- Khi tập tôi thường xuyên bị đấm bầm mắt, chảy máu môi không ăn nổi. Nhưng đau thì vẫn phải tập chứ không có chuyện nghỉ. Đau thì chườm đá, mua trứng về luộc rồi chườm. Môi chảy máu không ăn nổi thì vẫn phải cố ăn.

Là con gái, tôi sợ nhất là bị chấn thương trên mặt mà chơi boxing lại toàn bị đấm vào mặt. Tôi sợ nhất là bị trật khớp vai, bởi nếu bị thì không đấu đỉnh cao được nữa.

* Tâm đã được vào biên chế chưa?

- Năm 2019 tôi có tên trong danh sách VĐV, HLV xuất sắc của thể thao Hà Nội được xét vào biên chế. Dù vậy, thời điểm đó tôi còn 2 tháng nữa mới tốt nghiệp đại học. Tôi bị lỡ mất cơ hội này và đến nay vẫn chưa được vào biên chế.

Tôi rất... nhát!

* Trên võ đài Tâm là người kiên cường và mạnh mẽ, ngoài đời bạn thế nào?

- Tôi rất ít nói, nhất là với người lạ. Ra ngoài đường ít khi tôi kể mình là VĐV boxing bởi chỉ muốn mình là người bình thường.

* Bạn đã bao giờ phải dùng nắm đấm ở ngoài đời chưa?

- Tôi là người rất nhát, chưa bao giờ đánh nhau.

* Ngoài boxing, Tâm còn đam mê gì khác?

- Với tôi, đam mê nhưng phải thực tế, phải lo được cho cuộc sống của mình. Tôi hài lòng với những gì mình đã làm được nhưng cũng lo sau khi giải nghệ mình có vào được biên chế không, có công việc ổn định để sống không.

Ngoài boxing, tôi thích kinh doanh, từng mơ ước mở cửa hàng ăn bởi tôi rất thích nấu ăn. Tôi nấu được đủ món, thích nhất là món vịt om sấu và lẩu Thái.

* Dự định và mơ ước trong tương lai của Tâm là gì?

- Hiện tôi còn thiếu huy chương Giải vô địch thế giới và Olympic. Tôi đang nỗ lực để giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Sau Olympic, nếu có cơ hội thì tôi muốn tham dự 1-2 giải đấu nhà nghề.

Đôi nét về VĐV Nguyễn Thị Tâm

Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm sinh năm 1994 tại tỉnh Thái Bình và hiện là VĐV xuất sắc nhất của boxing VN, thi đấu ở hạng 50kg, 51kg.

Tâm tập boxing từ năm 15 tuổi, trong màu áo Hà Nội. Năm 2017, cô lần đầu vô địch quốc gia và có tên trong danh sách tập trung đội tuyển boxing VN.

Tâm từng giành 2 HCV SEA Games vào các năm 2019, 2022. Cô cũng giành 2 HCV Giải boxing vô địch châu Á vào các năm 2017, 2022.

Năm 2021, Tâm đã giúp boxing nữ VN giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo.

Trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu của thể thao VN năm 2022, Nguyễn Thị Tâm là một trong 10 VĐV xuất sắc nhất.

Tâm có tố chất đặc biệt

HLV trưởng đội tuyển boxing nữ VN Nguyễn Như Cường, người trực tiếp huấn luyện Tâm, cho biết : "Tâm là VĐV có tố chất đặc biệt với boxing từ thể hình, thể lực. Cô có ý chí, nghị lực kiên cường, khao khát vượt khó mãnh liệt.

Muốn có vé tham dự Olympic Paris 2024, trong năm 2023 Tâm sẽ phải giành thành tích cao tại Giải vô địch thế giới và Asiad 19".

Nguyễn Thị Tâm hạ tay đấm Nhật từng có HCĐ OlympicNguyễn Thị Tâm hạ tay đấm Nhật từng có HCĐ Olympic

TTO - Ngày 11-11, vận động viên Nguyễn Thị Tâm xuất sắc đánh bại đối thủ Tsukimi Namiki (Nhật Bản) để giành huy chương vàng Giải boxing vô địch châu Á 2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên