08/08/2008 04:15 GMT+7

Có được lập di chúc tài sản chung?

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

TT - Cha tôi lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho anh hai, trong đó có cả căn nhà được tạo lập thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ do cha tôi đứng tên. Vậy xin hỏi mẹ tôi có quyền gì đối với căn nhà đó không? Trần Thị Lâm (Bình Tân, Tp.HCM)

- Khoản 2 điều 27 Luật hôn nhân gia đình quy định trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng. Tuy nhiên, theo điểm b khoản 3 của nghị quyết số 02/2000/HĐTP ngày 23-12-2000 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng thì có hai tình huống:

1. Nếu không có tranh chấp thì coi đó là tài sản chung của vợ chồng;

2. Nếu có tranh chấp thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này là tài sản được thừa kế, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng.

Do đó, tuy căn nhà chỉ đứng tên cha bạn nhưng nếu cha bạn không chứng minh được căn nhà này là tài sản riêng thì vẫn là tài sản chung. Về nguyên tắc, cha bạn chỉ được quyền lập di chúc định đoạt 1/2 căn nhà thuộc sở hữu của cha bạn và 1/2 căn nhà còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn.

Cần lưu ý với bạn là theo điều 669 Bộ luật dân sự, những người sau đây là những người thừa kế đương nhiên, dù di chúc có chia cho tài sản hay không: con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại di chúc. Những người này được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên