Bạo loạn sân cỏ ở Ai Cập, 79 người chết
Phóng to |
Cảnh sát bị các cổ động viên cho là đã làm ngơ trước vụ bạo loạn - Ảnh: Reuters |
Nhóm cổ động viên Ultra của Al-Ahly - vốn nổi tiếng quá khích - cho rằng cảnh sát bình thường vốn rất cứng rắn nhưng khi xảy ra sự cố đã không có những động thái cần thiết và làm ngơ để cho nhóm cổ động viên đối thủ xông vào đánh, giết họ. Nhóm Ultra cũng cho rằng lý do cảnh sát làm ngơ để họ bị giết là vì nhóm luôn đứng đầu trong các cuộc biểu tình, đầu tiên là chống ông Mubarak và giờ đây là với chính quyền hiện tại.
Từ lâu cổ động viên hai đội Al-Masry và Al-Ahly rất ghét nhau. Một số cổ động viên Al-Ahly đã trưng các banner khiêu khích cổ động viên chủ nhà. Và điều này dường như trở thành cái cớ để cho nhóm cổ động viên Al-Masry tràn vào sân sau trận đấu rồi đâm, chém và giết các cổ động viên Al-Ahly. |
Nhóm cổ động viên của Al-Ahly quay trở lại Cairo, đem theo nhiều thi thể để thực hiện ma chay. Một cổ động viên Al-Ahly cho biết thi thể bạn anh đã bị khắc tên thành phố Port Said lên người. Điều này đã gây phẫn nộ cho người thân của những nạn nhân. Họ, cùng với những cổ động viên bị thương, đầm đìa nước mắt cũng bắt đầu đổ xuống đường biểu tình, đụng độ với cảnh sát.
Cuộc đụng độ bắt đầu bằng một cuộc diễu hành ôn hòa từ trụ sở của đội Al-Ahly nhưng sau đó dần dần đám đông 10.000 người bắt đầu nổi giận khi đến bên ngoài Sở Nội vụ gần quảng trường Tahrir, nơi đã xảy ra cuộc biểu tình chống ông Mubarak năm ngoái.
Sau khi chứng kiến cảnh đẫm máu trên sân cỏ, hai cầu thủ của Al-Ahly và cũng là tuyển thủ Ai Cập Mohamed Aboutrika cùng Emad Moteab đã tuyên bố giải nghệ. HLV người Bồ Đào Nha Manuel Jose của Al-Ahly đã trở về quê nhà và đang cân nhắc khả năng quay lại làm việc tại Ai Cập. Ông kể rằng đã bị đấm, đá túi bụi trước khi thoát được. Trợ lý HLV Pedro Barny cho biết cảnh sát đã không có các biện pháp cần thiết. Trong khi đó HLV người Mỹ Bob Bradley chưa đưa ra quyết định cuối cùng liệu có tiếp tục dẫn dắt tuyển Ai Cập hay không. |
Bắt đầu từ một trận bóng đá, giờ đây nhóm biểu tình hô vang những khẩu hiệu đòi một lần nữa đổi chính quyền.
Còn tại chính thành phố Port Said, Sở cảnh sát cũng bị chính các cổ động viên của đội Al-Masry bao vây với hai mục đích, nhằm khẳng định họ không dính vào vụ bạo loạn và quan trọng hơn là lên tiếng phản đối lực lượng an ninh đã để xảy ra vụ thảm sát.
Trong khi đó vài ngàn người đã tuần hành tiến vào Sở chỉ huy an ninh tại Suez, ở phía nam kênh đào Suez và ném bom xăng vào đây. Được biết một trong số những cổ động viên bị giết có quê ở thành phố này. Cảnh sát đã phải xịt hơi cay vào đám đông khiến họ tan rã nhưng ngay sau đó đám đông tập trung trở lại.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các quan chức cao cấp tại thành phố Port Said và một số thành viên trong Liên đoàn Bóng đá Ai Cập đã bị sa thải. Đất nước này cũng tuyên bố ba ngày quốc tang.
Sepp Blatter yêu cầu Ai Cập giải trình vụ việc Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter đã ngay lập tức viết một lá thư đến chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ai Cập yêu cầu giải trình về sự việc. Ông Blatter viết: "Hôm nay là một ngày đen tối của bóng đá thế giới và chúng ta phải có những biện pháp để đảm bảo những điều tương tự không bao giờ xảy ra. Bóng đá là động lực cho cái tốt và chúng ta không để những kẻ xấu lạm dụng nó. Tôi chờ những giải trình về toàn bộ thảm kịch này". Trong khi đó FIFA ra tuyên bố chính thức: "FIFA đã yêu cầu những nhà chức trách Ai Cập báo cáo đầy đủ sự việc đã xảy ra". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận