04/05/2011 05:20 GMT+7

"Cổ đông" thanh niên

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - “Ở xứ trồng lúa bạt ngàn thế này mà để mình chịu nghèo và thanh niên chịu nghèo thì bỏ xứ đi cho rồi!”. Điều đó làm Lê Văn Tuấn - bí thư chi đoàn ấp Mỹ Điền, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười - ray rứt.

8Og4PLDc.jpgPhóng to

Máy gặt đập liên hợp của “doanh nghiệp” chi đoàn Mỹ Điền trên cánh đồng huyện Tháp Mười - Ảnh: THANH TÚ

Và Tuấn bày đủ trò, nghĩ đủ chuyện. Thấy cảnh đến mùa gặt thiếu nhân công, Tuấn nghĩ: sao không rủ đoàn viên trong ấp hùn tiền mua máy gặt đập liên hợp về gặt lúa cho bà con, vừa có lợi cho nông dân mà anh em lại có thu nhập! Thế là “doanh nghiệp” thu hoạch lúa thuê của chi đoàn Mỹ Điền ra đời từ năm 2008. Đến nay đã có gần 20 thanh niên tham gia tổ hợp, vừa là chủ vừa là công nhân.

Hùn hạp mua máy gặt

Giải thưởng Lương Định Của

Ghi nhận những đóng góp của Tuấn trong việc gầy dựng, lèo lái tổ hợp tác, năm 2008 Trung ương Đoàn đã trao giải thưởng Lương Định Của, và ngày 26-3 vừa qua Tỉnh đoàn Đồng Tháp cũng tặng giải thưởng Nguyễn Thị Thu cho Lê Văn Tuấn.

Tháng tư ở miền Tây trời nắng như đổ lửa. Bốn chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cày chở lúa của chi đoàn ấp Mỹ Điền xuôi ngược trên cánh đồng xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười. Hơn 20 thanh niên khỏe mạnh chia nhau mỗi người một việc, người lái máy gặt đập, người hứng lúa vô bao, người may miệng bao lúa, người vác lúa chất lên xe máy cày chở tới nơi tập kết bán cho thương lái. Tất cả cần mẫn như đàn kiến chăm chỉ.

Bí thư chi đoàn Lê Văn Tuấn kể ngày trước mỗi lần đến mùa thu hoạch, lúa chín vàng đồng bà con nông dân tìm đỏ mắt không kiếm đâu ra đủ người để cắt. Vì thu hoạch trễ, lúa rụng đầy ruộng nên ai cũng sốt ruột. Người dân xứ khác đến làm thuê thì kém nhiệt tình. Ai có lúa bị ngã nằm bẹp dưới ruộng thì lập tức bị nhân công cắt lúa “làm giá” đòi tăng tiền thêm mới chịu cắt.

Gia đình Tuấn cũng nhiều lần khốn khổ vì không tìm ra công gặt lúa như nhiều nông dân khác, nên anh luôn mơ ước nhà mình có chiếc máy gặt đập liên hợp để khỏi “lụy” công cắt lúa. Nhưng lúc đó loại máy này rất ít và giá rất cao nên ý nghĩ đó chỉ là... ý nghĩ.

Năm 2007, vừa học xong nghề cơ khí thì Tuấn được bầu làm bí thư chi đoàn ấp. Tuấn nghĩ: “Một mình không đủ khả năng mua máy gặt đập liên hợp nhưng cả chi đoàn thì có thể làm được. Không thể ngồi bó gối nhìn lúa chín đầy đồng mà không có công thu hoạch hoài như vậy được!”.

Tuấn nói chuyện này với đoàn viên thanh niên trong ấp, mọi người đồng ý nhưng hỏi: “Tiền đâu mua?”. Tuấn quả quyết: “Bạn nào có tiền thì đóng góp vô, thiếu bao nhiêu mình tìm cách vay ngân hàng”.

Về nhà, Tuấn thuyết phục gia đình cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn. Cuối cùng ý định của Tuấn và chi đoàn trở thành hiện thực: chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên của xã trị giá 180 triệu đồng cũng lăn bánh về tới ấp Mỹ Điền. Tuấn bảo: “Đây là tài sản của bảy đoàn viên thanh niên, trong đó có bốn người nghèo không có vốn được chi đoàn bảo lãnh vay vốn tín chấp hùn vô”.

Thu nhập 50 triệu đồng/người/năm

Nông dân tín nhiệm

Ông Nguyễn Văn Năm, nông dân ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, cho biết mấy năm nay ông đều thuê “doanh nghiệp” của chi đoàn ấp Mỹ Điền thu hoạch lúa vì anh em làm nhiệt tình, hiệu quả. “Tụi nhỏ chí thú làm ăn và uy tín nên bà con ai cũng thương” - ông Năm nói.

Từ bảy thành viên ban đầu, sau hai năm hoạt động “doanh nghiệp” của chi đoàn Mỹ Điền đã có 18 “cổ đông” góp vốn mua được hai máy gặt đập liên hợp và hai máy cày dùng chở lúa từ ruộng về nhà dân. Tổng số vốn đầu tư vào “doanh nghiệp” này tính bằng tiền trăm triệu - một số tiền rất lớn đối với thanh niên nông thôn.

Hỏi hiệu quả, Tuấn nhẩm tính: “Mỗi năm làm lúa ba vụ, mỗi vụ hai máy gặt được 400ha. Giá thu hoạch hiện nay 1,6 triệu đồng/ha thì chúng tôi thu về 640 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 50%, mỗi thành viên góp vốn được chia 17 triệu đồng/vụ, tức khoảng 50 triệu đồng/năm”. Năm thanh niên của chi đoàn trước đây thuộc diện hộ nghèo nay đã thoát nghèo mà túi tiền lúc nào cũng rủng rỉnh.

Mặc dù thu nhập khá từ nghề gặt lúa thuê nhưng Tuấn và anh em trong chi đoàn vẫn chưa hài lòng. “Chúng tôi muốn mở rộng cho nhiều thanh niên khác tham gia để có nhiều máy hơn, gặt nhiều hơn, thu nhập cao hơn nữa” - Tuấn bộc bạch.

Bước đầu “doanh nghiệp” của Tuấn đưa máy gặt đập liên hợp sang các huyện khác trong tỉnh để gặt thuê, thậm chí lên tới huyện biên giới Hồng Ngự để làm.

Bí thư Huyện đoàn Tháp Mười Nguyễn Tiến Nhanh nói mô hình “doanh nghiệp” của chi đoàn Mỹ Điền là một cách tập hợp thanh niên rất hiệu quả vì đem lại quyền lợi thiết thực cho họ. Tham gia làm thuê với Tuấn, thanh niên không chỉ có việc làm ổn định mà còn tăng thu nhập, có tích lũy cho gia đình.

“Tôi tin tới đây “doanh nghiệp” này sẽ phát triển mạnh hơn, thu hút nhiều thanh niên tham gia. Mô hình làm ăn của anh em rất phù hợp với xu thế cơ giới hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn nên chắc chắn sẽ lớn mạnh bền vững”- anh Nhanh nhận xét.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên