31/10/2016 12:07 GMT+7

Có đi phải có lại

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Một khi có thêm loại thuế mới, khoản đóng góp từ thuế trực thu vào ngân sách ngày càng tăng lên, chắc chắn sự đòi hỏi và giám sát tính hiệu quả của sử dụng vốn ngân sách sẽ cao hơn rất nhiều.

Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu để đánh thuế người có nhiều nhà. Việc thu thuế ra sao còn tùy vào luật thuế được ban hành nhưng đây là những dấu hiệu cho thấy người dân phải dần quen với những loại thuế đánh vào túi tiền của từng cá nhân, bên cạnh thuế thu nhập cá nhân đã áp dụng lâu nay.

Việc áp đặt các loại thuế trực thu, trong đó có thuế đánh trên tài sản cá nhân, đã được nhiều nước áp dụng, chứ không hẳn khi ngân sách nhà nước khó khăn mới xới ra.

Điều này phù hợp với hội nhập khi lộ trình cắt giảm các loại thuế, trong đó có thuế xuất nhập khẩu - một loại thuế gián thu, ngày càng dồn dập khiến nguồn thu này giảm đi đáng kể và phải thay vào đó là thuế trực thu.

Khi thuế đánh vào túi tiền cá nhân nhiều hơn, phản ứng của người nộp thuế cũng đa dạng hơn.

Như người nộp thuế thu nhập cá nhân từng có suy nghĩ và yêu cầu công chức nhà nước phải có thái độ phục vụ tốt hơn nữa vì họ cho rằng một phần tiền lương mà công chức đang được chi trả có phần đóng góp của họ.

Cao hơn, rộng hơn, người dân còn được quyền được biết về hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, không thể chấp nhận tiền đó được đổ vào các dự án thua lỗ hay bị thâm lạm do chi tiêu ngân sách lãng phí.

Bất kỳ nhà nước nào cũng thấu hiểu những bức xúc này của người dân và phải tính toán, công khai tới từng đồng tiền chi tiêu ngân sách.

Nhưng công khai phải là thực chất, chính xác, còn công khai ngân sách nhưng số liệu hư hư ảo ảo, hiểu sao cũng được chắc chắn sẽ không được chấp nhận.

Trong các con số phản ánh luồng di chuyển tiền tệ của một quốc gia thì các con số thu chi ngân sách và nợ nần chính phủ là phức tạp nhất. Rất dễ để cho các khái niệm bị đánh tráo trong bài toán thu chi ngân sách và sử dụng tiền thuế của dân.

Chẳng hạn như lập luận nếu không dùng tiền ngân sách giải cứu nhóm lợi ích này hay doanh nghiệp kia thì cả nền kinh tế sẽ bị khó khăn, trì trệ và cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng theo.

Do vậy cần phải dùng tiền ngân sách để giải cứu ngành X, doanh nghiệp Y thì tình hình kinh tế mới tốt hơn lên được.

Nghe có lý quá đi chứ. Nhất là khi các nhóm lợi ích lại có nhiều công cụ và nguồn lực trong tay để tạo ra các lý lẽ và tác động đến chính sách.

Trong bối cảnh tới đây người dân phải trả thêm loại thuế như thuế tài sản mà đồng tiền của họ lại bị đánh tráo như thế thì nguyên tắc công bằng, điều tiết của thuế không còn nhiều ý nghĩa.

Do vậy, rất cần những chủ trương mạnh tay, kiên quyết hơn để loại bỏ nguy cơ tiền ngân sách sử dụng không hiệu quả như Chính phủ đã chủ trương kiên quyết không đổ tiền cứu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ...

Sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân là yêu cầu thường xuyên. Nhưng một khi có thêm loại thuế mới, khoản đóng góp từ thuế trực thu vào ngân sách ngày càng tăng lên, chắc chắn sự đòi hỏi và giám sát tính hiệu quả của sử dụng vốn ngân sách sẽ cao hơn rất nhiều.

Điều đó cũng đặt Chính phủ bên cạnh xây dựng, đề xuất để Quốc hội thông qua loại thuế mới cũng phải trăn trở nhiều hơn nữa, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện những giải pháp sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân. Có đi có lại như thế, người nộp thuế không thấy bức xúc khi làm nghĩa vụ thuế.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên