13/06/2015 09:25 GMT+7

Có chỉ huy cả chiều dọc và chiều ngang chương trình SGK mới

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 13-6.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Vì sao một trường ĐH lớn 8 tháng không hiệu trưởng: Vẫn chưa có câu trả lời

Mặc dù băn khoăn của đại biểu Bùi Thị An về việc “một trường ĐH lớn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không hiểu lý do gì mà tám tháng không có hiệu trưởng đã được đặt ra trong câu hỏi cuối giờ chiều 12-6, nhưng trong thời gian trả lời sáng nay, bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng không đả động gì đến câu chuyện nhân sự khá kỳ lạ này.

Trong phần trả lời được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là “bộ trường nói rất mượt mà, mềm mại”, ông Luận ưu tiên đi vào trả lời theo nhóm câu hỏi, chứ không trả lời từng câu hỏi của đại biểu.

Với câu hỏi liên quan đến biên soạn chương trình- sách giáo khoa mới, ông Luận cho rằng ở các nước phát triển có các cán bộ, chuyên gia chuyên nghiệp trong công việc làm sách. Trong khi đó, các lần đổi mới chương trình SGK trước đây và ngay cả lần này cũng vậy, ngành giáo dục phải huy động đội ngũ cán bộ, thầy cô có kinh nghiệm tham gia xây dựng, biên soạn.

Theo đó, hiện đã huy động được 200 nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài lĩnh vực tham gia biên soạn và đã trải qua nhiều vòng đóng góp của các nhà giáo, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật…

“Ưu điểm của chương trình phổ thông mới là khắc phục được sự quá tải, kiến thức hàn lâm, chuyển chương trình học sang hướng phát triển năng lực cho học sinh”- ông Luận nhấn mạnh.

“Về vấn đề sách giáo khoa, tôi đồng ý cải tiến và viết lại SGK, nhưng nhạc trưởng của chương trình SGK là ai?”. Đáp lại câu hỏi này của đại biểu Bùi Thị An, bộ trưởng Luận cho biết trong lần đổi mới này sẽ có tổng chủ biên toàn bộ chương trình SGK và chủ biên từng cấp học, từng môn học, “chỉ huy theo cả chiều dọc và chiều ngang” để phân bổ chương trình “hài hòa, hợp lý, tránh sai sót”.

Trong khi một số đại biểu tỏ ra hào hứng với phương án tuyển sinh riêng của đại học quốc gia Hà Nội và cho rằng đây là phương án thu hút đến 45.000 thí sinh đăng ký dự thi, giúp thí sinh không phải trải qua nhiều ngày, nhiều bài thi mà chỉ cần làm một bài thi đánh giá năng lực duy nhất trên máy tính và ngỏ ý hỏi bộ trưởng xem có thể nhân rộng hay không thì bộ trưởng Luận lại tỏ ra khá… bình tĩnh trước phương thức thi mới này.

Ông Luận cho biết hiện có hơn 150 trường thực hiện đề án tự chủ tuyển sinh và đại học quốc gia Hà Nội chỉ là một trong số đó. Ông Luận cho rằng đợt thi tuyển sinh thứ nhát của trường này đã kết thúc phần chấm thi, nhưng chưa thể khẳng định kết quả cuối cùng vì những thí sinh này vẫn phải vượt qua kỳ thi THPT quốc gia, được công nhận tốt nghiệp thì kết quả thi vào ĐHQG HN mới có ý nghĩa.

Theo đó, chỉ khi kết thúc toàn bộ quy trình tuyển sinh, ĐHQG HN có báo cáo tổng thể thì Bộ GD-ĐT mới có thể cùng ĐHQG HN xem xét đến phương án hoàn thiện. Riêng việc nhân rộng mô hình, ông Luận không nhắc đến vai trò chủ trì của bộ như với kỳ thi chung mà hàm ý “hữu xạ tự nhiên hương”: tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, nên nếu phương án của nhà trường tốt thì sẽ lan tỏa trong tương lai.

Việt Nam không làm giống các nước được!

“Qua theo dõi trả lời của Bộ trưởng về tình trạng SV ra trường không có việc làm và việc đào tạo nguồn nhân lực bất cập với nhu cầu sử dụng ... theo tôi còn có nguyên nhân là do bộ GD-ĐT quá đặt nặng vấn đề thi cử ở khâu đầu vào của các trường CĐ-ĐH. Xin hỏi ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này? Bộ trưởng sẽ làm gì để quản lý chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường CĐ-ĐH để đảm bảo việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu sử dụng của XH?”- đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đặt vấn đề.

Kết hợp trả lời câu hỏi này của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương và một câu hỏi tương tự về việc “siết đầu vào, lỏng đầu ra” từ một đại biểu khác, ông Luận trần tình trong thời gian dài, quản lý hành chính nói chung quá nặng dẫn đến tư duy quan liêu, bao cấp.

“Trước đây, đúng là chúng ta quản lý rất chặt đầu vào. Trong giáo dục cũng chú trọng các yếu tố cho tuyển sinh đầu vào, rồi hồ sơ, mà sau đó đầu ra chưa được chú trọng. Chúng ta đang chuyển hướng mạnh, tách quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ra khỏi quản trị của nhà trường”- ông Luận nói.

Theo ông Luận, Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục sẽ đi theo hướng chú trọng quản lý đầu ra, nhưng VN cũng không thể làm như các nước để xảy ra tình trạng sinh viên “ra được thì ra”.

Theo nhận định của ông Luận, Việt Nam khác các nước, không thể làm như các nước được. Bởi lẽ để cho con đi học, ông bà bố mẹ phải bán bò, bán lợn, nên không thể nói đơn giản ra trường được thì ra, không ra được thì thôi.

Sẽ rút kinh nghiệm tổ chức tốt cụm thi vào năm sau

Đại biểu Đặng Kim Chi  đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết việc chọn địa điểm tổ chức cụm thi trong kì thi THPT Quốc gia dựa trên cơ sở nào? Đại biểu này cho biết tỉnh Phú Yên có hai trường ĐH nhưng cụm thi thì lại đặt ở tỉnh Khánh Hòa. Việc bắt buộc thí sinh ở Phú Yên phải thi ở cụm Khánh Hòa khiến nhiều em phải đi chặng đường xa hơn so với việc các em có thể được dự thi ở cụm thi lân cận khác.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích cả nước có 38 cụm thi, nên sẽ có khoảng 30 tỉnh không có cụm thi. Theo nguyên tắc đặt ra thì mỗi cụm thi phải có học sinh của hai tỉnh, thành phố. Vì vậy sẽ có những thí sinh phải đi thi xa hơn.

“Bộ GD-ĐT đều có nhiều cuộc làm việc với các tỉnh, để lựa chọn cụm thi trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, đồng thời đảm bảo an toàn cho kì thi”, ông Luận cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, không có quy định cững nhắc việc thí sinh chỉ được thi ở một cụm quy định. Mà tùy theo tình hình thực tế, có thể cho phép  một bộ phận thí sinh được đăng kí ở cụm thi gần hơn so với cụm được chỉ định. Cụ thể nếu Phú Yên có ý kiến đề nghị về Bộ GD-ĐT thì Bộ hoàn toàn có thể cho phép một bộ phận thí sinh ở đây được chuyển về dự thi ở cụm gần hơn so với cụm thi ở Khánh Hòa. “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện tốt vào năm sau, còn năm nay khi kì thi đã tới gần thì không thể thay đổi được nữa”, ông Luận nói.

 Tin tưởng nhưng vẫn lo lắng

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Với 23 câu hỏi được Bộ trưởng  Bộ GD-ĐT trả lời và một số câu hỏi khác gửi trực tiếp cho Bộ trưởng cho thấy các câu hỏi rất tập trung, sâu sắc, phản ánh những băn khoăn, lo lắng của cử tri cả nước.

Ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là báo cáo với cử tri cả nước về tiến trình thực hiện những nội dung đã có chủ trương. Qua đây cho thấy vẫn còn rất nhiều lo lắng như việc biên soạn SGK ai là nhạc trưởng, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thế nào để đảm bảo việc thực hiện, chất lượng giáo dục sau khi thực hiện chương trình SGK mới sẽ thế nào, có phù hợp với quá trình đổi mới và yêu cầu hội nhập quốc tế không, làm thế nào để đào tạo kịp thời giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới này, kì thi THPT quốc gia có thực sự tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo công bằng cho thí sinh không, việc đổi mới đáng giá học sinh có gây khó khăn cho giáo viên không, giải pháp tháo gỡ thế nào.

Ngoài ra nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu đặt ra như bạo lực học đường gia tăng…Tất cả những vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời, thể hiện sự  bám sát thực tiễn giáo dục.

“Bộ trưởng cũng đã đưa ra những cam kết, như việc không gây sốc cho người dân, học sinh. Quốc hội ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng nhưng dù tin tưởng thì vẫn còn tâm trạng lo lắng. Tin tưởng nhưng vẫn lo lắng”, Ông Hùng nhấn mạnh.

Nói về các nội dung đổi mới giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận những cố gắng của Bộ GD-ĐT nhưng  “Quốc hội sẽ phải chờ đợi kết quả thực hiện như thế nào thì mới có thể có những đánh giá đầy đủ”.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên