29/10/2021 09:46 GMT+7

Cơ cấu lại nền kinh tế, bài toán ứng phó đại dịch và quản trị quốc gia

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Hôm nay (29-10), dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ được trình ra Quốc hội, đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động lớn của dịch bệnh với yêu cầu sớm có cơ chế, chính sách để phục hồi tổng thể.

Cơ cấu lại nền kinh tế, bài toán ứng phó đại dịch và quản trị quốc gia - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị quốc gia - Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Thái Bình Phan Đức Hiếu - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với phục hồi, phát triển kinh tế, thích ứng với biến động và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

* Đặt trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động sâu sắc, theo ông, đâu sẽ là yếu tố tác động đến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với phục hồi tăng trưởng?

- Có 3 yếu tố, trước hết chúng ta đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Vì vậy, Việt Nam phải có sự bứt phá với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn so với mức bình quân 6,7% giai đoạn 2016- 2019.

Tiếp theo, tác động cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi tư duy kinh doanh, quản lý mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mới và thể chế mới. 

Yếu tố thứ ba là tác động dịch bệnh COVID dẫn đến thay đổi hành vi kinh tế, xã hội và quan hệ kinh tế quốc tế; chuyển dịch chuỗi, đa dạng quan hệ thương mại, chuỗi trong nước. 

Thực tế này đặt ra yêu cầu mới cho phát triển bao gồm: sức chống chịu, thích ứng, năng động, linh hoạt nền kinh tế và doanh nghiệp đòi hỏi nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây sẽ vừa là cơ hội vừa là những thách thức rất lớn cho chúng ta trong thời gian tới.

* Vậy các yếu tố ông vừa nêu cần nhìn nhận trong mối quan hệ tổng thể thế nào, đặc biệt trong phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả cần trên nguyên tắc nào?

- Cơ cấu lại nền kinh tế là tạo ra thay đổi nền tảng - cách thức điều hành để có cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng. Nguyên tắc phân bổ là khu vực, chủ thể nào có năng lực sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất thì phải có cơ hội để tiếp cận nhanh nhất, kịp thời và đầy đủ. Có nghĩa, nguồn lực phải được phân bổ theo thị trường chứ không phải qua cơ chế hành chính xin -cho.

Trong khi đó, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế là tổng hợp các biện pháp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, lao động… Do đó, cơ cấu lại nền kinh tế rõ ràng sẽ giúp cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng trong thực hiện mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế nhưng vẫn còn có sự thiếu phối hợp, việc tổ chức thực hiện chưa đầy đủ và kịp thời một số giải pháp hay dự báo về sự di cư, thiếu hụt lao động… 

Vì vậy, yêu cầu về năng lực quản trị quốc gia trở nên quan trọng hơn trong công tác dự báo, thích ứng, cần phải quyết định nhanh, chính xác vấn đề khó.

* Trong bối cảnh và cách tiếp cận mới như trên, ông thấy cách tiếp cận và nội dung kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế vừa được đưa ra đã bao quát được chưa?

- Tôi đánh giá cao nhiều giải pháp đã nêu trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với kế hoạch phục hồi kinh tế. Tuy vậy, cần thể hiện rõ nhiệm vụ và mục tiêu về nâng cao năng lực quản trị quốc gia. 

Yêu cầu cải cách thể chế hiện nay không chỉ là tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính mà còn năng lực quản trị quốc gia, như: năng lực dự báo, hiệu quả phối hợp, tính nhanh chóng và kịp thời, chủ động ra quyết định với chất lượng cao, tính thích ứng và ứng phó hiệu quả với biến động khó lường.

Thực tiễn cho thấy nguồn lực con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, là nền tảng cho chuyển đổi và quản trị sự thay đổi. Lợi thế về lao động giản đơn, giá rẻ để thu hút đầu tư trước đây dần trở thành điểm nghẽn cho tăng trưởng và phát triển. Đặc biệt, tình trạng di cư, vừa thừa, vừa thiếu lao động thời gian gần đây để tạo ra chất lượng lao động và hệ sinh thái cho người lao động. 

Trong dự thảo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, dù vấn đề lao động đã được đề cập là trọng tâm gắn với phát triển thị trường lao động, song tôi cho rằng nguồn nhân lực phải là một trọng tâm, một trụ cột riêng, cũng như bao gồm tổng thể giải pháp chung.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ nên rà soát, đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn vừa qua. Từ đó, cần thiết kế có cơ chế tổ chức thực hiện hiệu quả, đảm bảo rằng kế hoạch phải được thực hiện kịp thời, đúng thời hạn và đầy đủ.

Tờ trình của Chính phủ trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã chỉ ra 17/22 mục tiêu được hoàn thành. Có 22,7% mục tiêu không hoàn thành, gồm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Kỳ họp vì an sinh xã hội và phục hồi kinh tế Kỳ họp vì an sinh xã hội và phục hồi kinh tế

TTO - Củng cố mô hình phòng chống dịch mới, giải quyết vấn đề an sinh xã hội và phục hồi kinh tế phải là những nội dung trọng tâm của chương trình nghị sự của kỳ họp này.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên