28/02/2017 08:08 GMT+7

Chuyện về 26.000 cử nhân sư phạm dư dôi

VĨNH PHONG
VĨNH PHONG

TTO - Trong sư phạm, không phải cứ có thể dạy được học sinh phổ thông là có thể dạy được trẻ mầm non, mẫu giáo và ví von như dân gian thường nói “không phải cứ có vú là biết cho trẻ bú”!

Vừa qua, trước tình trạng có đến 26.000 cử nhân ngành sư phạm dư dôi, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chỉ đạo giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thiết kế chương trình đào tạo văn bằng hai cho những cử nhân này để làm giáo viên mầm non, nhằm bù đắp cho lực lượng này đang khủng hoảng thiếu.

Một số địa phương đã thực hiện việc này, tuy nhiên cách làm mang tính chắp vá, thiếu nghiên cứu và chưa có đánh giá xem chất lượng của công việc này. Mới đây, ĐH Sư phạm Hà Nội có dự thảo chuẩn bị lấy ý kiến của hội đồng thẩm định thông qua.

Trước sự việc như vậy, xuất hiện một số vấn đề chưa ổn cả cách tiếp cận xử lý vấn đề và kỹ thuật xử lý.

Trước hết, chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên căn cứ nào? Căn cứ theo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2009, chuẩn trình độ giáo viên mầm non chỉ là trình độ trung cấp.

Thực tế cho thấy hầu hết giáo viên mầm non có trình độ TCCN hoặc CĐ làm việc khá tốt. Với bản chất việc làm chỉ cần trình độ TCCN thì chỉ nên đào tạo ở trình độ trung cấp, không nhất thiết đào tạo trình độ ĐH vừa lãng phí vừa phi logic.

Nói cách khác, chương trình đào tạo nên xuất phát từ tiêu chuẩn nghiệp vụ của giáo viên mầm non để thiết kế trình độ và sau đó là chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, cử nhân sư phạm chưa có việc làm tốt nghiệp ở các ngành và chuyên ngành khác nhau (sư phạm toán, văn, giáo dục thể chất...) sẽ có kinh nghiệm, năng lực khác nhau, nhưng khi thiết kế chương trình cứng 54 tín chỉ sẽ gây ra sự không phù hợp với sự đa dạng của đối tượng người học...

Nguyên tắc thiết kế chương trình phù hợp với đối tượng người học là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong thiết kế chương trình... Vì thế chương trình thiết kế và tổ chức thực hiện cứng sẽ hoàn toàn không phù hợp với sự đa dạng của người học.

Từ đó, chính sách tưởng như nhân văn giúp một bộ phận người này lại có thể tác động tiêu cực lên chính các giáo viên mầm non tương lai, do không đủ năng lực để phục vụ học sinh mầm non.

Vấn đề được học văn bằng hai, học được, được dạy và dạy được rất thách thức và có thể vì muốn có việc làm của những cử nhân chờ việc này để có văn bằng hai, nhưng chưa chắc đã có động cơ, thái độ đúng đắn thương yêu trẻ, có khả năng dạy trẻ đàn hát, múa, chăm sóc có kỹ thuật cơ thể cho các bé... và vô hình trung chất lượng văn bằng hai thấp rất có thể lại ảnh hưởng đến chất lượng sự giáo dục trẻ mầm non.

Trong sư phạm, không phải cứ có thể dạy được học sinh phổ thông là có thể dạy được trẻ mầm non, mẫu giáo và ví von như dân gian thường nói “không phải cứ có vú là biết cho trẻ bú”!

Một bất cập nữa là chênh lệch giữa trình độ ĐH và CĐ, theo như dự thảo đề án có 9 tín chỉ khiến nhiều người nghi ngại về cơ sở khoa học của việc xây dựng chương trình...

Phải chăng các nhà thiết kế quên mất quyết định của Thủ tướng về khung trình độ quốc gia vừa ký vẫn chưa ráo mực?

Cuối cùng, theo tôi, không nên tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo văn bằng hai trình độ ĐH, mà chỉ cần xây dựng chương trình liên thông ngược để đào tạo trình độ trung cấp nhấn mạnh (năng lực thực hành) là đủ và hiệu quả.

VĨNH PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên