24/03/2010 04:12 GMT+7

Chuyện trong đêm Sài Gòn - Kỳ cuối: Công dân già nhất chợ đêm

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - “Bà cụ là người già nhất chợ đêm đó. Nhìn lụ khụ vậy nhưng vẫn còn xách được những túi hàng nặng vài chục ký lên xe đó nghen!” - chị Hà, một chủ tiệm cơm và là người cho thuê chỗ ngủ qua đêm tại chợ đầu mối Thủ Đức nói vậy.

ftuZnDwN.jpgPhóng to
Cụ Tư và chị Đỗ Thị Hoa trong một góc của đêm ở chợ đầu mối Thủ Đức - Ảnh: H.Lộc

Kỳ 1: Đêm lênh đênh Kỳ 2: Mẹ, con và đêm không nhà Kỳ 3: “Nữ hiệp” Ga Sài Gòn

Hơn 77 tuổi, tấm lưng còng, chân tay run rẩy, nhưng khi chợ đầu mối Thủ Đức vừa mở cửa đã thấy bóng cụ. Cụ tên Lê Thị Tư, được những cư dân buôn bán tại chợ đầu mối Thủ Đức gọi là bà Tư Trầu. Nhiều người ví cụ là “công dân già nhất chợ đêm”.

Đêm của người già

19 giờ, cả khu chợ lấp lánh ánh đèn. Tại một góc, sát lề đường đối diện khu A của chợ là “góc” của cụ Tư. Dưới ánh đèn điện, cụ trở nên lầm lũi và nhợt nhạt. Cụ Tư ngồi lọt thỏm giữa đống củ hành, túi đựng, hộp xốp, giữa chiếc võng sờn màu đất được móc vào gốc cây và cột đèn cao áp để tiện ngả lưng cho đỡ mỏi qua đêm. Cụ Tư tỉ mẩn nhặt từng củ hành, củ tỏi bỏ vào túi. Cụ kể: “Ở khu chợ đêm này cũng có mấy chị em cùng sống về đêm như tui nhưng đều kém tui dăm tuổi. Từ khi chợ đêm thành lập đã có tui rồi, có gì mới lạ ở chợ tui đều biết!”.

Lấy chợ đêm làm chốn mưu sinh, cụ Tư chọn cho mình công việc đi thu gom những củ hành, củ tỏi, các loại rau quả rời còn sót từ các giỏ cần xé hay trong xe hàng... ở các vựa rau củ quả. Cụ bảo mình già yếu chỉ mong mỗi tối nhặt nhạnh được vài ký hành tỏi kiếm ít đồng. Lúc mới đến chợ này cụ cũng xin đi cắt củ kiệu mướn nhưng khổ nỗi mắt mũi kém, sợ cắt phạm nên chủ vựa không đồng ý. Ngày trước, khi chưa thành lập chợ đầu mối Thủ Đức, cụ Tư buôn bán quanh khu vực cầu Ông Lãnh. Khi có chợ đầu mối Thủ Đức, cụ dịch chuyển từ Sài Gòn về đây “làm hàng” rồi nửa đêm mang ngược lên Sài Gòn bán lại.

Một ngày làm việc của cụ thường bắt đầu từ 14 giờ cho tới 10 giờ sáng hôm sau. Có mặt tại chợ đầu mối lúc 14 giờ khi chợ còn vắng, cụ đi mót tìm ở các sọt hàng của phiên chợ tối hôm qua. Đôi khi đó là những bịch hành, bịch tỏi, quả bầu, quả bí... Sau đó cụ tới lui các sạp lớn trong chợ giúp chủ sạp dọn dẹp hàng hóa để được “trả công” một ít. Cụ cười để lộ rõ ba chiếc răng còn lại đen nhánh: “Tối nay được gần 3 ký, nhiều hơn hôm qua một ít. Lượng hành này tui đã có mối đặt trước, chỉ việc mang tới cho họ là xong. Tối nào tệ lắm cũng phải kiếm được 2 ký hành tỏi, bán được 30.000-40.000”.

Hành trình cuộc sống

Mỗi khi đi nhặt nhạnh rau quả, gặp những túi xốp, chai lọ, báo... cụ Tư đều gom hết để cho một người phụ nữ kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai trong chợ. Đó là chị Đỗ Thị Hoa (40 tuổi). Cụ Tư kể giọng buồn buồn: “Tội nghiệp con nhỏ, nghe đâu lúc mới 5 tuổi bị bệnh nặng, lưỡi thụt vào trong nên khó nói chuyện. Nó một thân một mình thui thủi nhặt ve chai dành tiền gửi về quê cho mẹ”. Đáp lại tình cảm của cụ Tư, chị Hoa cũng nhặt những củ hành, trái bầu, trái bí... mang tới cho cụ.

Cụ Tư bảo nhà cụ ở Thanh Đa, Bình Thạnh. Sinh được cả thảy năm người con. Cụ lấy chồng từ năm 18 tuổi, hai vợ chồng bắt đầu lăn lộn kiếm sống ngoài chợ từ đó. Chồng cụ mất năm 42 tuổi vì căn bệnh xơ gan, lúc cụ mới tròn 38 tuổi.Tính ra cũng trên 50 năm lang bạt giữa sương gió Sài Gòn. Lấy chợ làm nhà, lấy đêm làm ngày. “Đi đêm đi hôm nguy hiểm lắm. Mấy lần bị bọn nghiện xì ke hỏi thăm. Nhiều hôm mưa giữa chợ, người ta nhanh chân chạy được, mình già cả chạy tới chỗ trú thì ướt cả người rồi cảm lạnh”, cụ tâm sự.

Hơn 21 giờ, chợ đêm bắt đầu ồn ào bởi tiếng người gọi nhau í ới, tiếng xe ra vào chợ. Với tay lấy ly cà phê đặc sệt, hớp một ngụm cho tỉnh ngủ cụ Tư thổ lộ: “Tui đi làm như vầy cả năm đứa con đứa nào cũng cản. Chúng tưởng tui cần tiền nên rủ nhau góp tiền hằng tháng để tui ở nhà. Mấy đứa van xin nhưng tui bảo ngày nào còn sống thì tao vẫn cứ đi. Ở nhà sinh bệnh tật. Ra chợ tui ăn được nhiều cơm hơn”.

Tảo tần cho tới giờ này, tài sản quý giá nhất và cũng là “đôi chân” của cụ là chiếc xe đạp mini cũ nát khóa chặt ngay gốc cây kề chỗ ngồi ngày này qua ngày khác. “Chợ rộng quá, sức già chân yếu mỗi khi có hàng chỉ việc chất lên là đi ngon ơ”. Ngày nào đến chợ đêm cụ cũng đẩy chiếc xe đạp ì ạch qua các sọt rác, các sạp bán rau quả mót “của thừa” người ta bỏ lại. Tất cả vật dụng như chăn, dầu gió, thuốc nhỏ mắt và một số loại thuốc... được cụ sắm đầy đủ và bỏ gọn vào một cái túi đề phòng gặp sự cố...

10 giờ đêm, cả khu chợ nhộn nhịp hẳn. Đủ loại xe ra vào với biển số khắp nơi. Mặc mọi âm thanh hỗn độn từ chợ, cụ Tư vẫn thản nhiên nằm lọt thỏm trong chiếc võng, quấn chăn bịt kín đầu. Tối nào cũng vậy, cụ tranh thủ chợp mắt một lúc để lấy sức trước khi tiếp tục “hành trình” nửa đêm về sáng. Ngủ khoảng hơn một giờ, cụ già 77 tuổi lại lụm cụm thức dậy mặc thêm cái áo mỏng, săm soi từng gói hàng nhỏ của mình để chuẩn bị chất lên chiếc xe quen quá giang về Sài Gòn.

Gần 0 giờ, cụ Tư tỉnh giấc. Xe tới. Lần cuối, cụ tỉ mẩn chăm chút xem từng mối buộc trước khi rời chợ. Cụ nói như chiêm nghiệm cuộc đời: “Công việc tối nào cũng vậy đó. Mình còn khỏe thì ráng làm, chừng nào làm không nổi hãy nhờ tới con cái. Tụi nó cũng có gia đình con cái riêng tư mà...”. Rồi bà cụ lật đật bước vội lên chuyến xe về Sài Gòn lúc nửa đêm.

Lâu lắm rồi, từ cái ngày mà cụ Tư “chuyển địa bàn” về chợ đầu mối, cuộc đời của người già 77 tuổi này luôn là những hành trình từ ngày sang đêm, từ đêm về sáng: Nửa đêm từ Thủ Đức ngồi xe về đến Sài Gòn. Bán bán buôn buôn vài ký hàng nhặt nhạnh được để lo phần sống trong ngày rồi lại lật đật lên chiếc xe buýt số 42 về chợ đầu mối. Trên chiếc võng, cụ tìm một góc khuất nằm nghỉ tí chút bắt đầu giờ “làm việc” buổi chiều và tối. Cứ thế, mỗi đêm dài trôi qua, có lẽ bà cũng là người hạnh phúc bởi sẽ không phải một mình thức trắng đếm thời gian khi mất ngủ do tuổi tác.

Nếu xét rằng cuộc đời là một hành trình thì với cụ Tư hành trình ấy bắt đầu từ rất sớm và vẫn tiếp tục trong từng phút giây với sự cố gắng đầy tự trọng của một con người...

Khởi đăng hồ sơ:

Người trẻ và con đường đất

Có nhiều lối để bước vào tương lai khi những người trẻ tuổi, vì nhiều lý do, không chọn được lối đến giảng đường đại học. Tương lai dành cho những ai biết và dám chọn những cách đi sáng tạo cho mình, dù có khi đó là những lối đường lấm lem bùn đất... Những câu chuyện của bạn trẻ đoạt giải thưởng Lương Định Của nhân ngày 26-3.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên