Chuyện trong đêm Sài Gòn - Kỳ 3:
Phóng to |
Kỳ 1: Đêm lênh đênh Kỳ 2: Mẹ, con và đêm không nhà
Chị tên thật là Võ Thị Nguyên, nét hào sảng, phóng khoáng thoáng nghe qua giọng nói khiến người ta hay nhầm tưởng người xe ôm mang số hiệu 116 là một “anh” xe ôm. Tuy nhiên, phía sau khuôn mặt bịt kín mít và giọng điệu hào sảng ấy lại có cả một câu chuyện dài để nói về người phụ nữ này. Ở ga Sài Gòn chị là nữ xe ôm duy nhất tại đây trong cả thập kỷ qua.
Một thập kỷ mong tiếng còi tàu
“Thằng bé Kiệt mới 4 tuổi là tui với ông xã ra cổng ga đứng vất vưởng đợi tàu...”, chị Nguyên kể. Đó là năm 1997, chị Nguyên bắt đầu với nghề chạy xe ôm ở ga Sài Gòn. “Gần 20 năm chạy xe ở đây tui mới biết có bả là nữ mà dám chạy xe ôm ở ga này. Bả chạy xe ôm 12 năm rồi đấy!”, ông Thức, đồng nghiệp của chị Nguyên, bảo vậy.
2g30 sáng. Chị Nguyên đang nằm vắt vẻo trên xe ngủ gật, vẫn đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang vải kín mít. Lác đác trong bãi xe cũng có vài người đàn ông ngủ gật hay đốt thuốc lá hút liên tục cho đỡ lạnh. Họ đang đợi chuyến tàu đêm.
Từ lúc chạy xe tới giờ, chị Nguyên đã nhiều lần bị cướp giữa đường. Có lần mất trắng cả đồ của chị lẫn khách. Có lần chị phải liều mạng bám theo. Tôi chợt nhận ra chút yếu đuối trên nét mặt người phụ nữ dày dạn nghề này khi chị kể về những chuyến chở khách đi về Vũng Tàu, Tây Ninh hay những “điểm đen” tệ nạn như Bình Hưng Hòa (quận Tân Phú) giữa đêm hôm. “Mấy anh em trong đội cũng chỉ cách tránh mấy thằng ghiền xì ke hay đón đường “xin” tiền hay lao ra cướp giữa đường nhưng cũng...hên xui thôi! |
Tàu dừng. Hành khách ùa ra. “Xe không cô? Về đâu con chở lẹ còn nghỉ ngơi cho khỏe cô bác ơi...”, đó là điệp khúc chị Nguyên liên tục mời khách mà chúng tôi nghe được giữa những âm thanh hỗn độn của sân ga đêm lúc tàu về. Một anh xe ôm buồn hiu đi ra phía bãi xe vì không bắt được khách bảo: “Bà Nguyên hả? Đi khách về cầu Chánh Hưng, quận 8 rồi!”. Khoảng 4 giờ sáng chúng tôi đã thấy chị Nguyên tấp xe vào bãi, miệng cười ha hả: “Vội quá, không kịp chào. Mới đi cuốc xe chở khách quận 8...”.
Đó là cuốc xe đầu tiên trong bốn chuyến tàu mà chị Nguyên sẽ đón khách từ 2g-10g sáng. Giá của chuyến chở khách “mở hàng” là 40.000 đồng. Trên khuôn mặt chị lấm tấm rịn những giọt mồ hôi giữa cái lạnh của buổi sáng sớm. Đôi chân ngắn nhưng bước đi chắc gọn, lẹ làng của chị Nguyên lại cuống lên khi chuyến tàu thứ hai vừa dừng lại trả khách lúc 4g30...
Sinh ra ở Quảng Ngãi, lớn lên ở Bình Thuận và bươn chải ở Sài Gòn từ khi mới 16 tuổi. Bốn mươi hai tuổi không quá già đối với một đời người, nhưng 26 năm “cháy sém” với nắng Sài Gòn để bươn chải mưu sinh, với chị Nguyên, đó là một quãng đời dài.
Khi phụ bán quán gần ga Sài Gòn, chị quen anh Bùi Văn Thịnh lúc đó đang chạy xích lô trong ga và hai người đến với nhau. Thấy chồng vất vả, nhà có con nhỏ, má chồng bệnh, hai vợ chồng chị bàn tính mua chiếc xe gắn máy thay nhau chở khách ở ga Sài Gòn. Ban đầu còn phải đứng đón khách ngoài cổng ga.
Chị kể: “Có ngày đứng từ 1g sáng tới giữa trưa mà không có khách. Mình thân đàn bà lại không tranh giành được với cánh xe ôm phía ngoài... Có khi khách thấy tội kêu xe mà tui cũng không dám qua mặt mấy người chạy xe ôm lâu năm ngoài đó...”.
Sau này anh em trong đội xe ôm tự quản thấy tội nên xin cho chị Nguyên vào trong đội. Anh em gọi chị là “nữ hiệp”. Cách đây khoảng bảy năm, chị Nguyên từng giúp một cô gái bị lấy hết túi xách, giấy tờ khi mới từ Quy Nhơn vào Sài Gòn. “Thấy cổ bơ vơ giữa sân ga, hoang mang vì mất hết tiền bạc, giấy tờ... tội quá!”.
Vậy là bỏ cả “tài”, bỏ một ngày làm ăn, chị làm xe ôm miễn phí chở cô gái đi báo công an rồi chở về nhà trọ tận Thủ Đức. Bẵng đi một thời gian, năm 2007 chị Nguyên bỗng nhiên được một nữ doanh nhân nhào tới ôm mừng mừng tủi tủi không nói nên lời. “Nghe cổ nhắc tui mới nhớ đó là cô gái ở Quy Nhơn ngày xưa. Cổ vừa xuống từ chuyến tàu hạng sang từ Nha Trang vào, tình cờ gặp rồi nhận ra tui. Nghe cổ kể thì hồi đó bị giật hết số vốn ba má dành dụm cho vào Sài Gòn làm ăn. Vậy mà giờ cũng thành đạt mới thấy là nhiều người quá giỏi!”.
Hi vọng từ những cuốc xe đêm
Chị Nguyên hãnh diện khoe với chúng tôi niềm tự hào của chị là một khoảng tường nhà dán đầy giấy khen của cậu con trai duy nhất Bùi Tuấn Anh Kiệt: “Nó tự giác lắm, từ lớp 1 tới giờ toàn được học sinh giỏi”. Chiếc bàn học của bé Kiệt cũng là bàn ăn của cả nhà. Chị Nguyên cẩn thận lau bụi chiếc máy vi tính mới mua năm ngoái cho cậu con trai - phần thưởng chín năm liền bé Kiệt được học sinh giỏi, xuất sắc.
Bất chợt, tiếng còi từ ga Sài Gòn hú vang vọng tới con hẻm nhà chị Nguyên ở. Như phản xạ, chị Nguyên bảo: “Tàu đang xin đường đấy. Chuông thứ nhất là về tới Bình Triệu rồi...”. Mấy năm nay ông xã bị bệnh gan nên cũng ít đi đón tàu. Vậy là mình chị ôm sô, chạy từ 2g-10g trưa, về nhà nghỉ rồi tới 3g chiều lại đi đón khách tới 7g tối, 2g sáng lại ra ga.
Tôi hỏi chị có định kiếm một nghề khác để làm cho đỡ cực không, chị hóm hỉnh bảo: “Còn tàu là còn quay lại ga. Có khi làm riết rồi ghiền!”. Nhưng bài toán mưu sinh mà chị nhẩm tính lúc nói chuyện với đồng nghiệp khiến chúng tôi biết thêm lý do mà chị vẫn muốn chạy xe nữa. Đó là khoản thu nhập hơn 100.000 đồng mỗi ngày từ các chuyến tàu không phải là số tiền dễ kiếm so với nhiều công việc tay chân khác.
Mỗi lần tàu trả khách là sân ga lại chộn rộn chừng 30 phút. Đó là 30 phút với nhiều hi vọng cho những người đang mưu sinh nhờ những chuyến tàu như chị Nguyên.
Bắt đầu nghề xe ôm từ khi thằng bé Kiệt 4 tuổi, nay nó đã vào lớp 9. Mười hai năm rồi, mỗi cuốc xe ôm, mỗi chặng đường gian khó, hẳn ngọn lửa dẫn đường trong tim chị chính là tương lai của bé Kiệt...
__________________
Hơn 77 tuổi, tấm lưng còng, chân tay run rẩy nhưng khi chợ đầu mối Thủ Đức vừa sáng đèn đã thấy bóng cụ. Cụ tên Lê Thị Tư. Những cư dân buôn bán tại chợ đầu mối Thủ Đức gọi cụ là bà Tư Trầu. Nhiều người ví cụ là “công dân già nhất chợ đêm”.
Kỳ cuối: “Công dân già nhất chợ đêm”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận