21/03/2010 01:02 GMT+7

Chuyện trong đêm Sài Gòn

ĐÌNH DÂN - THANH HÀ
ĐÌNH DÂN - THANH HÀ

TT - Đêm Sài Gòn, cạnh sự phát triển đi lên, cạnh những luồng sáng phồn hoa, tàu xe đô hội... còn những góc khuất của dòng sông, ga tàu, của một nghĩa trang hay ngôi chợ tảo tần... Ở đó có những con người tự thắp sáng mình bằng những ước mơ bình thường nhất để hi vọng vào ngày mai.

Mời bạn đọc cùng Tuổi Trẻ dừng lại một chút với những câu chuyện từ “góc khuất” này...

Đêm Sài Gòn của gia đình nhỏ này là ánh sáng đèn dầu, âm thanh tiếng tàu thuyền xình xịch, tiếng sóng nước vỗ bờ... Đó là đêm lênh đênh, như những dấu nhấn trong cuộc đời trôi nổi của họ.

BypNEFAp.jpgPhóng to

Giấc ngủ trên chiếc ghe mục

Nửa đêm, người chồng thấy người ướt sũng, giật mình tỉnh dậy thì cả nhà đang bị nhấn chìm xuống sông. Anh quờ quạng, quẫy đạp để kéo vợ và hai đứa con nhỏ đang mắc kẹt trong ghe... Phút chốc, cả gia đình nhỏ hú hồn thoát chết.

“Lúc đó khoảng 1 giờ sáng. Ghe cũ quá nên bị lủng, nước vào, đêm đó vợ chồng tôi đi làm về mệt quá nên ngủ quên không tát nước thế là bị chìm. Lúc tỉnh dậy tôi thoát ra được nhưng không thấy vợ con đâu, quay lại thì thấy cả ba đang mắc kẹt trong mùng... May mà ghe đậu gần bờ nên kéo được ba mẹ con lên. Hai đứa con uống nước no bụng, cả nhà ướt hết ngồi ôm nhau chờ tới sáng. Đó là năm đứa con lớn của tôi 2 tuổi còn đứa nhỏ mới tám tháng”, anh Thi kể lại.

Anh tên Nguyễn Ngọc Thi, chị tên Nguyễn Thị Kim Dung. Từ nhỏ anh Thi đã sống trên ghe ở khu xóm mới bến đò Gò Vấp. Ở đó anh gặp chị Dung - một cô gái có nhà trên bờ. Năm 1997, họ kết hôn và cùng xuống ghe sống trước sự phản đối dữ dội của nhà gái.

Cuộc sống trôi nổi bắt đầu bằng chiếc ghe cũ nát, đầy lỗ rò rỉ và những đêm lênh đênh. Tính từ ngày ghe bị chìm đến nay đã gần 10 năm, đứa con lớn hiện 12 tuổi, đứa con nhỏ đã 10 tuổi nhưng họ vẫn tiếp tục lênh đênh như vậy.

“Trời tối rồi, anh vào tát nước đi để em thắp đèn lên, chuẩn bị ăn cơm”, chị Dung khẽ nhắc chồng. Chiếc ghe này là chiếc thứ hai của gia đình anh chị. Chiếc đầu tiên được thay thế vì quá cũ và quá chật khi sinh đứa con thứ hai. Ông ngoại thấy thương cháu nên mua cho. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm chiếc ghe đã bị lủng lỗ chỗ. Đêm nào vợ chồng anh cũng thay nhau ngủ ngồi để canh tát nước. Đặc biệt, những đêm mưa cả hai vợ chồng gần như thức trắng.

Bữa cơm tối đạm bạc nhưng cả nhà vẫn tíu tít hạnh phúc. Cuộc sống của họ chưa từng có tiếng cãi vã. Cơm nước xong, anh Thi đội đèn soi và quơ lưới, chài để kịp đi đánh cá khi con nước ròng. Nhìn theo chiếc ghe của chồng khuất dần trong bóng đêm chị Dung tâm sự:

“Hơn một năm nay anh ấy bị bệnh tim, suýt chết ba lần khi chèo ghe nhỏ đi đánh cá. Có lần nửa đêm đang ngủ tự nhiên không thở được rồi lịm dần, tôi phải chạy lên bờ kêu cứu. Lần đó anh tưởng chết đã gọi vợ con lại trăng trối: “Anh em có gì sai sót thì bỏ qua cho họ, cố gắng sống mà nuôi con!”. Tôi và con tưởng anh chết thật chỉ biết ôm nhau khóc. Cũng may có mấy người đi ghe qua cứu anh thoát chết. Để anh đi đánh cá một mình trong đêm hôm trên sông nước tôi cũng lo lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn vì đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình. Còn tôi phải ở nhà trông con và tát nước ghe”.

hlucOX61.jpgPhóng to
Từ chiếc ghe trên sông, có lúc cả nhà thẫn thờ ngồi nhìn lên bờ, nơi Sài Gòn phồn hoa - Ảnh: Đ.Dân

“Ráng học, cái gì cũng có!”

Bố vừa đi làm cũng là lúc hai đứa nhỏ lôi sách ra ngồi dò từng con chữ dưới ánh đèn tù mù. Lẫn trong tiếng côn trùng rả rích, tiếng thuyền bè qua sông là tiếng hai đứa trẻ ê a học bài.

Có lúc hai đứa trẻ ngây thơ phóng mắt lên những tòa nhà cao vút sáng đèn hỏi mẹ: “Tại sao nhà mình không có đèn điện? Sao nhà mình không lên trên bờ sống hả mẹ?”. Những lúc này chị Dung chỉ biết xoa đầu con và nói: “Các con ráng học thì mai kia cái gì cũng có”. Thế là cả hai anh em Nguyễn Ngọc Thành (12 tuổi, học sinh lớp 1 trường tình thương Minh Sơn, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Thị Kim Duyên (10 tuổi, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Bình Lợi Trung, quận Bình Thạnh) lại cúi xuống học bài.

Trước đây cả nhà thường bôn ba khắp các bến trên sông Sài Gòn, cứ lênh đênh đánh cá và tiện đâu ngủ đó, hôm thì ở bến Bình Lợi, đêm lại ở bến Lê Minh Xuân... hoặc bất cứ khúc sông nào nước không chảy xiết. Nhưng từ khi xác định để hai con đi học thì cả nhà mới cập hẳn ở một bến sông cuối con đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Dưới ánh đèn tù mù trong chiếc ghe nhỏ, anh Thi và chị Dung ngồi khoe với chúng tôi những tờ giấy khen về thành tích học tập của con cái. “Con Duyên học giỏi nhất lớp nó đấy chú ạ. Sổ liên lạc đây nè...”, người mẹ vốn mù chữ này lấy con ra làm niềm tự hào.

Trên chiếc ghe nhỏ, ngoài chiếc mùng buộc dây nhợ đùm túm vá víu và chiếc mền mỏng dành đắp cho hai đứa con thì còn rất nhiều chai lọ, đồ phế thải... lẫn lộn. “Đó là những thứ tụi con lượm trên đường đi học về. Gom lại một tuần mẹ mang bán cho bà ve chai. Sau đó, mẹ dành tiền để tụi con ăn sáng”, bé Duyên kể.

12 giờ đêm, anh Thi mệt mỏi trở về trên chiếc ghe nhỏ lèo tèo vài con cá con tôm. Anh nói: “Cứ nước ròng là mang chài lưới đi, có khi mờ sáng mới trở về nhà. Trước đây cá nhiều cũng kiếm được, bây giờ sông ô nhiễm quá cá mú ít đi. Giờ ngày nhiều nhất chỉ kiếm khoảng 7kg cá, có nhiều ngày 2-3kg thôi”. Nói xong anh chui vào ghe, lúc này vợ anh đang đan lại mấy tấm lưới đánh cá, hai đứa con đã ngủ say. Anh quàng tay bế hai con lên chỗ ngủ rồi buộc vào chân mỗi đứa một sợi dây neo vào thuyền.

Anh giải thích: “Có mấy lần tụi nó ngủ say quá lăn xuống sông nên giờ phải buộc như vậy”.

Chia tay họ trong đêm tôi cứ nghĩ lẩn quẩn mãi ở bến sông. Tôi biết dù giấc ngủ lênh đênh của họ có cả sự mỏi mòn mệt nhọc nhưng ánh mắt chứa niềm tin vào tương lai. Họ biết quẫy đạp con nước tối tăm để hướng về phía trước...

______________

Sau một ngày lê la khắp các ngả đường với cuộc mưu sinh, đêm đến chiếc xe đẩy của chị lăn bánh trở về một góc khuất trên lề đường. Trên chiếc xe, ngoài những rổ bánh khoai mì còn có đứa con trai của chị. Cuộc đời rong ruổi ngoài đường phố như bám riết chị và đứa con thơ. Đêm Sài Gòn của chị là những đêm giật mình nghe tiếng con khóc, là những đêm ôm con chạy trú mưa mà nức nở vì tủi phận.

Kỳ tới: Mẹ, con và đêm không nhà...

ĐÌNH DÂN - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên