Cuộc đời rong ruổi ngoài đường phố như bám riết lấy chị và đứa con thơ. Đêm Sài Gòn của chị là những đêm giật mình nghe tiếng con khóc, là những đêm ôm con chạy trú mưa mà khóc nức nở vì tủi phận.
Kỳ 1: Đêm lênh đênh
Lầm lũi đêm hè phố
Đêm cuối năm ngoài đường gió nhiều và lạnh hơn. Bên góc vỉa hè trên con đường Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM), hai mẹ con chị Điều Thị Nhung và bé Điều Văn Thiện ngồi co ro nép vào nhau lót lòng bằng những mẩu bánh khoai mì không bán hết. Chị Nhung năm nay 42 tuổi thì mất hai phần ba số năm đó phải sống ngoài đường, còn bé Thiện 6 tuổi là sáu năm lăn lóc sống trên vỉa hè cùng mẹ. Chiếc xe ban ngày chị vẫn đẩy đi bán khoai mì và đêm về là nơi bé Thiện nằm ngủ. Thật ra đó cũng không phải là xe của chị mà xe chị đẩy thuê cho người ta. “Một chiếc xe tới 2 triệu bạc, tiền đâu mua hả chú?”, chị thủ thỉ.
Không mái nhà, không đồng vốn lận lưng, thu nhập chính của chị là từ công việc lột vỏ, nấu khoai mì cho những người bán khoai mì hè phố. Công việc này ngày trước cũng giúp chị Nhung kiếm được 50.000-70.000 đồng/ngày. Nhưng sau khi cả xóm bán khoai mì này xôn xao chuyện cấm xe ba gác, thì một ngày hai mẹ con chỉ cầm chừng với khoảng 20.000 đồng. Đêm nay cả hai mẹ con không nói gì với nhau, bữa ăn tối trên hè phố chỉ có mấy củ khoai mì sượng. Đêm dài hơn và trằn trọc hơn bởi bụng đói.
19g, khi cả con đường Nguyễn Thị Diệu sáng đèn cũng là lúc chị Nhung bắt đầu công việc rửa và lột vỏ khoai mì cho năm chiếc xe đẩy. Thằng Thiện thì nhong nhong chân đất chạy nhảy theo những chiếc xe chạy ngoài đường, mỗi khi mệt lả cu cậu lại rón rén xem trộm tivi từ các quán cà phê gần đó. Đến chừng 21-22g khi công việc xong xuôi, chị rửa sạch tay ẵm thằng Thiện nằm ngủ gà ngủ gật trên đường lên chiếc xe đẩy. “Phải đẩy xe lên sát lề đường cho nó nằm chứ buổi tối tụi họ chạy xe ẩu lắm”, chị vừa nói vừa ì ạch đẩy xe lên lề. Cả hai mẹ con chỉ có chiếc mền mỏng, chị đắp cho thằng Thiện rồi vùi thêm chiếc áo cho nó. Còn chị thả mình trên chiếc ghế bố đặt sát xe đẩy rồi ngủ vùi. Chốc chốc nghe con ho chị lại trở mình quờ quạng kéo áo đắp cho con. Chiếc ghế bố không thể kéo thẳng được nên bao nhiêu năm nay chị vẫn ngủ ngồi...
1g sáng, cả con đường say giấc, giờ này ánh đèn cao áp như sáng hơn, cái lạnh thấm hơn bởi sương đêm. Hai mẹ con vẫn ngủ mê mệt nên không biết tôi quay trở lại. Chiếc chăn đắp cho Thiện bắt đầu ươn ướt sương, cả tóc của người mẹ cũng đốm sương trắng. Chị Nhung khò khè nói điều gì trong cổ họng...
Hơn 2g sáng, lúc này chị cũng bắt đầu trở mình thức dậy nấu khoai mì. Bếp khoai bắc lên, than hồng đỏ rực như xua đi cái lạnh của hè phố về đêm. Sụt sùi trong bếp lửa, chị tâm sự: “Mình sống riết cũng quen rồi, đau thì nằm mãi nó hết, lạnh cũng chai rồi, chỉ tội cho con. Mùa này còn đỡ chứ mùa mưa nhiều lần mẹ con đang ngủ mưa ào xuống ôm con chạy vào mái hiên nhà người ta núp mà vẫn ướt”. Lắm lúc buột miệng chị thổ lộ nhiều đêm ôm con chạy trú mưa ướt lạnh và khóc vì tủi phận... Những lúc đó chị ước ao có bàn tay kéo hai mẹ con dậy. Dường như đối với người mẹ này khóc riết rồi nước mắt cũng cạn, chỉ có những vết chai sạn trên da thịt và tâm hồn thì còn mãi.
Giấc mơ cho con
Chị Nhung có hai đứa con và đều mang họ mẹ. Bé Thiện là đứa thứ hai, còn bé Điều Thị Mộng Vân năm nay 12 tuổi là con gái đầu lòng. Bé Vân sống ngoài lề đường với mẹ và em trai đến năm 8 tuổi thì được chị Nhung gửi về nhà trọ nhờ chị họ ở quận 10 trông giúp: “Tôi sợ nó không thể sống nổi ở đây. Nó vừa ốm yếu lại bệnh hen suyễn mà ngoài đường không có chỗ ngủ, nắng mưa cả ngày cả đêm. Nó ở đó vừa đi học vừa đẩy xe bán khoai mì kiếm thêm tiền. Còn thằng Thiện thì nhờ trời ít ốm đau hơn”, chị Nhung nói vậy.
Ngày trước, khi có cả ba mẹ con thì dù vất vả hơn nhiều nhưng chị không phải nhớ con như bây giờ. Bé Vân cũng nói rất nhớ mẹ và em trai, đêm cuối tuần nào bé cũng về lại lề đường thăm mẹ và em. “Tôi thấy mỗi khi bé Vân ghé chơi là cả nhà chị Nhung vui lắm. Mẹ con, chị em quấn quýt bên nhau mua cơm về ăn rồi chuyện trò. Lúc đó là thấy gia đình này vui nhất đó” - cô Thảo, một người dân ở đây, cho biết.
Có hôm tôi trở lại chơi thì bé Thiện đang bị sốt cao. Em nằm rên hừ hừ trên lề đường. Chị Nhung thì ngồi khóc vì không có tiền nên không đi khám được. Chị lấy khăn ướt chườm lên trán con cho đỡ sốt vừa mếu máo: “Nó bị sốt đêm qua tới giờ, nóng quá nên cứ rên la suốt đêm”.
Đây không phải là lần đầu người mẹ này phải khóc: “Những lúc con ốm đau là khổ nhất. Trong người không có một đồng, cũng không biết dựa vào ai nên nhiều khi tôi hoảng lên ôm con chạy trên đường xin bà con giúp đỡ. Có lần bé Vân bị ói do ngộ độc vì ăn miếng dưa hấu lượm được trên đường, còn bé Thiện bị sốt xuất huyết do muỗi chích. Lúc đó đã hơn 11g đêm, tôi hoảng hốt hai tay ẵm hai đứa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, rồi đi vay mượn tiền mua thuốc”.
Lúc vừa sinh ra cả bé Vân và bé Thiện đã được một người nước ngoài đến xin về nuôi nhưng chị Nhung nhất quyết không cho. Nghĩ lại chuyện đó chị nói: “Họ thấy mẹ con tôi sống trên lề đường khổ nên xin cháu về làm con nuôi và hứa sẽ tặng tôi nhiều tiền. Tôi biết cuộc sống mẹ con có khổ nhưng không nỡ xa con, khổ nhưng có mẹ có con thủ thỉ vui hơn, còn tiền cầm rồi tiêu cũng hết. Làm sao biết người ta đưa con mình đi đâu...”.
Đêm lại về với hai mẹ con chị. Cái đêm trong những bộn bề, những lo âu của cuộc mưu sinh cùng cuộc đối đầu với hiểm nguy rình rập lẩn khuất trong bóng đêm đường phố.
“Bốn trừ một bằng ba, năm cộng hai bằng bảy...”, đó là tiếng bé Thiện đêm đêm ê a học bài. Dù nghèo đói chị Nhung vẫn cố gắng tạo điều kiện cho hai con đi học đầy đủ. Bé Vân đang là học sinh lớp 3 ở quận 10, còn Thiện vừa vào lớp 1 trường tình thương ở nhà thờ Huyện Sĩ (quận 1). Chị nói: “Chỉ có được học hành đàng hoàng các con mới thoát khỏi cuộc đời chui lủi ở vỉa hè...”. Vậy là đêm không nhà của mẹ con chị vui lên bởi thứ âm thanh đầy hi vọng. |
___________________
Những “cư dân” trong đội xe ôm tự quản ở ga Sài Gòn gọi đồng nghiệp nữ duy nhất trong đội là “Nữ hiệp” ga Sài Gòn. Còn chị cười hết cỡ khi nghe biệt danh đó và đáp lại: “Nữ hiệp” gì đâu, ráng kiếm tiền nuôi con ăn học cho đời nó hết cực như đời mình...”.
Kỳ tới: “Nữ hiệp” ga Sài gòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận