11/11/2023 13:45 GMT+7

Chuyến trở lại của nhà đầu tư Mỹ

HÀ ĐĂNG
và 1 tác giả khác

Sau chuyến tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội vào tháng 9, Tổng giám đốc Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) Scott Nathan đã trở lại Việt Nam vào ngày 9-11 nhằm thể hiện cam kết của DFC trong việc hỗ trợ Việt Nam đầu tư.

Ông Scott Nathan trong buổi phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM vào ngày 9-11 - Ảnh: NGHI VŨ

Ông Scott Nathan trong buổi phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM vào ngày 9-11 - Ảnh: NGHI VŨ

Tôi tin rằng sự hiện diện của DFC ở TP.HCM sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
Ông SCOTT NATHAN

Trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ cùng ngày tại TP.HCM, ông Scott Nathan tiết lộ kế hoạch mở văn phòng đại diện của DFC ở TP.HCM cũng như các lĩnh vực DFC quan tâm ở Việt Nam.

* Được biết DFC sẽ sớm mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. Kế hoạch cụ thể ra sao thưa ông?

- Chúng tôi sẽ mở văn phòng đại diện ở TP.HCM. Đây là một quyết định quan trọng và là một bước phát triển lớn của DFC. Chúng tôi đã chọn được nhân sự. Cô ấy đã tham gia rất sâu vào việc liên hệ kinh doanh ở Việt Nam.

Về thời gian, chúng tôi hy vọng sẽ mở văn phòng sớm nhất có thể. Chúng tôi đã hoàn thành nhiều thủ tục và đang làm việc với các cơ quan Việt Nam để được phê duyệt vì rõ ràng Việt Nam có nhu cầu.

DFC muốn thực hiện nhiều giao dịch hơn để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, song điều quan trọng là chúng tôi có thể trực tiếp phát triển kinh doanh, tạo mối quan hệ và thu thập thông tin ở đây.

* Đây là chuyến thăm thứ hai của ông đến Việt Nam trong vòng hai tháng qua, kể từ lần tháp tùng Tổng thống Biden đến Hà Nội. Điều gì khiến ông quay lại nhanh như vậy? Ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam?

- Tôi đã đến Việt Nam vào tháng 9 khi Tổng thống Joe Biden tới đây để nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đó là chuyến thăm lịch sử. Nhân dịp đó, DFC đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng, cung cấp các khoản vay trị giá tổng cộng 400 triệu USD với hai ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và các dự án khí hậu.

Đây là các hoạt động rất quan trọng đối với DFC vì chúng tôi là công ty tài chính hỗ trợ khu vực tư nhân. Chúng tôi tin rằng hoạt động khởi nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam có ý thức mạnh mẽ về tinh thần khởi nghiệp trong kinh doanh, thương mại. Điều này tốt cho sự phát triển của Việt Nam và gợi mở nhiều cơ hội kinh doanh.

Vì vậy, tôi quay lại để xem xét các cơ hội kinh doanh mới. Điều quan trọng là phải cụ thể hóa mối quan hệ của hai nước sau nâng cấp bằng các hoạt động kinh doanh và kinh tế.

Dữ liệu: Hà Đăng - Nghi Vũ - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dữ liệu: Hà Đăng - Nghi Vũ - Đồ họa: TẤN ĐẠT

* Ông nói chuyến đi này thể hiện cam kết của DFC trong việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Ông có thể nêu cụ thể DFC muốn hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nào và các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tiếp cận nguồn tài chính của DFC?

- Chúng tôi là một tổ chức tài chính phát triển quốc tế hỗ trợ sự phát triển kinh tế dẫn dắt bởi khu vực tư nhân. Chúng tôi tham gia rất nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, y tế đến kinh doanh nông nghiệp.

Đặc biệt, DFC hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Thời gian tới, DFC muốn tham gia lĩnh vực điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam. Đây là các lĩnh vực rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sự bền vững của doanh nghiệp.

Chúng tôi không cho các chính phủ vay mà là đầu tư vào các doanh nghiệp, cung cấp tài chính cho khu vực tư nhân vì điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lâu dài.

Tôi đã gặp một số doanh nghiệp sẽ nhận nguồn tài chính từ DFC, bao gồm một quỹ chuyên cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu. Ưu tiên của Tổng thống Joe Biden là đảm bảo các doanh nhân nữ được hỗ trợ và tiếp cận nguồn tài chính để tạo ra sự khác biệt.

Tôi cũng gặp các nhà phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và mặt trời. Có nhiều cơ hội lớn trong lĩnh vực này, nhưng tôi nghĩ cần phải phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng và chính sách.

DFC có một quy trình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn hoặc các công cụ tài chính nhưng các dự án phải thuộc khu vực tư nhân, có khả năng sinh lời, nghĩa là có tính bền vững về mặt tài chính.

Chúng tôi cần các thông tin tài chính của doanh nghiệp để đảm bảo rằng họ hoạt động minh bạch, tuân thủ luật pháp và không tham nhũng. DFC cũng quan tâm về việc bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, và tiêu chuẩn lao động của các doanh nghiệp.

* Chính phủ Việt Nam hiện nay có rất nhiều dự án hạ tầng muốn kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. DFC có kế hoạch tham gia các dự án này không và hứng thú với những dự án như thế nào?

- Chúng tôi không tìm kiếm các dự án lớn để cho chính phủ vay tiền. Tôi vừa rời Sri Lanka đến đây. Ở đó, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 500 triệu USD để phát triển một cảng container. Sự hỗ trợ này cực kỳ quan trọng cho lưu thông hàng hóa ở Sri Lanka và cả khu vực cũng như sự phát triển thương mại toàn cầu.

Ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, những dự án cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường sá và cơ sở hạ tầng của thế kỷ 21 như hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm các trung tâm dữ liệu, mạng lưới kỹ thuật số, mạng lưới di động... là các lĩnh vực DFC quan tâm.

Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (US International Development Finance Corporation - DFC) là một tổ chức tài chính trực thuộc Chính phủ Mỹ, được thành lập năm 2019 theo Đạo luật Sử dụng nguồn lực đầu tư của Mỹ và tập trung đưa nguồn lực tư nhân tới các khu vực đang phát triển.
Thủ tướng gặp doanh nghiệp FDI: Nhà đầu tư Mỹ, châu Âu kiến nghị gì?Thủ tướng gặp doanh nghiệp FDI: Nhà đầu tư Mỹ, châu Âu kiến nghị gì?

Ngày 16-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề "Đồng hành và phát triển".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên