13/11/2018 09:08 GMT+7

Chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương

TRẦN HOÀNG NGÂN (ĐB Quốc hội TP.HCM)
TRẦN HOÀNG NGÂN (ĐB Quốc hội TP.HCM)

TTO - Là người cùng 469 đại biểu bấm nút thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tôi gọi đó là "Chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương".

Chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Công nhân một nhà máy ở Sóc Trăng chế biến tôm xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đây là lần kiến tạo đặc biệt, là chuyến tàu thứ ba mà cả nước cùng ra khơi, lần trước đó khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và xa hơn là Khu vực thương mại tự do Asean (AFTA) vào năm 1995.

Như tên gọi của nó là "toàn diện" và "tiến bộ", chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương có sự ảnh hưởng, tác động, lan tỏa đến mọi người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp đến Chính phủ, đòi hỏi tất cả phải chuẩn bị cho chuyến ra khơi rất xa, hùng vĩ nhưng đầy thử thách.

Có mặt trên chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương khẳng định vị thế của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương.

"Toàn diện" là vì không dừng ở thương mại hàng hóa, thương mại đầu tư, mua sắm của Chính phủ mà còn mở ra môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ... dẫn đến 6 thách thức (như thu ngân sách giảm do giảm thuế; doanh nghiệp khó khăn và nguy cơ mất việc làm do cạnh tranh; an toàn thông tin; luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp...). 

Yêu cầu "tiến bộ" đó là quan tâm đến người lao động, người yếm thế trong xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ với mong muốn mọi người được hưởng lợi từ sự hợp tác, thêm việc làm, được làm việc trong môi trường có chất lượng hơn...

Cả "toàn diện" và "tiến bộ" đều theo tiêu chuẩn ngang bằng với những nước phát triển nhất thế giới (hầu hết các thành viên CPTPP đều có GDP bình quân đầu người trên 30.000 USD, trong khi Việt Nam có xuất phát thấp nhất trong 11 thành viên của CPTPP).

Mục tiêu là vậy, tham gia CPTPP chỉ là cơ hội, có đạt được "tiến bộ", "toàn diện" hay không tùy thuộc vào chúng ta. 

Trách nhiệm của người dân, từng hộ gia đình, doanh nghiệp, của chính quyền các cấp và Chính phủ là tận dụng cơ hội và biến nó thành hiện thực.

Thời gian rất gần, chúng ta sẽ được tiếp cận nhiều hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư... theo tiêu chuẩn của các nước có GDP bình quân hơn 30.000 USD. 

Có nhiều hàng hóa, máy móc thiết bị, dịch vụ... tốt, an toàn, hiện đại hơn. Nhưng nếu chúng ta không làm ra nhiều hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tương tự để bán cho nước bạn, chỉ nhập hàng tốt về để tiêu dùng, đó sẽ là "tai họa" cho hội nhập. 

Bài học nhập siêu dẫn đến áp lực về lạm phát, tỉ giá của hàng chục năm trước sau khi gia nhập WTO dứt khoát không được lặp lại.

Chúng ta cũng không thể nói địa phương, ngành mình có nhiều tiềm năng mà phải nhanh chóng khai thác, làm ra hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt nhất mà thị trường các nước bạn cần. Đừng ngồi chờ người khác đến đánh thức, khai thác tiềm năng. 

Cũng đừng tư duy doanh nghiệp đứng được trên sân nhà mà phải bán được sản phẩm sang thị trường có GDP bình quân trên 30.000 USD, nếu không hàng của nước bạn sẽ tràn vào...

Khai thác tốt cơ hội CPTPP với 11 thành viên, chúng ta có quyền hi vọng ngày không xa lại mở ra cơ hội khác lớn hơn, bởi không loại trừ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam - sẽ trở lại tham gia CPTPP. 

Ngoài ra, nhiều nền kinh tế lớn như Anh, Hàn Quốc... cũng muốn bước vào cùng "toàn diện" và "tiến bộ"...

Chúng ta đã bước lên chuyến tàu xuyên Thái Bình Dương và chờ ngày khởi hành. Một tương lai sung túc, khấm khá hơn tùy thuộc vào cách mà chúng ta nắm bắt cơ hội đang đến.

TRẦN HOÀNG NGÂN (ĐB Quốc hội TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên