10/11/2013 05:55 GMT+7

Chuyện ông Câm - bà Cụt

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TT - Ông và bà không phải vợ chồng, họ hàng thân thuộc. Hai người đều có khiếm khuyết trên cơ thể. Nhưng sự đồng cảm khiến ông nguyện làm đôi chân cho bà suốt 20 năm nay. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Câm và bà Trần Thị Nga (60 tuổi), số nhà 106 phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.

w8d0xFDF.jpgPhóng to
Suốt hai mươi năm qua, ông Câm tình nguyện làm đôi chân để đẩy bà Nga đi - Ảnh: Lê Trung

Bi kịch gặp bi kịch

Ông bị câm, điếc từ khi sinh ra. Lúc còn nhỏ, ông trúng bom và bị thương nặng, được người dân đưa vào một bệnh viện ở Đà Nẵng cứu sống. Bom đạn của một thời loạn lạc cộng thêm bị câm, điếc từ nhỏ khiến ông không nhớ nổi quê mình ở đâu, người thân xứ nào và mình bao nhiêu tuổi. Sau đó ông được đưa vào trại tế bần (Trại xã hội Tam Kỳ) nuôi dưỡng. Mọi người đặt cho ông cái tên là Nguyễn Văn Câm.

Quê bà Nga ở TP Đà Nẵng. Sau giải phóng bà làm công nhân cầu đường ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Trong một lần vào rừng lấy củi về nấu cơm cho anh em công nhân, bà bị trúng mìn sót lại từ thời chiến tranh và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Cuộc phẫu thuật đã cướp đi đôi chân của cô gái mới tròn tuổi 17 và chưa có một mảnh tình vắt vai. “Nằm trên giường bệnh, nhìn đôi chân của mình bị cắt bỏ, lúc đó tôi chỉ muốn cắn lưỡi chết”, bà Nga nói. Trong thời gian ở Trại xã hội Tam Kỳ, họ coi nhau như anh em, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hằng ngày. Năm 1994, Trại xã hội Tam Kỳ giải tán, sáp nhập vào Trung tâm xã hội Hội An, bà Nga xin ở lại Tam Kỳ và cất một ngôi nhà để ở. Bà xin với ban quản lý cho ông Câm về ở với bà để tiện chăm sóc nhau. “Tui với ổng không phải vợ chồng đâu! Thấy ổng hiền hậu, đáng thương, lại không nơi nương tựa nên tôi xin ổng về sống như anh em, tối lửa tắt đèn có nhau”, bà Nga nói. Cứ thế, đều đặn 20 năm nay, ông Câm dùng đôi tay đẩy xe lăn đưa bà Nga đi. Còn bà là người phiên dịch mỗi khi ông trò chuyện với bà con hàng xóm. Họ nói chuyện với nhau bằng việc ra hiệu, bằng khẩu hình.

Dìu nhau mà sống

Bà Nga buôn bán phế liệu, ve chai. Ngôi nhà cấp bốn của bà chất ngổn ngang những đống bao phế liệu. Bà kể mỗi ngày bà nhờ ông đẩy xe lăn đưa bà đến các nhà dân ở TP Tam Kỳ để thu mua phế liệu. Mỗi ngày buôn bán phế liệu, bà kiếm được vài chục nghìn đồng, đủ rau cháo qua ngày.

Những lúc trở trời, bị đau ê ẩm do hậu quả của vết thương, ông Câm nằm lăn lóc trên giường. Bà Cụt lặng lẽ đẩy xe lăn đi mua thuốc, mua thịt bò về nấu cháo, chăm sóc ông như người thân máu mủ của mình. Đến khi ông khỏe cũng là lúc bà phát ốm. Thế là ông Câm chăm sóc bà.

Trong căn nhà nhỏ ấy, hai người lặng lẽ dìu nhau sống cho qua ngày. Tóc ông đã điểm bạc, tóc bà cũng chuyển sang màu muối tiêu. Suốt ngày ông luôn nở nụ cười hiền hậu trên môi. “Ông trời bất công lấy đi đôi chân của mình, có ngồi than trách thì được chi. Thôi thì cùng ông ấy cố gắng đùm bọc nhau, sống thanh thản đến cuối đời vậy”, bà Nga nói.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên