30/01/2008 07:12 GMT+7

Chuyện ở Phú Thọ Hòa

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Đường Lãnh Binh Thăng (Q.11, TP.HCM) giữa dòng người xe qua lại tấp nập, trên một khoảng công viên tươi xanh có một tấm bia tưởng niệm. Những dòng chữ ghi trên bia thật xúc động: "12 anh hùng liệt sĩ thuộc lực lượng an ninh vũ trang khu Sài Gòn - Gia Định (T4) đã bảo vệ an toàn Bộ tư lệnh tiền phương 2 trong chiến dịch Mậu Thân 1968".

Những câu chuyện Tết Mậu Thân 1968

izCAj2n9.jpgPhóng to
Tấm bia tưởng niệm 12 liệt sĩ trên đường Lãnh Binh Thăng - Ảnh: Minh Đức
TT - Đường Lãnh Binh Thăng (Q.11, TP.HCM) giữa dòng người xe qua lại tấp nập, trên một khoảng công viên tươi xanh có một tấm bia tưởng niệm. Những dòng chữ ghi trên bia thật xúc động: "12 anh hùng liệt sĩ thuộc lực lượng an ninh vũ trang khu Sài Gòn - Gia Định (T4) đã bảo vệ an toàn Bộ tư lệnh tiền phương 2 trong chiến dịch Mậu Thân 1968".
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Tiếng gọi Tết Quang Trung Kỳ 2: Bí mật trong căn hầm tối Kỳ 3: Một lần phạm kỷ luật

Tấm bia nhắc về một thời những sân vận động, khu du lịch, thương mại này còn là nghĩa địa bên cạnh trường đua ngựa, khu dân cư bên cạnh đồn bót giặc, bên cạnh ruộng lúa và ao rau muống. Đồng đội của 12 chiến sĩ được ghi tên trên bia đã kiên nhẫn tìm kiếm từng nhân chứng, chắp nối từng mẩu chuyện để tái hiện trận đánh hào hùng.

Ngày ấy, một phân đội của T4 gồm 12 người được giao nhiệm vụ mở đường và bảo vệ một nhánh của Bộ tư lệnh tiền phương vào Sài Gòn. Đêm 27 tết, 11 anh em đã được làm lễ kết nạp Đảng trước khi vào trận (trừ trung đội trưởng Phạm Minh Trung đã là đảng viên). Bộ tư lệnh tiền phương 2 vào đóng an toàn ở khu vực trường đua Phú Thọ. Tiếng súng Mậu Thân làm rúng động Sài Gòn. Sau một ngày choáng váng, quân đội Sài Gòn phản công ồ ạt. Bộ tư lệnh tiền phương 2 được lệnh rút về Cầu Tre, 12 anh em của đội bảo vệ T4 ở lại trận địa cầm chân địch.

Mỗi người có một súng AK và 300 viên đạn, một súng B40 với sáu quả đạn, phân tán đội hình ẩn nấp trong những góc đường, sau các bức tường nhà. Phía bên kia, quân đối phương đông đến hàng trăm, có cả xe tăng yểm trợ. Suốt đêm mồng 2 cả khu vực ràn rạt tiếng súng, chỉ có 12 người ở 12 vị trí nhưng đối phương lại tưởng như có đến 12 đơn vị bộ đội. Rạng sáng mồng 3, "12 đơn vị” của ta vẫn còn nguyên, trong khi đối phương tổn thất nặng: 50 tên bị hạ, bốn xe cơ giới và một xe tăng bị bắn cháy. Bà con phấn khởi vượt qua khói lửa tiếp tế cơm, bánh mì, súng đạn bằng được.

Đêm mồng 3 tết, trên đường truy kích đối phương, Nguyễn Minh Hoàng chạy lạc sang khu vực chợ Thiếc và gặp một đơn vị bạn. Chị Đoàn Lê Phong kể lại: "Anh Hoàng lạc vào, chỉ nói vài câu với chỉ huy rồi cùng chúng tôi tiếp tục bắn, tiếp tục chạy, tìm đường đến mục tiêu đã định. Gần sáng, lính Sài Gòn tập trung quá đông, đội chúng tôi phải dừng lại ở một con hẻm trên đường Tân Phước, đào công sự. Đến khoảng 8g sáng thì anh Hoàng hi sinh, là người đầu tiên. Anh em chỉ gặp nhau vài giờ trong đêm, trong đạn lửa, chưa kịp quen mặt". Đơn vị của chị Phong tiếp tục đi, tiếp tục chiến đấu và mang theo thi thể anh Hoàng. Mang cho đến khi không thể mang được nữa, mọi người chôn vội anh bên một mương nước trên đường Lê Đại Hành.

Ở chỗ ấy, chỉ mấy ngày sau người dân địa phương đã lập nên một cái miếu, khói nhang át khói súng để viếng hương hồn anh. Sau giải phóng, tấm bia đầu tiên tưởng niệm 12 liệt sĩ đội T4 được đặt ở đây, xưởng in của ngành công an nằm bên cạnh cũng lấy tên Nguyễn Minh Hoàng. Xuân 1968, anh vừa tròn 23 tuổi.

Cuộc giao chiến càng thêm khốc liệt. Xung quanh khu vực Phú Thọ Hòa, lính Sài Gòn tập trung càng lúc càng đông, vòng vây siết chặt. Đây đó ở góc phố thêm một chiến sĩ hi sinh; sau gốc cây ở đường bên kia lại thêm một người nữa... Mấy bác công nhân vệ sinh xung phong đi chôn xác. Gặp đồng đội của các anh sau này, các bác kể: "Mấy anh em mình thấy thương lắm. Mình mẩy đầy máu, đầy vết đạn nhưng em nào cũng chết lúc đang ôm ba bốn khẩu súng, bắn đến không còn một viên...".

Rơi nước mắt

5qwJ1yTx.jpgPhóng to
Biệt động Sài Gòn thảo luận phương án tấn công vào nội đô Tết Mậu Thân - Ảnh tư liệu

Phạm Minh Trung và Lê Văn Tăng, trung đội trưởng và trung đội phó, là hai người còn sống đến phút cuối cùng. Sáng mồng 7, hai anh rút vào cố thủ trong nghĩa địa Phú Thọ Hòa. Vốn là nài ngựa ở trường đua Phú Thọ nên Tăng rất thuộc địa hình. Đạn cày không sót một chỗ trống nào trên nghĩa địa, Trung và Tăng đều bị thương nặng. Lúc lính dàn quân tiến đến, hai anh vẫn còn kịp bắn cháy một xe tăng.

Hết đạn, Trung và Tăng bất tỉnh, chúng quăng các anh lên xe chở về tổng nha cảnh sát. Sau khi cấp cứu, hai anh bị đưa ngay vào phòng tra tấn. Một số chiến sĩ ở các đơn vị khác bị bắt về đây kể lại: Trung cũng như Tăng đã không hé răng nửa lời. Chúng đánh, đá liên tục vào hai con người mang đầy thương tích, vốn đã trút tất cả sức sống vào cuộc chiến đấu kéo dài cả một tuần trước đó. Khi được đưa ra khỏi phòng khai thác, cả hai đều đã hi sinh.

Năm ấy Phạm Minh Trung 25 tuổi và Lê Văn Tăng 22 tuổi. Cả hai là những người bảo vệ được ông Sáu Dân (tức nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt) bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định bấy giờ tin cậy và thương nhất. Câu nói cửa miệng của Tăng là: "Bảo vệ hi sinh có ngay người thay thế, chứ cán bộ chuyên môn không ai thay được".

Khi giao liên báo về kết quả trận chiến đấu, toàn đội hi sinh, "ông già Sáu" chảy nước mắt. Toàn lực lượng an ninh vũ trang T4 được tuyên dương đơn vị anh hùng. Sau giải phóng, lệnh của ông Sáu Dân cho đơn vị cũ là phải tìm bằng được gia đình của các anh. Đồng đội lại một lần nữa rơi nước mắt vì thấy gia đình ai cũng neo đơn. Nhà anh Tăng có năm con trai thì bốn người là liệt sĩ, bà mẹ VN anh hùng cũng đã khuất bóng; nhà anh Trung hai người con trai đều hi sinh; anh Thinh không cha mẹ... Chỉ một mình Trần Hoàng Ân quê ở Gò Công, Tiền Giang là đã kịp có vợ và con gái. Ngày nay, nếu còn, anh Ân đã lên chức ông ngoại.

Đã 40 năm, dấu tích chiến trường xưa chẳng còn nhưng 12 cái tên Phạm Minh Trung, Lê Văn Tăng, Nguyễn Hoàng Ân, Nguyễn Văn Oanh, Bùi Văn Đức, Ngô Văn Bạch, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Văn Chụp, Nguyễn Văn Lợi, Lê Văn Thinh, Bùi Văn Tâm, Lê Văn Ngọc vẫn hiện diện mỗi ngày trên con đường mà các anh đã góp một phần bằng chính bản thân mình vào sự thay da đổi thịt.

______________

Quang nói: "Chiến thắng rồi chị cho em về thăm quê chị nhé?". Rồi Quang lại choáng, vết thương ở ngực theo nhịp thở phọt ra tia máu tươi…

Kỳ tới: Biệt động "má hồng"

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên