24/01/2017 15:18 GMT+7

Chuyện những người chơi xe đạp cổ ở Hà Nội

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đường Thanh Niên nằm giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch một ngày đầu đông, gió mùa đông bắc thổi từng đợt lạnh thấu xương.

Chuông xe Peugeot đời 1948
Chuông xe Peugeot đời 1948

Vậy mà mới sáng tinh mơ, nhiều cụ ông, cụ bà U-70, U-80 đã chào buổi sáng bằng một vòng đạp xe quanh hồ Tây 17km. 

Sau khi đạp xong, tất cả tập trung về một góc đường, nhâm nhi chén trà nóng và tiếp tục câu chuyện bình xe, khoe xe, trao đổi phụ tùng. Nhiều chiếc xe sáng bóng, không bám tí bụi bẩn, vành trắng như soi gương nhưng có tuổi đã bằng tuổi của một đời người.

Không ai khác, những người đi trên những chiếc xe đạp cũng thất thập cổ lai hi như họ là những thành viên CLB xe đạp cổ Hà Nội Xưa và nay, CLB xe đạp Peugeot Hà Nội... Họ ở mọi giới tính, đủ lứa tuổi nhưng có chung niềm đam mê bất tận với những chiếc xe đạp cổ.  

Một chiếc xe đạp gấp đôi căn nhà phố Huế

Ông Vũ Thành Công - thành viên CLB xe đạp Xưa và nay, sau đó thành lập CLB xe đạp Peugeot Hà Nội - là một trong những nhà sưu tầm xe cổ có số má. Trong ngôi nhà nhỏ của ông ở ngõ Văn Chương đang trưng bày, cất giữ khoảng 150 chiếc xe đạp Pháp cổ.

Chiếc được treo lên tường, nhiều chiếc vẫn phải đóng trong thùng vì thiếu chỗ trưng bày. Dù nhiều xe là thế, hằng ngày ông Công đều mở cửa hàng cho người đi đường nhìn ngắm.

Ông Công chia sẻ: “Nhà tôi trước kia ở đầu phố Huế, bố mẹ làm nghề sửa chữa xe đạp. Chỗ đó gần với trụ sở Đại sứ quán Pháp trên phố Trần Hưng Đạo nên nhiều người Việt làm trong sứ quán và người Pháp thường mang xe hỏng đến nhà tôi sửa.

Tôi khi đó mới học cấp II nhưng đã biết sửa xe phụ giúp gia đình, thường nếu sửa cho người Pháp chúng tôi ít lấy tiền. Đổi lại nhờ họ khi về Pháp mang phụ tùng sang VN giúp gia đình tôi. Năm 1972, sau thời gian làm nghề và mày mò, tôi tìm được một chiếc khung xe Pháp sau đó lắp phụ tùng vào và có một chiếc xe đạp của riêng mình.

Sau đó tôi bán xe được 1,6 triệu đồng và mua được một căn nhà nhỏ ở số 6 phố Huế - con phố trung tâm và sầm uất bậc nhất thủ đô. Giá để mua căn nhà lúc đó chỉ có 800.000 đồng, bằng 1/2 số tiền tôi bán chiếc xe đạp. Câu chuyện này đến giờ kể lại nhiều người không thể tin nổi nhưng đó là sự thật”.

Anh Phan Mạnh Tuấn, thành viên chơi xe đạp cổ Hà Nội, kể lại câu chuyện về chiếc xe đạp mang biển số EQ 166 của mình trong niềm xúc động vô cùng.

Anh Tuấn bảo thời xưa xe đạp phải có đăng ký và chiếc xe anh đang đi ngày nay là xe mà mẹ anh đã chở anh đi sơ tán khỏi Hà Nội giai đoạn Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Sau này anh lập gia đình sinh con, mẹ anh cũng chở con anh đi nhà trẻ bằng chiếc xe đạp đó.

Chiếc xe được đăng ký năm 1959, hai năm trước ngày anh được sinh ra, khi mà bố mẹ anh còn chưa cưới nhau.

“Chiếc xe này được bố tôi mua với giá 273 đồng, lương kỹ sư thời đó cũng chỉ có 50 đồng/tháng. Bố tôi dành dụm có tiền mua xe sau đó đứng tên bạn gái là mẹ tôi bây giờ, câu chuyện kỳ lạ thời bấy giờ vì đó là một gia tài” - anh Tuấn tâm sự.

Ông Hải (áo xanh) đạp xe
Ông Hải (áo xanh) đạp xe

Yêu xe như con

CLB xe đạp cổ Hà Nội Xưa và nay được thành lập năm 2008 và đến nay đã có hơn 70 thành viên. Mặc dù mới ra đời được chín năm nhưng trào lưu chơi xe đạp cổ của người Hà Nội đã xuất hiện gần 20 năm qua.

Trang phục của những người đi xe đạp cổ rất trang trọng, lịch lãm. Dù là đạp xe thể dục nhưng nhiều cụ ông với giày tây, áo vest, mũ phớt chẳng khác gì đang đi dự tiệc.

Ngồi bên bờ hồ lộng gió, thỉnh thoảng lại buông vài lời bình luận về một chiếc xe dựng trước mặt với ánh mắt say mê, bác Đoàn Văn Ưng (80 tuổi) là một trong những người chơi xe cổ lớn tuổi nhất Hà Nội. Bác Ưng nói chơi xe đạp cổ là niềm vui hoài cổ với người già, vừa giữ gìn sức khỏe. 

Bác Ưng nói: “Đi xe xong về nhà là phải lau chùi sạch sẽ không bám tí bụi bẩn nào rồi đem cất nơi thoáng mát, sau đó pha một ấm trà vừa uống vừa ngắm xe. Nếu có con ốc, chiếc đèn, chiếc lốp nào chẳng may hỏng thì phải kiếm đúng phụ tùng của dòng xe ấy, đời ấy để thay, nếu không thì không được.

Đặc điểm xe Pháp cổ là nước sơn rất bền, để 50-70 năm màu sơn nếu giữ gìn tốt thì có thể còn mới nguyên. Xe cổ mà sơn lại thì không ai chơi nữa, cái giá trị của nó là ở đó”.   

Còn ông Đoàn Văn Sóc (76 tuổi) tâm sự ngày xưa cuộc sống của mỗi gia đình đều in dấu trên chiếc xe đạp. Ông bảo nếu nhà ai có chiếc xe Peugeot cá vàng, cổ ngắn, lốp béo thì giá trị tương đương 4 cây vàng.

Chiếc xe hết bố đi làm đến mẹ đi chợ, rảnh thì con cái được mượn đi chơi. “Những năm bao cấp, ở cơ quan tôi cuối năm đều bình bầu thi đua, ai thuộc loại lao động xuất sắc thì mới được bốc thăm mua cái lốp xe đạp.

Chiều 30 tết xe được rửa lau chùi sạch sẽ để trước nhà ngắm nghía. Chiếc xe đạp đã gắn bó với cuộc đời con người và ngày nay thì là kỷ vật” - ông Sóc chia sẻ.  

Bán phụ tùng xe
Bán phụ tùng xe

Ngồi ở Hà Nội đấu giá xe đạp cổ ở châu Âu

Nổi tiếng nhất làng chơi xe cổ Hà Nội là vợ chồng ông Nguyễn Hồng Hải (60 tuổi) và bà Cao Thu Thủy. Ông Hải là dân chơi xe “chất” nhất với bộ sưu tập khoảng 100 chiếc xe đạp cổ đều được nhập từ Pháp và các nước châu Âu.

Bộ sưu tập của ông Hải được cho là vô giá bởi giá trị của những chiếc xe đã vào khoảng 1,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền đó là chưa kể hàng đống tiền vợ chồng ông bỏ ra để vận chuyển xe từ châu Âu về Hà Nội, sau những đêm mất ăn mất ngủ để lên mạng đấu giá xe.

Ông Hải bảo mỗi người có đam mê riêng, người thích xe hơi, người thích xe máy còn ông chỉ mê xe đạp cổ.

Ông chia sẻ: “Hơn một năm nay tôi không mua được cái nào mới bởi thị trường châu Âu giờ xe cổ cũng đã hết. Xe đạp cổ được bán đấu giá trên trang ebay.com, khi có xe tôi thường tham gia đấu giá trên mạng, mỗi năm mua được 2-3 chiếc.

Xe ở châu Âu rất đẹp, có loại đã 50-70 năm nhưng còn rất mới bởi khí hậu và bảo quản ở đây tốt. Có nhiều chiếc khi mua được phải tốn đến 5.000 euro”.

Dù vậy, bà Thủy vợ ông cho biết để mua được một chiếc xe cổ thì ông bà phải lùng sục trên mạng, thức đêm để đấu giá là chuyện thường. Vì mua qua mạng nên những rủi ro trong quá trình vận chuyển có thể làm xe hư hỏng.

Hầu hết xe đạp cổ châu Âu chỉ còn ở những khu vực vùng sâu vùng xa, núi đồi, vì thế để chuyển được một chiếc xe từ khu vực đó đến Hà Nội tốn tiền hơn cả mua chiếc xe. Bà Thủy chia sẻ: “Năm 1986 khi vợ chồng tôi cưới nhau, ông Hải mua tặng tôi chiếc xe Peugeot đập hộp da đồng giá 1 cây vàng. Đây là món quà tuyệt vời đối với tôi thời điểm đó”.

Hai yêu anh có Peugeot...

“Một yêu anh có Seiko (đồng hồ Seiko)

Hai yêu anh có Peugeot cá vàng (xe đạp hiệu Peugeot màu da đồng)

Ba yêu anh có téc gang (quần vải téc)

Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô”

Câu thơ kén chồng của các cô gái Hà Nội ngày xưa cho thấy giá trị của chiếc xe đạp Peugeot thời bấy giờ. Gia đình nào kinh tế khá giả, may mắn có chiếc xe đạp Pháp hiệu Peugeot hay các loại Mercier, Alcyon, Caminargents, Rochers... đều được xếp vào hàng “đại gia” như thời nay người ta vẫn gọi.

Chiếc xe đạp thời những năm 1950-1980 thế kỷ trước không chỉ là phương tiện đi lại, nó còn là món tài sản vô giá của mỗi gia đình và được ví như “ngôi nhà di động” của chủ nhân.

Xe Peugeot khung sắt đời 1962-1963 của ông Ứng
Xe Peugeot khung sắt đời 1962-1963 của ông Ứng
Mọi người ngắm xe
Mọi người ngắm xe


 

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên