Phóng to |
TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TP.HCM) phát biểu: “Nhà tham vấn tâm lý phải có kiến thức gia đình, phải hiểu biết các vấn đề pháp luật liên quan đến trẻ em, hiểu tâm bệnh học trẻ em...” - Ảnh: H.HG. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Khắc Huy, trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Tư vấn trường học sẽ là biện pháp chủ động, căn cơ để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong hoạt động ở nhà trường hiện nay. Tuy nhiên, thực tế lực lượng giáo viên tư vấn chuyên trách của các trường vẫn còn rất ít. Mặc dù sở đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhưng tính đến nay tổng số giáo viên tư vấn trong các đơn vị giáo dục mới chỉ gần 120 người”.
Giáo viên tư vấn làm giám thị
Sau nhiều lần chủ tọa buổi tọa đàm, ThS Trần Thị Kim Thanh (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP) và TS Đinh Phương Duy (chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM) đề nghị được nghe ý kiến của những người trực tiếp làm công tác tư vấn trường học, một giáo viên trẻ (đề nghị không nêu tên) mới rụt rè đứng lên kể: “Khi mới ra trường, tôi được Sở GD-ĐT TP đưa về một trường THPT làm giáo viên tư vấn tâm lý. Thế nhưng, hiệu trưởng nhà trường đã phân công tôi làm... giám thị. Phòng tư vấn được dùng chung với phòng giám thị, chỉ có mỗi bộ bàn ghế mà lại cách xa khu lớp học”...
"Nếu như ở các nước tiên tiến họ nói với học sinh: “Em đang mất bình tĩnh, tôi cho em vào phòng tư vấn để em được hỗ trợ, em sẽ bình tĩnh lại”, thì ở ta có người nói với học sinh: “Nếu em mà còn như vậy, tôi sẽ cho em vào phòng tư vấn” khiến học sinh vừa sợ vừa ngại" Ông Ngô Minh Uy (tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM) |
Sau này khi được chuyển về một trường khác, được ban giám hiệu trường quan tâm, bố trí cho một phòng tư vấn riêng với đầy đủ trang thiết bị, máy móc, hình ảnh hấp dẫn, có bánh kẹo cho học sinh... nhưng giáo viên này lại gặp phải “vấn đề” khác: “Một dịp tình cờ tôi đã nghe một giáo viên trong khi giảng dạy đã hỏi học sinh rằng: các em có xuống phòng tâm lý không, thầy nói những gì, chắc là thầy nói những điều trong sách vở thôi phải không vì thầy trẻ măng mà. Chưa hết, có phụ huynh còn thẳng thắn nói với tôi: Em trẻ như thế này lại chưa có con thì làm sao tư vấn?”. Theo lời giáo viên này, do mức lương không đủ sống nên anh phải tiết kiệm tối đa: đi làm bằng xe buýt và nấu cơm ở nhà mang theo ăn trưa.
Bị kỳ thị khi vào phòng tư vấn
BS Lâm Hiếu Minh - phó trưởng phòng khám trẻ em và bệnh viện ban ngày Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - phát biểu: “Mỗi năm chúng tôi khám hơn 30.000 bệnh nhân. Tôi vẫn ước trước khi đến với chúng tôi, các em đã ghé qua phòng tư vấn tâm lý học đường. Bởi khi đến bệnh viện, các em đã bệnh rồi”. BS Minh đề xuất những giải pháp nhằm chuyên nghiệp hóa tư vấn trường học: cần bình thường hóa phòng tư vấn học đường: nhà trường phải tổ chức nhiều hoạt động để học sinh dễ dàng tiếp cận với phòng tư vấn. Các em vào phòng một cách vui vẻ và thoải mái chứ không phải như hiện tại: ngại vào phòng tư vấn, sợ bạn bè kỳ thị, coi là “có bệnh hoặc có vấn đề” mới vô.
“Xây dựng mô hình tư vấn học đường hiệu quả trước hết phải tạo ra một môi trường tư vấn thân thiện, gần gũi, an toàn và riêng tư. Vai trò của người tư vấn cũng cần được xác định rõ: cố vấn học thuật, hướng nghiệp hay tham vấn tâm lý” - ThS Lê Thị Minh Tâm, Trường ĐH RMIT, nêu ý kiến.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Thu Hiên cũng cho rằng: “Muốn chuyên nghiệp thì phải thay đổi quan niệm về tư vấn học đường: nhiệm vụ của nó không chỉ giải quyết những “sự cố”, không chỉ phục vụ những học sinh “có bệnh”, mà phải là ổn định tâm lý cho tất cả học sinh trong trường. Về nhân sự nếu thiếu người thì ngành giáo dục có thể chọn những giáo viên đã về hưu, tâm huyết và có tư tưởng cấp tiến (không nên chọn người bảo thủ). Sau đó, chúng ta bồi dưỡng cho họ kiến thức về tư vấn tâm lý”.
“Cô nói nhảm nhí” Một giáo viên tư vấn ở quận 6 kể: “Học trò gặp vấn đề đến cầu xin: “Cô ơi, cô giúp con!”. Thế nhưng khi tôi đến nhà, lần đầu tiên phụ huynh có ra tiếp nhưng mới nghe nói vài câu đã kết luận: “Cô nói nhảm nhí, tôi không có thời gian để tiếp cô”. Lần sau tôi đến, chờ ba tiếng nhưng phụ huynh không tiếp, họ nói không có thời gian. Khi tôi viết thư cho học sinh mang về nhà thì nghe em nói lại là “ba mẹ em xé thư, không đọc cô ơi”. Khi tôi khuyên em nên nói chuyện với ba mẹ thì em kể là ba mẹ nói rất bận, con cần gì thì viết ra và dán vào tủ lạnh, nếu thiếu tiền ba mẹ sẽ cho tiền”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận