16/07/2020 09:05 GMT+7

Chuyện một người ở quận 9 đi xe công cộng ra quận 1 làm việc

PHẠM NGỌC TƠ
PHẠM NGỌC TƠ

TTO - Tôi ở chung cư E-Home 2 (quận 9), đi làm tại trung tâm quận 1 (TP.HCM). Cuối năm 2019, tôi quyết định để xe máy ở nhà và chọn cách di chuyển bằng xe 16 chỗ, dịch vụ xe công nghệ G.D.

Chuyện một người ở quận 9 đi xe công cộng ra quận 1 làm việc - Ảnh 1.

Vào giờ cao điểm các xe thường phải di chuyển chậm trên đoạn đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp chiều 15-7) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dân công sở có thể từ bỏ thói quen đi xe máy khi có chọn lựa tốt hơn không? Câu trả lời là có, qua câu chuyện của bạn đọc Phạm Ngọc Tơ.

Tôi ở chung cư E-Home 2 (quận 9), đi làm tại trung tâm quận 1 (TP.HCM). Cuối năm 2019, tôi quyết định để xe máy ở nhà và chọn cách di chuyển bằng xe 16 chỗ, dịch vụ xe công nghệ G.D. Cài app của G.D, đặt chuyến, xe sẽ đón tận chung cư và đưa đến tận cổng tòa nhà nơi tôi làm việc. 

Cùng chung cư tôi ở có vài người chọn cách này, vài chung cư gần đó (cách nhau khoảng 1km) có khoảng chục người nữa đi cùng chuyến với tôi, nhiều hôm kín khách xe 16 chỗ. Xe luôn có mặt đúng giờ, theo quy định tài xế chỉ đợi khách đúng 2 phút nhưng tôi toàn thấy người đợi xe, chưa bao giờ xe phải đợi người. Vì vậy, những chuyến xe chúng tôi đi luôn đúng giờ.

Tiện ích là gì? Thay vì lái xe máy với khói bụi, nắng mưa, chúng tôi ngồi an toàn trên xe máy lạnh (có thể mở máy làm việc nếu cần), tài xế và hành khách đều là dân công sở, văn minh, lịch sự. Vé đồng giá là 30.000 đồng/lượt, nếu tính cự ly 12-15km (tùy điểm đến) thì giá này chấp nhận được, rẻ hơn giá taxi và cũng "mềm" hơn giá xe công nghệ khác.

Dịch vụ đang được phát triển thêm nhiều xe, nhiều tuyến từ ngoại thành vào trung tâm (và ngược lại). Sau giãn cách vì Covid-19, xe vắng khách vì nhiều người quay lại với xe máy, khó khăn nhưng dịch vụ xe loại này vẫn cố gắng duy trì và phục hồi dần. Giờ có khi mẹ tôi đi khám bệnh hoặc cần đưa con vào nội thành, tôi chọn xe này vì giá chấp nhận được, dịch vụ tiện lợi, thanh toán không tiền mặt qua tài khoản.

Với tôi, đây là một dịch vụ tốt, có thể phát triển với phân khúc hành khách ở chung cư, làm công sở, cần đi về đúng giờ giấc và tiết kiệm thời gian như chúng tôi. Nếu được nhân rộng, hành khách đông thường xuyên, giá ổn định, đây là một phương tiện văn minh, lịch sự thay xe máy đi cự ly xa từ các quận ven vào nội thành.

Trong khi ngành giao thông thành phố tính đến xe buýt nhỏ để cơ động hơn khi vào trung tâm, các đường nhỏ thì thực tế dịch vụ này đã có và đang dần hoàn thiện. Có một thực tế hành khách xe buýt vẫn là sinh viên, người cao tuổi, nhiều người đi làm công ty như tôi rất ngại đi xe buýt vì không tiện đường, thời gian đi lâu hơn. Cần đa dạng các loại xe công cộng văn minh, lịch sự và phục vụ sát sườn nhu cầu các nhóm khách.

Được vậy, xe công cộng sẽ có thêm nhiều nhóm hành khách. Dần dần, khi thấy thuận tiện, người đi xe máy sẵn sàng cất xe ở nhà, tiết kiệm xăng, đỡ mệt người. Nói gì thì nói, lượng người cần đi học đi làm ở khu vực trung tâm không thể giảm. Giải pháp nhiều người đi chung xe chẳng phải là giải pháp tốt nhất sao? Và xe dịch vụ 16 chỗ phù hợp để thay thế hàng chục xe máy hoặc nhiều ôtô tiến vào khu trung tâm. Đây cũng là một giải pháp giảm xe cá nhân đang làm trên thực tế.

Quyết cải thiện, cần nhạc trưởng

TP.HCM hiện đã có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có hơn 825.000 ôtô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). 10 năm qua, thành phố tăng thêm hơn 4 triệu xe. Nếu chần chừ nữa, thành phố thêm người và xe, hạn chế xe cá nhân càng bế tắc hơn.

Năm 2009, vận tải hành khách công cộng TP.HCM đáp ứng 25-30% nhu cầu đi lại. Đến nay, tỉ lệ này đang là 4,3%. Bên cạnh sự phản đối từ người dân thì cũng có lỗi do cơ quan chức năng chưa thông tin đầy đủ lộ trình và người dân chưa thấy rõ hiệu quả quá trình triển khai. Giải pháp nào đưa ra đã bàn và quyết định rồi nhưng khi triển khai gặp khó thì ngưng.

TP.HCM từng dự kiến thí điểm làn riêng cho xe buýt trên 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ đến nay chưa thể triển khai. Từ năm 2003, thành phố từng triển khai thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1 và Q.5) nhưng đã dừng lại.

Vào thời điểm này, cấp thẩm quyền đã thông qua chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, thông qua chủ trương và kế hoạch thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm, phân vùng kiểm soát khí thải, tổ chức kế hoạch phát triển giao thông... Đó là thuận lợi. Cần có lộ trình cụ thể và quyết tâm, mạnh dạn làm, gặp trở ngại hay khó khăn phải tháo gỡ. Chúng ta không còn thời gian để dừng lại.

Cần kiên quyết xử lý xe máy quá niên hạn, khu vực nào đủ điều kiện, phương tiện công cộng đáp ứng thì hạn chế dần xe máy. Mạng lưới xe buýt cần được phủ rộng hơn, thuận tiện nhất để hành khách không phải chờ đợi quá lâu. Metro phải kịp hoàn thành và kết nối giao thông với các phương tiện công cộng khác...

Để thực hiện được những việc này, khối lượng công việc cho bài toán giao thông còn rất nặng nề. Thành phố cần một "nhạc trưởng" đủ thẩm quyền và năng lực để phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân và cụ thể hóa trách nhiệm với mọi chậm trễ. Và thông tin cho người dân rõ cũng là cách truyền thông để người dân đồng thuận và chấp hành.

Về kinh phí, ngoài vốn ngân sách, cần có chính sách tập hợp đủ nguồn lực, huy động thêm nhiều nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ngân hàng và các quỹ tín dụng.

TRẦN VĂN TƯỜNG

Cải thiện giao thông TP.HCM: Chờ ai, chờ bao lâu nữa? Cải thiện giao thông TP.HCM: Chờ ai, chờ bao lâu nữa?

TTO - Tình trạng giao thông ở Hà Nội đã có cải thiện sau 5 năm. TP.HCM chờ đến bao năm nữa nếu mỗi người ở thành phố này chưa quyết tâm thay đổi?

PHẠM NGỌC TƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên