Biên đạo Thùy Chi (bìa phải) cùng các diễn viên trẻ trên sàn tập vở múa Tổ quốc - Ảnh: Gia Tiến |
Sau nhiều nỗ lực tìm tòi, đây có thể xem là vở múa đầu tiên do Trường Múa TP.HCM thực hiện, được trình diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp và có bán vé!
12g30, không gian phòng tập ở trường múa thơm lừng mùi bún riêu và xôi vò! Ðây là giờ nghỉ trưa của các bạn diễn viên trẻ sau gần 4-5 tiếng tập luyện liên tục từ 8g sáng.
Những người có... máu liều
Sài Gòn những ngày tháng 3 nóng như đổ lửa, trong căn phòng tập quen thuộc ở lầu 4 Trường Múa TP, gần 40 diễn viên múa trẻ với áo ba lỗ, quần xắn cao mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm.
Thì ra từ hơn mười ngày nay, sáng hay chiều, người ta đều nghe lanh lảnh tiếng giáo viên đếm nhịp: “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám, mạnh lên”, huỳnh huỵch tiếng chân miết trên mặt sàn, tiếng đạo cụ va vào nhau chan chát, có tiếng cười giòn tan và cả những tiếng la thất thanh: “Trời ơi, chảy máu kìa!” khi gặp những tai nạn bất ngờ trên sàn tập...
Tổ khúc múa Tổ quốc đã được xây dựng từng ngày qua những buổi tập luyện nghiêm túc và lòng đam mê ở một tập thể toàn gương mặt mười chín đôi mươi.
Ít ai biết vở múa Tổ quốc được thực hiện hoàn toàn bằng tiền túi tạm ứng trước của NSND Hà Thế Dũng - người viết kịch bản và là cố vấn biên đạo cho chương trình; bằng mồ hôi và công sức của hai biên đạo trẻ Tạ Thùy Chi - Lương Xuân Thành, và nhất là bằng rất nhiều nhiệt huyết của 33 diễn viên múa trẻ là cựu học sinh trường múa, các học sinh đang theo học, các diễn viên bạn bè...
Tổ khúc múa Tổ quốc (kịch bản - cố vấn biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, biên đạo: Tạ Thùy Chi - Lương Xuân Thành) sẽ có hai đêm công diễn chính thức vào 20g ngày 20 và 21-3 tại nhà hát Quân đội TP.HCM. Ước mơ “nhỏ nhoi” của hai biên đạo trẻ là làm sao để 439 ghế ngồi tại nhà hát mỗi đêm sẽ chật kín người xem, bởi dẫu sao đây cũng là lần “ra quân” đầu tiên với những thử thách không nhỏ dành cho một êkip trẻ. Giá vé xem chương trình dao động 250.000-400.000 đồng/vé (riêng học sinh, sinh viên và nhóm mua từ sáu người trở lên sẽ được giảm 15%). Liên hệ mua vé qua số điện thoại 0908866700. |
Ðể hoàn chỉnh một tổ khúc múa xoay quanh con đường đấu tranh giành hòa bình đầy gian khổ của dân tộc dưới “đôi mắt xanh” của những người trẻ, bài toán khó mà các thầy cô giáo trẻ của Trường Múa TP cần giải quyết là biến một đề tài không dễ tiếp cận trở nên lôi cuốn hơn thông qua ngôn ngữ mềm mại của múa.
“Thật sự là “khoai” lắm đấy!” - biên đạo Xuân Thành nửa đùa nửa thật khi được hỏi về cách anh “làm mềm” vở múa lần này cùng Thùy Chi.
“Vở diễn có bốn phần thì giữ tiết tấu cho vở là điều nan giải nhất. Không thể lúc nào cũng hừng hực khẩu hiệu, hừng hực khí thế.
Ðôi lúc chúng ta cần những nốt lặng để khán giả được đằm lại trong cảm xúc, cần đến sự sâu lắng và tinh tế trong cách diễn, ví dụ như phần solo vai người mẹ của Chi trong vở” - Xuân Thành nói.
Thùy Chi thì thừa nhận những người tham gia thực hiện vở múa này đều là người có... máu liều! Liều vì không có xu nào nhưng vẫn hăm hở khí thế!
Ðể tiết kiệm tối đa chi phí phát sinh khi dựng vở, toàn bộ phần đạo cụ gồm hàng rào kẽm gai, dây thừng, bảng hiệu, cờ quạt... đều được các diễn viên lặn lội đến chợ đầu mối Kim Biên mua về rồi hì hục bỏ hai ngày tập luyện chỉ để làm thợ thủ công.
“Chúng tôi không muốn lặp lại những gì đã cũ. Bằng hiểu biết và cái lửa thật sự mỗi khi tập vở, chúng tôi nghĩ Tổ quốc không chắc sẽ là một tổ khúc múa hay nhưng có phong cách riêng” - Chi cười.
Và bằng lòng hăm hở như thế, Tổ quốc trong họ không chỉ thuần những cuộc đấu tranh, những trận đánh, những cuộc biểu tình mà còn là tình yêu, sự hi sinh, những đau đớn không thể nói bằng lời của một người mẹ...
Vì phải có lần đầu tiên
Rôm rả trong những phút nghỉ hiếm hoi là chuyện mọi người đã chia sẻ thông tin về vở diễn lên...Facebook nhà mình chưa, có bạn rú lên cười bảo:
“Em quên mất rồi, làm liền!”. Thùy Trinh - diễn viên múa solo chính trên poster của vở kiêm luôn... chị bán vé cho mọi người - cười tươi bảo: “Em chỉ nghĩ là sinh viên của trường, đóng góp được gì cho trường thì đều là niềm vui chứ không cực nhọc gì hết”. Trinh khoe cũng đã bán được hơn 100 vé...
Riêng Thế Chung - vừa là nam múa chính cùng Thùy Trinh vừa tất bật lo làm poster, làm trailer giới thiệu chương trình trên các trang xã hội - lại rụt rè nói:
“Thường tụi em cũng chạy sô các sự kiện, rồi múa lễ hội này nọ. Có vở diễn ở trường cũng là dịp mọi người được tề tựu về đây với nhau, thấy đam mê của mình vẫn còn nhiều...”.
Có lẽ cũng chỉ có đam mê mới khiến Chung tập hăng tới mức bật nhảy lên cao bị cánh quạt trần chém một đường sâu hoắm vào tay. Máu chảy, tay đau mà cũng chỉ ngồi ngoài được...15 phút!
Băng bó xong đã lại thấy cậu diễn viên quê tận Quảng Ngãi lăn lộn trên sàn tiếp tục luyện tập cùng mọi người. Không ai trong số họ đòi hỏi một đồng bồi dưỡng nào!
Nói về “đứa con tinh thần” của mình và những nỗ lực, tình cảm mà dàn diễn viên trẻ dành cho vở, NSND Hà Thế Dũng - chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM - tâm tình:
“Tất cả diễn viên, kể cả hai biên đạo chính của vở đều là những người sinh ra trong hòa bình. Với họ, cách mạng, đấu tranh... đều là những khái niệm xa lạ. Tập luyện cho vở múa cũng là lúc lịch sử ngấm dần vào họ lúc nào không biết. Ðây cũng là chủ trương học tập mà chúng tôi mong muốn sinh viên của trường theo đuổi”.
Gần như lạc cả giọng sau mỗi buổi tập và trưa nào cũng phải gọi điện xin lỗi ba mẹ vì không thể về ăn cơm, biên đạo Thùy Chi lại rất lạc quan và tin tưởng khi nhìn về hành trình phía trước của chương trình bởi theo Chi:
“Phải có những lần đầu tiên mới có những lần sau tiếp, cho nên dù khô, khổ, khó thì chúng tôi vẫn sẽ làm và làm tốt nhất có thể để giành được điều khó nhất là lòng tin của khán giả dành cho mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận