Các nhà thiết kế trầm trồ trước những hoa văn hiện đại của zèng - Ảnh: THÁI LỘC
Những người phụ nữ Tà Ôi trong trang phục thổ cẩm zèng truyền thống bước ra sân khấu, cầm theo bộ khung rất gọn; họ cùng ngồi khom lưng và cùng dệt zèng. Phía trước là mấy cậu, mấy cô người mẫu vận zèng hoặc dùng hoa văn zèng cách điệu...
Đó là chương trình biểu diễn thời trang tại Festival nghề truyền thống Huế tháng 4-2015, lấy zèng của người Tà Ôi làm trang phục đã gây ngỡ ngàng và thích thú cho hàng ngàn khách xem trong và ngoài nước.
Theo tôi, độ quý giá của zèng, cả phần hồn lẫn phần xác, cao hơn hẳn so với nhiều loại thổ cẩm khác
Nhà thiết kế MINH HẠNH
Vừa cổ xưa vừa hiện đại
Để có cảm hứng lẫn chất liệu cho sáng tạo, nhóm các nhà thiết kế nhiều vùng miền, dẫn đầu là nhà thiết kế Minh Hạnh, đã đến thực địa trong các bản làng Tà Ôi.
Bên trong ngôi nhà gươl của veel Ka Vin, xã A Đớt, có hàng chục tấm zèng treo xung quanh, ở giữa là hơn 20 người phụ nữ, từ 10 đến hơn 60 tuổi đang khom lưng ngồi dệt.
Các nhà thiết kế, người thì đo từng tấm vải, săm soi từng hoa văn; người thì chú tâm đến từng động tác dệt; trong khi người khác thì chú ý khung cửi lạ lùng, những mảng màu, những hình "kỷ hà" và hoa văn trên những tấm zèng.
Đó là những hoa văn có từ cổ xưa, được giải thích là mặt trời, ngọn núi, con sông, con dốc, loại cây, các loài muông thú hoặc linh vật mà người dân ở đây có cách gọi tên riêng. Chúng được dệt bằng sợi hoặc hạt cườm, trên nền màu đậm như đen, đỏ và xanh...
Các nhà thiết kế cảm thấy bất ngờ. Một người nói: "Có cả hoa văn hình máy bay, ôtô và xe máy nữa kìa!".
Người đang dệt là một phụ nữ chừng 50 tuổi, diễn giải: "Thì cả xe hơi, nhà lầu, cây cầu hay cái máy tính... ai ở đây cũng dệt được cả mà!".
Nhà thiết kế Minh Hạnh nói: "Để sử dụng loại thổ cẩm này vào thời trang là không đơn giản, đòi hỏi nhà thiết kế phải rất chắc tay. Song zèng chính là chất liệu rất phù hợp với thời trang hiện đại".
Zèng của người Tà Ôi với kỹ thuật xâu cườm khi dệt độc đáo - Ảnh: T.LỘC
Kỹ thuật độc đáo
Chúng tôi gặp chị Blup Thị Loan, 38 tuổi, người Tà Ôi, ở thôn A Roàng 1, xã A Roàng khi chị đang ngồi dệt zèng trong quán tạp hóa nhà mình. Bộ khung dệt đơn giản với nhiều thanh gỗ lớn nhỏ khác nhau. Phía trước là thanh ngang lớn "nhả sợi" được đẩy bởi hai bàn chân.
Chị Loan tỉ mỉ chia từng hạt cườm màu trắng cho đúng với hình của hoa văn rồi làm nhiều thao tác dệt, bằng tay.
Thực ra, nghề dệt zèng của người Tà Ôi khiến rất nhiều nhà nghiên cứu kỹ thuật dệt say mê, bởi sự "cổ xưa", kỳ lạ và độc đáo của nó, mà bộ phận chính yếu nhất chính là cơ thể con người.
Các nhà nghiên cứu từng ngạc nhiên ở chỗ, độ rộng của khổ vải tỉ lệ thuận với chiều cao của người dệt; phụ nữ chân càng dài thì khổ zèng được dệt càng rộng...
Chị Loan cho biết mỗi tấm zèng dệt siêng thì "cong lưng" trong khoảng một tuần, nếu làm thêm vài việc khác nữa thì trong 10 ngày, có khi nửa tháng. Mỗi tấm có xâu cườm, tùy vào tính chất và mật độ hoa văn mà được bán từ 800.000 đến hơn 1 triệu đồng.
Trừ chi phí vật liệu trong khoảng 200.000 đồng, mỗi ngày công bình quân khoảng 100.000 đồng.
Đó là đối với những phụ nữ tuổi trung niên như chị Loan, còn trẻ quá, hay người càng già thì dệt càng chậm hơn, tiền công cũng ít hơn. Tuy vậy, mức thu nhập như vậy kể ra đã là khá so với người dân vùng rẻo cao này.
Cho dù kỹ thuật dệt, hoa văn cũng như hình thức tấm zèng là "thuần Tà Ôi", song chất liệu của nó, từ cườm và các loại sợi, ngày nay toàn là "hàng công nghiệp" - theo lời chị Loan.
Các loại vật liệu như những hạt cườm đang được xâu thì bằng nhựa và sợi dệt cũng là sợi công nghiệp vì người Tà Ôi đã từ bỏ các vật liệu dệt truyền thống...
Bà A Viết Hợp (thứ ba từ phải) tham gia trình diễn thời trang zèng tại Nhật Bản - Ảnh: HIỀN ĐẶNG
Zèng đi muôn phương
Bà A Viết Hợp, chủ nhiệm HTX dệt zèng thổ cẩm A Lưới, nghệ nhân lành nghề bậc nhất người Tà Ôi hiện nay. Bà Hợp không biết mình học nghề từ bao giờ, bởi ăn nằm bên những khung dệt của mẹ, của bà và các cô dì từ bé. Công việc dệt zèng cứ thế "thấm vào máu".
10 tuổi bà đã tập dệt và trở nên thành thạo từ năm 14, 15 tuổi. Bà Hợp nói đầy tự hào rằng, zèng của dân tộc bà "đi tới mô, trong nước hay quốc tế người ta cũng rất thích thú!".
Bà Hợp kể về Minh Hạnh, người "chắp cánh" cho zèng Tà Ôi "đi muôn phương", tạo điều kiện cho bà trình diễn khắp nơi.
Bà chia sẻ về lần đầu được tham gia trình diễn dệt zèng trước hàng ngàn quan khách tại Festival nghề truyền thống Huế 2013, cho đến những lần trình diễn trên sân khấu thời trang tại các kỳ festival khác ở Đà Lạt, Lâm Đồng...
"Nhưng đặc biệt hơn cả, bạn biết không, tôi đã trình diễn nghề dệt của mình ở nhiều thành phố của Nhật Bản, Pháp và Thái Lan. Chỗ mô họ cũng xem rất đông, mình không bán nhưng mấy bà Tây năn nỉ mua cho bằng được.
Người ta quay phim, chụp ảnh, quan sát, hỏi han liên tục. Thì ra, zèng của người Tà Ôi mình rất đặc biệt mới nhận được sự quan tâm đến mức như vậy!" - bà Hợp tự hào.
Dệt bằng vật liệu truyền thống, zèng sẽ rất đắt
Tại thôn A Roàng 1, chúng tôi gặp được cụ bà Klum Cân Nơ, 70 tuổi. Bà cho biết thế hệ của bà ai cũng biết cách làm ra các loại vật liệu dệt truyền thống ngày xưa.
Theo bà, trước đây người Tà Ôi từng trồng bông kéo sợi để dệt. Họ có hẳn một công nghệ nhuộm hoàn toàn bằng các loại cây cỏ. Trong đó, ngoài sợi bông đã có màu trắng không cần nhuộm; để tạo màu đỏ, người ta vào rừng đào củ achat (một loại cây leo) về xắt lấy nước nhuộm.
Tương tự, củ cây leo prac thì tạo màu vàng. Màu đen thì dùng vỏ ốc suối giã nhỏ, ủ với cây tarom. Màu nâu thì được tước từ vỏ cây leo a-ngươn, phơi khô rồi se lại thành sợi. Riêng hạt cườm thì người ta dùng chì nấu và đổ thành từng hạt nhỏ tạo lỗ để xâu…
"Ngày nay thì người mình không thấy ai dùng những cách làm xưa như vậy vì làm rất lâu và nếu tạo được một tấm zèng, giá sẽ rất đắt!" - cụ Cân Nơ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận