Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Phóng viên TTO đã có buổi trò chuyện cùng bà:
* Khi VinFast có màn ra mắt tại Paris Motor Show hồi năm ngoái, bà đã chia sẻ là nên ủng hộ tinh thần thương hiệu này. Sau 1 năm, quan điểm của bà về thương hiệu này hiện nay như thế nào?
- Tôi vẫn tiếp tục ủng hộ VinFast và tin rằng đây là một dấu hiệu phát triển tốt của doanh nghiệp Việt và công nghiệp nước nhà. Tôi cũng mừng là loạt xe ra đầu tiên có nhiều khách hàng trong nước đặt mua, trong đó có nhiều doanh nhân.
Các doanh nhân không dễ dãi, và họ hiểu hơn ai hết những vất vả trên thương trường để đưa ra được sản phẩm mới, cạnh tranh với các đại gia ôtô trên thế giới như thương hiệu này.
Đương nhiên, tôi cũng hiểu, năm qua là một năm mà đơn vị này đã phải vượt qua rất nhiều thách thức. Trước hết là sức ép cạnh tranh không hề nhỏ từ bên ngoài, nhất là từ năm ngoái khi Việt Nam dỡ hàng rào thuế quan với ôtô nhập khẩu theo các cam kết hội nhập quốc tế.
Từ phía trong nước, nhiều người ủng hộ sự phát triển của thương hiệu này với mong muốn Việt Nam sẽ có thương hiệu ô tô của riêng mình. Ngược lại, nhiều người vẫn còn mang theo sự ngần ngại, thậm chí nghi ngờ. Họ cho rằng VinFast giống như nhiều thương hiệu ôtô khác, chỉ nhập khẩu và lắp ráp ở Việt Nam mà thôi chứ chưa thực sự là của Việt Nam.
Trên thế giới, không có chiếc ôtô nào mà mọi bộ phận của nó chỉ sản xuất ở một nơi. Các đại gia ôtô thế giới vẫn đang đặt hàng bên ngoài. Ngành ôtô tự hình thành chuỗi giá trị của nó theo sự phân công lao động quốc tế với các bộ phận khác nhau được sản xuất ở các nơi khác nhau.
Một chiếc xe "Made in Germany" của Đức, "Made in USA" của Mỹ hay "Made in Japan" của Nhật… cấu kiện được sản xuất ở các nước khác đều rất nhiều, trong đó có cả sự đóng góp của các nước đang phát triển.
Ở nước khác, người ta coi đó là chủ động đặt hàng bên ngoài, còn ở Việt Nam nhiều người lại cho rằng vì không làm được nên phải nhập khẩu. Đó vừa là cách nhìn nhận chưa đúng, vừa là thái độ thiếu công bằng với hàng Việt.
* Tại sao giá ôtô VinFast được cho vẫn cao dù sản xuất trong nước?
- Cần khẳng định ngay tôi không chờ đợi ôtô Việt giá rẻ. Với thương hiệu này, hiện tại dù muốn họ cũng khó bán với giá thấp hơn nữa. Một phần vì quy mô sản xuất còn nhỏ nên giá thành sản xuất chắc chắn cao.
Khi đã có thị phần như kỳ vọng thì họ mới mở rộng được quy mô sản xuất tới mức đạt hiệu quả về kinh tế, lúc đó mới có giá thấp hơn được. Cũng cần phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ.
Chúng ta hãy nhìn vào ôtô lắp ráp của các thương hiệu nước ngoài ở Việt Nam, họ vào đã 20 năm nhưng giá vẫn không rẻ hơn nhập được, thậm chí còn đắt hơn các nước xung quanh. Nguyên nhân một phần cũng vì quy mô sản xuất còn nhỏ. Vì thế thời gian ban đầu đừng chờ đợi xe VinFast giá rẻ.
* Ngoài ra, còn yếu tố nào khiến giá ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nói chung và ôtô thương hiệu này nói riêng còn ở mức cao, thưa bà?
- Phần áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước hiện còn bất hợp lý. Theo tôi, cần thay đổi ngay.
Hiện nay, ta vẫn đánh thuế này với toàn bộ chiếc xe nhưng tôi nghĩ nên bóc tách ra. Phần nội địa hóa được nếu mình vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Chúng ta phải khuyến khích, động viên, hỗ trợ phần nội địa hóa mới đúng.
Ngoài ra, tôi thấy từ lâu Bộ Tài chính đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để phục vụ cho việc chế tạo các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ôô.
Chính phủ nên sớm thông qua đề xuất này. Khi đó ngành công nghiệp phụ trợ có cơ hội phát triển, giá xe Việt sẽ đáp ứng tốt hơn kì vọng của người dân Việt và quan trọng nhất là doanh nghiệp sản xuất có động lực tốt để phát triển, cống hiến nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.
* Sản xuất ôtô là ngành công nghiệp quan trọng, là đầu tàu kéo theo nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Bà có thể phân tích cụ thể hơn về vai trò này?
- Tôi nhớ mãi chuyến sang Nhật Bản cuối những năm 1980, đến thăm nhà máy của hãng Isuzu khi họ muốn giới thiệu sản phẩm sang Việt Nam. Lúc đó, họ chỉ có 3 nhà máy lớn nhưng có tới mấy nghìn nhà máy vệ tinh ở ngay chính Nhật Bản và ở các nước khác để sản xuất linh kiện cho Isuzu.
Ngành ôtô là thế, nó vừa cần các ngành phụ trợ, vừa tạo điều kiện cho một loạt các ngành phụ trợ phát triển. Trong đó có nhiều ngành phụ trợ thuộc về các lĩnh vực cơ bản như cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử… rất cần thiết cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tương lai.
Đó cũng là lý do vì sao các quốc gia phát triển có qui mô kinh tế lớn đều có ngành công nghiệp ô tô của riêng mình!
Xin cảm ơn bà!
Xe 1 tỉ đồng "cõng" 500 triệu tiền thuế, phí
Theo đại diện VinFast, với một chiếc VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn giá 1,04 tỉ đồng được sản xuất hoàn toàn trong nước, hãng xe phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) tương đương 95 triệu đồng.
"Sau khi trừ đi khoản này, Lux A2.0 phải chịu thêm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sử dụng động cơ 2.0L, tương đương 270 triệu đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng trung bình của các hãng xe rơi vào khoảng 15%, nên chúng tôi sẽ mất 127 triệu đồng cho mỗi chiếc xe nói trên.
Tổng số thuế, phí mà chiếc xe phải 'cõng' lên tới 492 triệu đồng, chưa kể mức thuế nhập khẩu linh kiện 10% - 25% mà chúng tôi phải nộp trong quá trình sản xuất ra chiếc xe này (có thể lên tới hơn 100 triệu đồng)", vị này cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận