10/06/2004 11:27 GMT+7

Chuyên gia Nhật Bản: Hoàng Thành có phần hơn cả La Mã

 Giáo sư Nhật Inoue
 Giáo sư Nhật Inoue

Nhận lời mời của Viện Khoa học xã hội VN, từ 5 đến 9-6, 6 chuyên gia khảo cổ Nhật Bản đã sang thăm và nghiên cứu di tích khảo cổ Hoàng thành. Sáng 9-6, tại Viện Khảo cổ học, các chuyên gia Nhật Bản đã có những đề xuất đầu tiên về bảo tồn khu Hoàng thành.

mbh2pREP.jpgPhóng to

Nhận xét về di tích này, GS-TS Inoue Kazuto - Trưởng đoàn chuyên gia cho biết: “Đây là công trình không chỉ có ý nghĩa với VN mà còn với giới khảo cổ thế giới. Để từng bước nghiên cứu, bảo tồn và xác định đúng ý nghĩa của di tích, nên sớm có một chiến lược rõ ràng cho từng thời kỳ, ngắn hạn và dài hạn, vừa khai quật vừa nghiên cứu và bảo tồn...”.

Theo Giáo sư Ueno, ấn tượng đầu tiên là di tích được bảo vệ trong lòng đất khá tốt. Tầng văn hoá dầy và cấu trúc phức tạp. Mật độ di tích ở cả bốn khu A, B, C, D rất dầy, quy mô di tích rất rộng.

Ở Đông Á có rất nhiều di tích kinh thành, nhưng rất hiếm có nơi nào như ở khu vực Ba Đình. Đây cũng là di tích duy nhất ở châu Á, mà Hoàng thành và Cấm thành chồng chất lên nhau từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối cùng. Các di tích này có chất lượng rất cao, chứng tỏ trí tuệ của người VN rất cao. Từ các nền móng có thể thấy các công trình phía trên có kích thước rất cao và trọng lượng rất nặng. Về mặt giá trị và nội dung, có thể so sánh Hoàng Thành với La Mã và có phần hơn cả La Mã.

Trong khi đó, Giáo sư Inoue, người đã nghiên cứu hơn 30 năm ở kinh thành Nara (Nhật Bản), ở Trung Quốc, Triều Tiên... thì cho rằng: Mọi người đều có thể nhìn và xúc động, cảm nhận được ngay giá trị của di tích. Ông ngạc nhiên về chất lượng di tích rất cao ở đây, tương đương với di tích cung đình, hoàng thành ở các thời khác nhau, từ trước thời Lý đến thời Nguyễn. Điều này rất quý hiếm và là di sản để hiểu biết thêm về lịch sử VN. Vị trí của khu A đến khu D là thuộc Hoàng thành nhưng cũng rất gần cấm thành. Ông kết luận, đây là nơi ở của hoàng tộc, của vua và gia đình nhà vua.

Các chuyên gia khác trong đoàn cũng đánh giá cao công tác khai quật của các nhà khoa học VN, đồng thời cho rằng, điều quan trọng nhất bây giờ là phải xây dựng được các phương án tiếp tục khai quật, bảo tồn, trưng bày cả khu di tích và các hiện vật. Trước mắt cần xác định phạm vi của cả Hoàng Thành một cách nhanh chóng và tiến hành giáo dục ý thức nhân dân, mới có thể bảo vệ được.

Đối với những nơi đã khai quật cần tính toán việc trưng bày, lưu giữ lâu dài. Việc nghiên cứu cũng cần đi sâu hơn nữa. Từ việc nghiên cứu khu vực đã khai quật, dễ dàng nhận thấy là khu vực xung quanh cũng sẽ có những di tích. Các chuyên gia Nhật Ban cũng đánh giá: Việc nghiên cứu Hoàng thành sẽ góp phần làm rõ thêm lịch sử VN và lịch sử châu Á và thế giới. Vì thế phải bảo vệ toàn bộ khu vực này.

Dự kiến vào cuối tháng 6 này, đoàn chuyên gia sẽ đưa ra những phương án bảo tồn di sản vô cùng quý hiếm này .

* Xem những tin bài liên quan về Di tích Thăng Long

 Giáo sư Nhật Inoue
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên