Những ngày dịch COVID-19 căng thẳng tại Đắk Lắk, chị Đặng Thị Khánh Huyền (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột), cho biết mấy tháng gần như chị không ra ngoài đường để hạn chế tiếp xúc, bảo vệ cộng đồng. Tuy vây, các hóa đơn tiền điện, tiền nước... cũng chỉ cần ngồi nhà, thông qua ứng dụng để chi trả.
Thực hiện chuyển đổi số, khách hàng không cần đến điểm giao dịch mà chỉ cần các thiết bị thông minh. Ảnh: Như Thuần
Ngày một nhanh chóng, tiện lợi
Theo chị Huyền, các dịch vụ bên điện ngày càng một nhanh chóng, thanh toán dễ dàng. "Không cần phải như trước kia, đi thanh toán tiền điện cũng phải chen lấn rất mất thời gian, thời đại công nghệ nên áp dụng công nghệ để thuận lợi hơn cho người dân", chị Huyền chia sẻ.
Tương tự, chị Đào Thị Vân Anh (phường Tự an, TP Buôn Ma Thuột), cho hay thanh toán tiền điện chỉ cần thông qua ngân hàng hay yêu cầu các dịch vụ liên quan đến sửa chữa rất nhanh bởi có các nhóm zalo hay có thể gọi phản ánh trực tiếp lên tổng đài.
Nhờ áp dụng chuyển đổi số với các hình thức thanh toán trực tuyến, thông qua ngân hàng, ví điện tử…ngành điện Đắk Lắk đang dần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Trao đổi về vấn đền này, ông Hà Văn Chương – phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk), nhận định việc chuyển đổi số là điều tất yếu nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa các quy trình nội bộ và các giao dịch với khách hàng.
"Mục tiêu đặt ra là việc xây dựng cơ sở hạ tầng từng bước hướng tới xây dựng doanh nghiệp số, lấy khách hàng sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm là một chương trình dài hạn.
Bởi được triển khai từ năm 2015 đến nay PC Đắk Lắk đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trực tuyến điện tử đạt gần 99% trên toàn bộ lượt giao dịch trong năm và tỷ lệ khách hàng chọn hình thức thanh toán online tăng trên 70%.
Trong đó, kênh điện thoại chiếm tỷ trọng 90%, kênh Website chăm sóc khách hàng, cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia 8,5%, phần còn lại được kết nối email và Zalo chăm sóc khách hàng.
Năm 2021 được chọn là năm chuyển đổi số không chỉ ở công ty Điện lực Đắk Lắk mà của cả Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)", ông Chương cho biết.
Nhân viên điện lực kiểm tra mang dây để nâng cao chất lượng truyền tải điện. Ảnh: Như Thuần
Định hướng lâu dài
Ông Chương nói thêm, xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với công tác điều hành quản lý, vận hành hệ thống cung ứng điện cho đến kinh doanh dịch vụ khách hàng… PC Đắk Lắk đã và đang tích cực thực hiện các mục tiêu dài hạn theo giai đoạn 2021 – 2022, hướng đến năm 2025.
Bước đầu nhằm thay đổi nhận thức, chuyển biến tư tưởng trong cán bộ, nhân viên đối với quá trình chuyển đổi số để ứng dụng hóa công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hướng tới số hóa khách hàng nhằm lấy khách hàng là trung tâm cung cấp các dịch vụ gia tăng đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
Đồng thời đơn vị cũng đẩy mạnh các ứng dụng mới trong chăm sóc và dịch vụ khách hàng, cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác "mọi lúc, mọi nơi" trên không gian số nhằm nâng cao mức độ hài lòng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Không dừng lại PC Đắk Lắk sẽ khai thác thêm các phương thức giao tiếp trực tuyến với khách hàng thông qua App ứng dụng, Fanpage, Facebook, trung tâm hành chính…
Qua các kênh này khách hàng được theo dõi cập nhật thường xuyên về các dịch vụ điện, sản lượng điện sử dụng, hóa đơn tiền điện hằng tháng và có thể liên hệ để được giải quyết các yêu cầu về dịch vụ.
Bên cạnh đó, để giải quyết nhanh chóng các yêu cầu phát sinh của khách hàng trong quá trình sử dụng điện, PC Đắk Lắk đã tích hợp cung cấp dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Đắk Lắk cung cấp 14 dịch vụ điện tử mới.
Công ty cũng đang dần thay thế hợp đồng truyền thống bằng hợp đồng điện tử, tích hợp cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến điện theo hình thức trực tuyến.
Nhằm tăng độ chính xác và nâng cao chất lượng đến khách hàng hệ thống đo đếm cũng đã được hiện đại hóa hoàn thành với 100% lắp đặt công tơ điện tử. Với việc triển khai đồng bộ hệ thống đo đọc chỉ số công tơ từ xa qua hệ thống RF-Spider (thu thập dữ liệu công tơ hoàn toàn tự động).
Riêng trong năm 2021, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ công ty cũng đã xây dựng được nền tảng cơ bản về hạ tầng hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin. Trước mắt cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, hướng tới xây dựng doanh nghiệp số trong tương lai.
"Qua quá trình chuyển đổi, đến nay các dịch vụ điện đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng bởi giao dịch ngày càng một nhanh chóng và thuận lợi. Khi sử dụng dịch vụ không cần phải trực tiếp đến quầy giao dịch mà hoàn toàn có thể thực hiện trên các thiết bị điện tử thông minh", ông Chương thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận