13/06/2005 00:23 GMT+7

Chuyện chưa kể trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

TT - Những trang nhật ký mà chúng ta vừa được đọc chỉ là một phần của cuốn sách dày 320 trang in. Bản thảo gốc là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilông màu xanh, với tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, rất ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen.

AvvNDxQ4.jpgPhóng to

Tác giả bài viết và ông Nguyễn Văn Thục (phải) bên mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm, Hà Nội

TT - Những trang nhật ký mà chúng ta vừa được đọc chỉ là một phần của cuốn sách dày 320 trang in. Bản thảo gốc là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilông màu xanh, với tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, rất ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen.

Cuộc hành trình 33 năm của cuốn sổ tay

Cuốn sổ nói trên được Nguyễn Văn Thạc gửi về nhà từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh), trước khi vào mặt trận và hi sinh sau đó gần hai tháng. Tuy nhiên, do điều kiện thời chiến, bưu điện phải gửi giấy báo tới lần thứ ba, gia đình anh mới có người ra nhận. Chỉ chậm một hai ngày nữa là bưu phẩm có thể bị trả lại và chắc chắn sẽ bị thất lạc vì người gửi đã ra mặt trận và hòm thư đơn vị cũng thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Thục (anh ruột của Nguyễn Văn Thạc) là người đầu tiên đọc những trang ghi chép nêu trên. Ông cho rằng người giữ cuốn sổ thiêng liêng này không ai xứng đáng hơn là chị Phạm Thị Như Anh. Cũng giống như bao cô gái khác, lúc đầu chị Như Anh không tin người bạn trai thân thiết của mình đã chết.

Nhưng sự thật phũ phàng đã khiến chị sụp đổ, chán chường và buông xuôi số phận. Như Anh đã “xé rào” để kết hôn với một người Đức (thời đó ở miền Bắc, chuyện “lấy Tây” là rất ầm ĩ và không chấp nhận được!). Và cuốn sổ ghi chép của Nguyễn Văn Thạc đã theo TS Phạm Thị Như Anh đi định cư tại nước ngoài...

33 năm sau cuộc chiến đẫm máu ở Quảng Trị, người anh ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã tiết lộ với tôi về cuốn sổ nhật ký nêu trên. Ông nói: “Nếu muốn công bố thì phải được sự đồng ý của Như Anh. Đã từ lâu gia đình tôi coi em nó như dâu con trong nhà”.

Qua địa chỉ e-mail và cả điện thoại, đã nhiều lần chúng tôi liên lạc với TS Phạm Thị Như Anh, một Việt kiều đang định cư tại Hannover (CHLB Đức), để thuyết phục chị. Tháng 12-2004, chị Như Anh đã bay về nước và mang theo cuốn sổ nói trên. Ngồi trong phòng làm việc của tôi, người đàn bà nổi tiếng là nghị lực và thông minh này đã vừa khóc vừa kể lại những kỷ niệm của mình với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Chị bảo chính linh hồn của Thạc đã thúc giục chị phải trao “số phận” của cuốn nhật ký này cho một nhà thơ như tôi.

Mãi mãi tuổi hai mươi đã ra mắt bạn đọc như chúng ta đã biết.

Ngày cuối cùng của người lính Nguyễn Văn Thạc

Nhật ký, trang cuối cùng

...Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính.

Ừ, nếu như tôi không trở lại, ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.

Một ngày cuối tháng 5-1972, Hà Tĩnh

Anh lính binh nhì

Trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị sáng 30-7-1972, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc được giao nhiệm vụ bảo đảm liên lạc cho trung đoàn 101, sư đoàn 325...

Sau này, một chiến sĩ cùng tiểu đội với anh là Nguyễn Quang Minh đã kể lại: Loạt đạn pháo của địch rơi đúng chỗ Thạc. Khi những tiếng nổ dữ dội vừa dứt, khói và bụi còn chưa hết, Minh và một chiến sĩ nữa là Chương cùng chạy ra thì đã thấy Thạc nằm đó. Một mảnh pháo chém ngang hai đùi của anh, máu chảy ướt đẫm ống quần.

Chương hốt hoảng hỏi:

- Thằng Thạc chết rồi à?

Mắt Thạc nhắm nghiền. Anh rên khe khẽ và nói trong đau đớn:

- Không, Thạc vẫn còn sống mà, chưa chết đâu.

Máu ra nhiều lắm. Mấy anh em vội xúm lại băng bó rồi khiêng Thạc lên trạm phẫu tiểu đoàn, với hi vọng “còn nước còn tát”. Các giấy tờ, sổ sách, quần áo của Thạc được anh em nhét chung vào balô của anh Y, một thương binh khác (nhưng khi ra tới Quảng Bình thì anh Y đã hi sinh, balô đựng di vật liệt sĩ bị thất lạc...; cùng ngày hôm đó, tiểu đội của Thạc hi sinh bốn người: Y, Bình, Được và...).

Minh chạy theo cáng thương, rơm rớm nước mắt động viên Thạc:

- Cố lên Thạc nhé. Gắng điều trị cho nhanh khỏi, hòa bình rồi có điều kiện ghé qua nhà mình chơi...

Thạc nói khẽ, thều thào trong hơi thở đứt quãng:

- Không... Mình tỉnh thế này tức là... sắp chết rồi... Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa... Bao dự định còn dang dở...

Kể từ đó Thạc không nói thêm được câu nào nữa. Anh đã tắt thở trong vòng tay của đồng đội. Như nhiều người lính hi sinh ngoài chiến trường, thi hài của anh được bọc trong một tấm tăng nilông và chôn cất ngay tại mặt trận.

Ở nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm...

Trong một lá thư viết năm 1973 gửi cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, một đồng đội của anh là Đặng Trực Ngôn (hiện là đại tá, chỉ huy trưởng căn cứ hải quân 696) đã thông báo địa điểm chôn cất Thạc.

Cuối năm 1976, Công ty 16 của Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ khôi phục tuyến đường Hiền Lương - Dốc Miếu sau chiến tranh. Với cương vị phó chủ nhiệm (như phó giám đốc hiện nay) ông Nguyễn Văn Thục đã báo cáo cơ quan, xin phép được vượt sông Thạch Hãn đi tìm mộ em trai mình.

Hồi đó, mộ liệt sĩ còn nằm rải rác khắp mặt trận, trong mấy ngày liền, anh xã đội trưởng xã Triệu Long đã nhiệt tình dẫn ông Thục đi bộ khắp địa phương và cả vùng lân cận. Họ cùng xem xét hàng ngàn ngôi mộ nhưng không thấy có tên Nguyễn Văn Thạc. Tưởng đã hết hi vọng thì anh này chợt nhớ ra ngay sau vườn nhà mình còn ba ngôi mộ nữa... Ông Thục mừng rưng rưng nước mắt khi thấy một bia mộ có tên em trai mình. Ông định bốc một nắm đất mang về Hà Nội để thờ nhưng sau lại thôi vì chợt nảy ra ý định khác.

Một tháng sau, ông Thục trở lại Triệu Long cùng chiếc vali mới và đồ cúng lễ mua ở chợ Đông Hà. Ông đề nghị chính quyền địa phương và bà con trong thôn giúp đỡ để đưa hài cốt em trai về quê. Khi ngôi mộ được đào lên, người anh trai đã không cầm được nước mắt vì nhận ra em mình: mái tóc cắt ngắn với rất nhiều sợi bạc, hai đùi vẫn còn nguyên cả garô vết thương...

Khi đưa được hài cốt em trai về tới Hà Nội thì vẫn còn dở chuyến công tác, ông Thục chưa muốn cho ai biết nên đành giấu chiếc vali lên gác. Nhưng được đôi ngày, sợ người nhà tò mò mở vali tình cờ phát hiện, ông phải đưa nó vào tủ quần áo của mình và khóa lại. Mãi 10 ngày sau, đã 28 tết âm lịch, mới có thời gian rảnh, ông Thục tự đi liên hệ chỗ chôn cất rồi thông báo cho cả gia đình biết.

Một đám tang lặng lẽ, đầy nước mắt diễn ra âm thầm ngay tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm. Tự tay người cha già, cụ Nguyễn Văn Huệ, đã chuyển từng phần hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từ chiếc vali sang tiểu sành, rồi rắc nắm đất đầu tiên, đắp mộ cho con trai mình. Người con trai mãi mãi 20 tuổi...

NGUYỄN VĂN THẠC

(Tặng Như Anh - tác giả của 12 bài thơ Đêm)

Đêm trắng trong là đêm của emĐèn thành phố và sao trời lẫn lộnĐêm của anh xếp kín đầy bom đạnPháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa.

“Đêm trắng trong như màu sắc thiên ngaĐêm âu sầu như ngôi nhà đổ nátĐêm đen ấy mà vô cùng dịu mát...”Bâng khuâng gì trong ban đêm em ơi?

Đêm của anh trong tầm bom rơiKhông thể ngủ nên đêm thành đêm trắngĐêm bão thép chất chứa nhiều sâu lắngBà mẹ sinh con trai trong mờ tối căn hầm.

Những ban đêm thành cột mốc tháng nămĐêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắngĐêm thao thức đón chờ ánh sángĐêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời.

Quảng Bình, 11-7-1972

--------------

(Đây là bài thơ cuối cùng Nguyễn Văn Thạc gửi cho người thân. 19 ngày sau anh hy sinh - Đ.V.H.)

ĐẶNG VƯƠNG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên