26/10/2013 05:17 GMT+7

Chuyện chị Kiều

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Ở khu Thế Trinh B, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có một người vợ cặm cụi mưu sinh bằng nghề làm nước rửa chén rồi đạp xe đi khắp nơi bán, nuôi mẹ chồng già yếu, nuôi chồng bệnh tâm thần và hai đứa con đang tuổi ăn học. Đó là chị Lâm Thị Thanh Kiều, 39 tuổi.

IGzu3fhG.jpg
Chị Kiều dìu anh Huỳnh tập đi từng bước - Ảnh: Minh Tâm

Nhắc đến chị, ông Nguyễn Minh Công, trưởng khu vực Thế Trinh B, tấm tắc: “Chị ấy là một người vợ, người dâu tận tình chu đáo. Tính tình lại rất đằm thắm, thuận thảo với xóm giềng nên bà con lối xóm ai cũng thương”.

Tai họa ập đến

"Vợ chồng là duyên nợ ba sinh, làm sao bỏ nhau được"

Chị Lâm Thị Thanh Kiều

Ngôi nhà bốn bề lợp tôn, mái thấp lè tè, mới hơn 9g mà hơi nóng phả hầm hập. Người chồng, anh Huỳnh Hữu Huỳnh, 42 tuổi, ngồi thu lu trên góc giường, lấm lét nhìn tôi với ánh mắt đờ dại. Hai đứa con lui cui thổi lửa, thức ăn hôm nay là canh đu đủ lõng bõng nước. 11g, chị Kiều đi bán nước rửa chén về. Khi thấy dáng vợ dẫn xe đạp lọc cọc vào nhà, người chồng nhổm dậy, ánh mắt vô hồn chợt lóe lên tia mừng rỡ. Áo đẫm mồ hôi, mặt bơ phờ nhưng chị Kiều không nghỉ ngơi mà vội đút cơm cho chồng. Chồng cứ y như đứa trẻ, khi há miệng ăn nhưng có khi lắc đầu mặt cau lại không chịu, vợ nhẹ giọng: “Ngoan, vợ thương, ăn xong mình đi dạo”. Xong cũng gần 12g, lúc này chị Kiều mới ăn.

Cơm nước xong, chị xoay sang gội đầu, tắm rửa cho chồng, chị bảo: “Hổm rày trời nóng dữ, ngày phải tắm rửa mấy chập, nếu không có khi chịu không nổi ảnh lên cơn quát tháo, tội nghiệp ảnh, cũng tội nghiệp mấy đứa con”. Chồng ngủ, cũng đã hơn 13g. Hai con đi học, chị lại bắt đầu pha nước rửa chén chuẩn bị cho buổi mưu sinh ngày hôm sau. Chị kể anh và chị yêu nhau hai năm, tình nghèo kết thúc bằng đám cưới nhỏ. Anh bốc vác cá thuê. Chị làm nước rửa chén rồi đạp xe đi bán dạo. Hai đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống tuy chật vật nhưng đầm ấm.

Cứ tưởng niềm hạnh phúc đơn sơ bình yên trôi nhưng rồi vận rủi cứ liên tục kéo đến khi chị bị vướng căn bệnh đái tháo đường, kế đó con gái đầu lòng bị viêm não Nhật Bản đã đẩy gia đình vào chỗ khốn khó. Anh ráng gồng người làm việc gấp đôi lo cơm gạo thuốc men cho vợ con. Nhưng rồi cái ước muốn lo cho gia đình của anh cũng gãy đổ do tai họa bất ngờ ập xuống: một buổi đi làm về anh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não.

Vợ chồng sao bỏ được

Thời gian chồng nằm ở bệnh viện, chị phải chạy vay mượn mới đủ tiền viện phí cho anh. Tuy giữ được mạng sống nhưng anh trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn như đứa trẻ lên 3. Chân và tay phải bị liệt. Chân và tay trái cử động yếu ớt. Thời gian đầu anh nằm liệt giường. Chuyện ăn uống, tắm rửa đều do chị chăm sóc. Sợ anh nằm một chỗ dễ bị lở loét nên chị chịu khó mỗi ngày lau mình, matxa cho anh. Rồi chị dìu anh tập đi từng bước. Nhờ sự chăm sóc tận tình của chị mà anh có thể ngồi dậy, đi chập chững. Chuyện ăn uống, chị đút anh mới ăn. Ngày làm vất vả nhưng đêm giấc ngủ của chị lúc nào cũng chập chờn. Nghe anh đòi uống nước, vệ sinh hoặc nghe trở mình rên khẽ là chị thức giấc, lo cho anh.

Chị tâm sự chồng đang khỏe mạnh giờ ngây dại khiến chị đau xót. Tủi thân nhất là những lúc đang ăn, bất ngờ anh tát vào mặt chị. Lúc đó chị rất giận, nhưng nghĩ lại tình cảm anh dành cho gia đình trước đây, 2g khuya chịu khó thức dậy vác cá thuê đến gần 16g hôm sau mới về, suốt ngày trầm mình trong nước đến nỗi đôi chân anh bị lở, ngứa ngáy. Cực nhọc nhưng anh vẫn vui vẻ, chưa hề đánh vợ con bao giờ. Lòng chị dịu lại và thấy thương anh hơn.

Trước đây chồng là lao động chính. Anh bị tai nạn, gánh nặng mưu sinh dồn hết trên vai chị. Mỗi ngày vất vả cũng chỉ kiếm 25.000 đồng cho năm miệng ăn. Căn bệnh đái tháo đường cứ hành hạ, cộng thêm nỗi lo mẹ chồng tuổi trên 80, chồng ngây ngô, con đứa học lớp 7, đứa mới lớp 3, nếu buông xuôi thì người thân sẽ ra sao. Nghĩ vậy nên chị cố. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng hai đứa con chị rất siêng học, nhất là con gái út tên Huỳnh Nhạn. Bé kể: “Con rất thương mẹ. Mẹ làm suốt nuôi cả nhà, lo cho tụi con ăn học. Có những lúc mẹ đút cơm cho cha, cha đánh mẹ đau lắm. Lúc đó, tụi con thấy mẹ khóc, tụi con ôm mẹ mà khóc theo. Con cũng thương cha nhiều lắm”. Mẹ chồng chị nói: “Thấy dâu làm việc vất vả mà thương. Số tui may gặp dâu thảo”.

18g, không khí dịu mát, chị dìu anh đi dạo, tay chị choàng ngang hông anh, tay anh vịn vào vai chị lần hồi bước. Đi dạo khoảng 10 phút thì quay về. Cả gia đình ngồi quây quần bên nhau trên giường, mặt anh bớt đi vẻ ngây dại, có chút gì tươi tỉnh. Đứa con út bá cổ ba để hôn - chuyện em chỉ dám làm khi cha tỉnh. Anh vuốt tóc vợ nói bằng giọng đơ đớ: “Anh có lỡ đánh em thì em đánh lại. Chứ em đừng bỏ anh”. Chị nghe vậy, những muộn phiền trên mặt giãn ra, nói với anh mà đôi mắt rưng rưng: “Vợ chồng là duyên nợ ba sinh, làm sao bỏ nhau được”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên